Theo hãng tin Kyodo, trong cuộc họp báo chung đầu tiên, liên minh gồm Nissan, Renault và Mitsubishi cho biết họ muốn quản lý mối quan hệ đối tác một cách cân bằng và mang tính tham vấn nhiều hơn so với dưới thời ban quản trị trước đó khi quyền hành tập trung quá nhiều vào ông Ghosn. Ban quản trị chung mới sẽ do Chủ tịch hãng Renault, Jean-Dominique Senard đứng đầu. Thành viên của cơ chế mới còn có Giám đốc điều hành (CEO) Nissan Hiroto Saikawa và Chủ tịch hãng Mitsubishi Thierry Bollore.
Tại cuộc họp báo, ông Senard cho rằng việc thành lập một ban quản trị chung sẽ là "khởi đầu mới" đối với liên minh. Ông đồng thời khẳng định không có ý định trở thành người đứng đầu hãng Nissan, vị trí vốn bị bỏ trống sau khi ông Ghosn bị bắt giữ.
Ông Ghosn là người đứng đầu liên minh sản xuất ôtô gồm hãng Renault của Pháp và hai hãng Nissan, Mitsubishi của Nhật Bản. Ông được xem là nhân vật quyền lực nhất nhì ngành xe hơi Nhật Bản khi từng giữ vai trò quan trọng giúp Nissan vượt qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế trong thập niên 90 của thế kỷ trước, cũng như hỗ trợ hãng chế tạo ô tô Mitsubishi chống chọi với thời kỳ kinh doanh giảm sút sau khi hãng này bị cáo buộc làm giả số liệu về chỉ số tiêu thụ nhiên liệu.
Ông Ghosn bị bắt giữ ngày 19/11/2018 liên quan đến những nghi ngờ vi phạm Luật Quản lý sàn giao dịch và công cụ tài chính của Nhật Bản, thao túng các hồ sơ tài chính và báo cáo không đầy đủ thu nhập cá nhân. Quyết định của toà án cho phép ông tại ngoại là động thái bất ngờ trong vụ kiện đang khiến Nhật Bản và giới doanh nhân đau đầu. Nếu bị phán quyết phạm các tội danh trên, cựu Chủ tịch tập đoàn sản xuất ôtô Nissan sẽ phải đối mặt với mức án 10 năm tù giam. Cho đến nay, doanh nhân trên luôn bác bỏ mọi cáo buộc. Tuy nhiên, ngay sau khi bê bối nổ ra, Nissan đã quyết định cách chức ông khỏi vị trí chủ tịch. Ông Ghosn cũng phải rời khỏi vị trí lãnh đạo của hai hãng Renault và Mitsubishi.
Dự kiến, Nissan tiến hành cuộc họp cổ đông bất thường vào ngày 8/4 tới nhằm hoàn tất việc cách chức ông Ghosn.