Sản xuất và lắp ráp ô tô tại KCN Chu Lai (Quảng Nam) của THACO. |
Áp lực cạnh tranhNăm 2014, Chính phủ phê duyệt “Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”. Trong đó nhấn mạnh xây dựng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam thành ngành công nghiệp quan trọng, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa, tham gia xuất khẩu, tạo động lực thúc đẩy phát triển của các ngành công nghiệp khác và nâng cao năng lực cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô thế giới. Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), năm 2015 Việt Nam có 282.300 xe đăng ký mới, dự kiến năm 2016 là 344.600 xe. Con số này là khá khiêm tốn so với doanh số 799.632 xe năm 2015 của Thái Lan; Indonesia trên 1 triệu xe; Malaysia 666.674 xe; Philippines 288.609 xe (theo số liệu Hiệp hội Ô tô ASEAN).
Áp lực cạnh tranh từ các nước trong khu vực ngày càng lớn khi lộ trình cắt giảm thuế theo hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) sẽ hoàn tất vào năm 2018. Mức thuế suất nhập khẩu vào Việt Nam đối với các loại xe đáp ứng tỷ lệ nội khối 40% từ ASEAN sẽ về 0%. Bên cạnh đó, các cam kết trong ASEAN+6 (RCEP – trong đó có 02 cường quốc ô tô là Nhật Bản và Hàn Quốc) sắp tới cũng có xu hướng cắt giảm sâu thuế nhập khẩu đối với ô tô so với mức cam kết WTO.
Trước những thách thức đó, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn chưa phát triển, nguồn nhân lực trong công nghiệp ô tô nói riêng và trong lĩnh vực cơ khí, kỹ thuật nói chung cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô.
Nhìn từ các nước ASEANĐể phát triển công nghiệp ô tô, Chính phủ Thái Lan đã đưa ra nhiều chính sách phù hợp cho từng giai đoạn nhằm bảo hộ và phát triển nền sản xuất ô tô trong nước. Cụ thể năm 1978, Thái Lan đưa ra chính sách cấm nhập xe nguyên chiếc để tạo động lực thúc đẩy các nhà sản xuất ô tô trong nước gia tăng tỷ lệ nội địa hóa. Năm 2004, Chính phủ tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành công nghiệp ô tô tại Thái Lan với nhiều chính sách ưu đãi như miễn thuế doanh nghiệp 3-8 năm cho các dự án đầu tư trên 30 triệu USD, giảm/miễn thuế cho máy móc và nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất. Với chính sách trên, Thái Lan tạo động lực cho các tập đoàn ô tô lớn như Toyota, Ford, Honda, Isuzu mở rộng đầu tư và tăng cường hoạt động. Những chính sách bảo vệ hoạt động và phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ một thời gian dài đã giúp cho ngành công nghiệp ô tô Thái Lan đạt những thành công lớn.
Chính phủ Indonesia đã đưa ra chính sách khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất ô tô trong nước thông qua các hình thức liên doanh lắp ráp, sản xuất và phân phối. Những năm 1990, Indonesia đưa ra chính sách ưu đãi cho các nhà sản xuất ô tô sử dụng linh kiện phụ tùng sản xuất trong nước, hướng đến việc gia tăng tỷ lệ nội địa hóa. Từ những năm 1960, Malaysia bắt đầu chú ý đến ngành công nghiệp ô tô thông qua việc cấp phép cho một số nhà máy lắp ráp. Sang thập niên 70, việc nhập khẩu xe nguyên chiếc bị hạn chế bởi quy định về giấy phép nhập khẩu và hàng loạt các quy định khác tại mỗi địa phương. Năm 1980, Malaysia cấm nhập khẩu một số linh kiện để phát triển ngành lắp ráp ô tô trong nước (chính sách MDI). Những chính sách trên đã giúp Malaisia có 18 nhà máy ô tô đang hoạt động, 550 nhà máy linh kiện và tạo công ăn việc làm cho 550.000 lao động, đóng góp 3,4% vào GDP.
Cần những điều kiện hợp lý
Công nghiệp ô tô là ngành công nghiệp quan trọng, mang tính chất tích hợp sản phẩm của nhiều ngành công nghiệp khác. Sản xuất, lắp ráp ô tô đòi hỏi vốn đầu tư lớn và thời gian đầu tư dài. Song song đó, nó kéo theo một hệ thống các ngành nghề phụ trợ, thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp khác thông qua việc chuyển giao công nghệ và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia trực tiếp. Vì vậy, nếu không có các chiến lược, chính sách rõ ràng, nhất quán để tạo điều kiện phát triển công nghiệp ô tô thì Việt Nam sẽ khó thành công trong việc sản xuất, lắp ráp ô tô đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Hiện ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang ở giai đoạn đầu (như Thái Lan cách đây 30 năm) nên cần có điều kiện hợp lý cho sản xuất, láp ráp, nội địa hóa và nhập khẩu để doanh nghiệp có đủ thời gian chuẩn bị đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh với các nước trong khu vực. Vì vậy cần phải đưa ra giải pháp dài hạn, ổn định, nhất quán để doanh nghiệp tự tin đầu tư dài hạn, tìm kiếm cơ hội bứt phá vươn lên, làm đầu tàu đưa nền công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển. Qua đó góp phần thực hiện thành công mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Điều này sẽ tạo ra nhiều cơ hội thu hút vốn, nhận chuyển giao công nghệ, kỹ thuật sản xuất tiên tiến và kinh nghiệm quản trị từ các quốc gia có nền công nghiệp phát triển, đưa Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Công nghiệp ô tô phát triển có tác động lan tỏa kéo theo sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ (sản xuất linh kiện, phụ tùng, động cơ, hộp số, máy nông ngư cơ...).
Theo một số chuyên gia kinh tế, nếu ngành công ngiệp ô tô Việt Nam có tỷ lệ nội địa hóa 40% và phục vụ mục tiêu xuất khẩu sang các nước ASEAN sẽ góp phần giảm thâm hụt cán cân thương mại ngoại tệ. Việc này cũng đồng thời đóng góp trên 10% giá trị sản xuất cho toàn ngành công nghiệp Việt Nam, tạo việc làm cho 200.000 lao động trực tiếp và trên 1.500.000 lao động gián tiếp.