Xe BMW 328i được trưng bày tại Munich (Đức) ngày 14/10/2011. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ủy ban Cạnh tranh Thụy Sỹ (COMCO) cáo buộc rằng kể từ năm 2003, BMW đã cố ý ngăn cản người dân nước này mua các mẫu xe của hãng ở thị trường nước ngoài. COMCO cho biết một điều khoản trong hợp đồng của các đại lý BMW tại Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA) cấm việc bán xe cho những khách hàng từ những quốc gia nằm ngoài EEA.
Điều khoản trên đã gây khó khăn cho các cá nhân muốn nhập khẩu ô tô về Thụy Sỹ, giữa bối cảnh Thụy Sỹ không nằm trong EEA. Cũng trong thời gian đó đồng france Thụy Sỹ mạnh lên đáng kể so với đồng euro, khiến khách hàng mua xe tại Khu vực đồng euro được lợi rất nhiều. Theo COMCO, hành động của BMW đã vi phạm luật cạnh tranh của Thụy Sỹ.
Trong khi đó, BMW đã phủ nhận lập luận trên và đệ đơn kháng cáo lên Tòa án Hành chính Liên bang của Thụy Sỹ, song bị bác đơn vào năm 2015. Sau đó, BMW tiếp tục kháng cáo lên Tòa án Tối cao, song vẫn tiếp tục bị bác đơn.
Gần đây, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết đã tiến hành các cuộc thanh kiểm tra liên quan đến những quan ngại rằng một số nhà sản xuất ô tô của Đức đã vi phạm các luật lệ quy định về chống độc quyền, theo đó cấm các tổ chức liên kết với nhau để khống chế thị trường và các hành vi kinh doanh không được phép khác.
Hồi tháng Bảy, tuần báo Der Spiegel của Đức cho biết Volkswagen, Daimler, Audi, Porsche và BMW đã bí mật cộng tác với nhau trong lĩnh vực phát triển xe ô tô, xây dựng và logistics (dịch vụ hậu cần, kho vận) từ những năm 1990. Việc hợp tác giữa các doanh nghiệp sản xuất ô tô không phải là hiếm thấy, và các cuộc thanh tra kể trên của EU là bước đầu tiên trong việc xác định liệu các thỏa thuận hợp tác đó có vượt qua ranh giới để bị xem là “thông đồng” với nhau hay không.