Hyundai Motor từng tự hào về doanh số bán đạt trên 1 triệu chiếc mỗi năm tại Trung Quốc, với 5 nhà máy tại địa phương đang hoạt động. Điều này đột ngột kết thúc vào năm 2017, do căng thẳng trong quan hệ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc.
Kể từ đó, doanh số bán của Hyundai Motor sụt giảm và một số nhà máy phải tạm dừng hoạt động. Hyundai Motor phải bán nhà máy đầu tiên ở Bắc Kinh vào năm 2021. Nhà sản xuất ô tô này đã rao bán nhà máy tại Trùng Khánh vào tháng 8/2023. Nhà máy tại Thường Châu của Hyundai Motor dự kiến sẽ được rao bán trong tương lai, cuối cùng sẽ thu hẹp quy mô sản xuất của Hyundai tại Trung Quốc từ 5 cơ sở xuống còn 2.
Đầu tháng này, Hyundai Motor cũng đã công bố quyết định bán nhà máy và chính thức chấm dứt hoạt động tại Nga. Nhà máy này (từng có công suất sản xuất hàng năm khoảng 230.000 chiếc) đã ngừng hoạt động sau khi xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine vào tháng 2/2022. Quyết định bán nhà máy bao gồm cả nhà máy của General Motor (GM) mà Hyundai Motor mua lại vào năm 2020.
Hai thương hiệu của gã khổng lồ ô tô Hàn Quốc – Hyundai và Kia – đã ngày càng nổi tiếng sau khi nhà máy ở Nga bắt đầu hoạt động vào năm 2011. Hai thương hiệu này nhanh chóng chiếm khoảng 1/4 tổng thị phần tại Nga trong năm 2018, đưa Hyundai Motor trở thành tập đoàn ô tô lớn nhất tại đây.
Các chuyên gia trong ngành chỉ ra những bất ổn địa chính trị nằm ngoài tầm kiểm soát của khu vực tư nhân. Nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc đang cố gắng tìm câu trả lời ở các thị trường khác. Chủ tịch điều hành Hyundai Motor Chung Euisun đã có chuyến thăm lần lượt tới Ấn Độ và Indonesia vào tháng 8 và tháng 9 vừa qua.
Với dân số lớn nhất thế giới là 1,4 tỷ người, Ấn Độ đã trở thành thị trường ô tô lớn thứ ba sau Trung Quốc và Mỹ vào năm 2022, khi có khoảng 4,76 triệu xe mới được bán ở đó. Thị trường ô tô chở khách trong nước, với doanh số 3,8 triệu chiếc, dự kiến sẽ đạt 5 triệu chiếc vào năm 2030. Trong số đó, hơn 1 triệu chiếc dự kiến sẽ là xe chạy hoàn toàn bằng điện khi Chính phủ Ấn Độ tìm cách tăng tỷ lệ xe điện lên 30% tổng doanh số bán vào năm 2030.
Hyundai Motor đã giữ vị trí số hai tại thị trường ô tô Ấn Độ. Theo phân tích của Marklines, Hyundai và Kia đã bán được khoảng 800.000 chiếc ở Ấn Độ từ tháng 1 đến tháng 11 năm nay, trong khi Tata Motors (công ty thuộc tập đoàn Tata Group của Ấn Độ) bán được khoảng 850.000 chiếc.
Hyundai Motor cho biết sẽ tiếp tục tung ra các loại xe thể thao đa dụng phù hợp với thị trường Ấn Độ, chẳng hạn như Exter, một chiếc SUV nhỏ gọn vừa giành được giải thưởng "Xe của năm" tại Ấn Độ sau khi được ra mắt tại đây vào tháng 7/2023.
Huyndai và Kia tuyên bố sẽ giới thiệu một số xe điện mới trong tương lai và mở rộng cơ sở hạ tầng sạc tại địa phương để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xe điện. Với việc mua lại nhà máy ở Ấn Độ của GM với mức giá chưa được tiết lộ vào tháng 8/2023, Hyundai Motor cũng có kế hoạch tăng cường năng lực sản xuất tại quốc gia Nam Á này lên 1 triệu chiếc mỗi năm.
Đối với Hyundai Motor, thị trường Indonesia dường như gặp nhiều rào cản hơn (so với Ấn Độ), khi thị trường này do các thương hiệu Nhật Bản chiếm lĩnh. Hyundai Motor cho biết hãng dự kiến sẽ đạt thị phần 3,9% vào cuối năm nay. Kế hoạch chi tiết của nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc nhằm tập trung vào chuyển đổi xe điện ở Indonesia, nơi có dân số khoảng 274 triệu người. Hyundai Motor đang thành lập chuỗi xe điện hoàn chỉnh đầu tiên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khi hãng này đang xây dựng một nhà máy sản xuất pin chung với LG Energy Solution.
Nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc đang đặt hy vọng vào Indonesia để trở thành trung tâm chính của thị trường ASEAN. Hyundai Motor kỳ vọng Thái Lan và Malaysia sẽ dẫn đầu quá trình chuyển đổi xe điện trong khu vực ASEAN. Hyundai Motor cho biết khi mỗi quốc gia ASEAN chú trọng hơn vào xe điện, thị trường xe điện sẽ tiếp tục phát triển với dự báo chiếm khoảng 15% tổng thị trường ô tô Đông Nam Á vào năm 2030.