Song, xe tự hành thực sự là gì? Cơ quan Quản lý An toàn Giao thông quốc gia thuộc Bộ Giao thông Vận tải Mỹ tháng 10/2016 đã cập nhật các chính sách nêu rõ họ đã chính thức thông qua các cấp độ của hệ thống lái xe tự động, từ người lái vận hành cho đến xe tự hành hoàn toàn được Hiệp hội Kỹ sư Ô tô (SAE) đưa ra vào năm 2014.
1. Cấp độ 0 hoàn toàn không có tính năng tự lái. Nhiều ô tô đang được lưu thông hiện nay được xếp vào cấp độ này, kể cả những ô tô được trang bị các tính năng như cảnh báo va chạm phía trước hay công nghệ cảnh báo điểm mù. Ở cấp độ này, người ngồi phía sau vô lăng phải tự mình điều khiển hoàn toàn các tính năng của xe, như lái xe, gia giảm tốc độ, hay phanh khi xe đang chạy.
Một mẫu thiết kế xe tự hành của Mercedez Benz. |
2. Cấp độ 1 được trang bị một vài tính năng hỗ trợ người lái. Các loại ô tô tự lái ở cấp độ này có thể có một hoặc nhiều hệ thống điều khiển tốc độ của xe hoặc hướng lái, nhưng không thể đồng thời vận hành cả hai tính năng này. Nhiều mẫu ô tô hiện nay được trang bị tính năng Cruise Control nhằm giúp chiếc xe có thể tự vận hành ở tốc độ mong muốn của người lái xe, từ đó giảm tải việc liên tục phải giữ chân ga trên một quãng đường dài.
Đây là ví dụ cho một tính năng tự hành cấp độ một. Tới năm 2021, hầu hết ô tô bán ra tại Mỹ sẽ được trang bị hệ thống phanh tự động khẩn cấp, vốn cũng là một tính năng của xe tự hành cấp độ 1. Bên cạnh đó, một vài hãng xe như Subaru còn có cả hệ thống chủ động kiểm soát làn đường, qua đó có thể tự động lái xe trở về đúng làn đường khi xe chạy chệch làn trên những xe thuộc phân khúc phổ thông, nhưng các hệ thống này không thịnh hành bằng hệ thống Cruise Control.
3. Cấp độ 2 được trang bị các hệ thống hỗ trợ người lái nhiều hơn. Nhiều nhà sản xuất ô tô hạng sang hiện đã cung cấp các xe tự hành cấp độ hai có thể đồng thời tự điều khiển hướng lái và tốc độ, mà không cần sự tương tác từ người lái trong một khoảng thời gian ngắn (dưới 1 phút hay vài giây). Hiện tại, các “ông lớn” như Volvo, Mercedes-Benz và BMW đều đã cung cấp các tính năng tự hành cấp độ hai, nhưng tất cả đều yêu cầu người lái phải theo dõi điều kiện môi trường xung quanh khi xe di chuyển. Hệ thống tự hành cấp độ hai nổi tiếng nhất hiện nay có lẽ là Autopilot của Tesla. Hệ thống này có thể đo lực xoay trên vô lăng để đảm bảo rằng người lái đang tập trung lái xe. Xe tự hành ở cấp độ này không thể tự điều khiển ở mọi trường hợp, bao gồm cả việc nhập làn vào đường cao tốc hay lái xe trong trình trạng tắc đường.
\
4. Cấp độ 3 là tự hành có điều kiện. Không giống như các xe tự hành cấp độ 2, xe tự hành cấp độ 3 có thể tự điều khiển trong mọi tình huống, đồng thời liên tục tự theo dõi điều kiện đường sá. Song không giống như những cấp độ tự hành cao hơn, xe cấp độ 3 sẽ chuyển sang chế độ người lái điều khiển khi chúng không thể xử lý tình huống. Theo định nghĩa của SAE, xe tự hành cấp độ 3 sẽ yêu cầu người lái can thiệp khi hệ thống tự lái ngừng hoạt động. Tuy nhiên, một số nhà sản xuất ô tô cho rằng đây là một vấn đề về an toàn đối với người lái vì họ quá phụ thuộc vào các hệ thống này và có thể không sẵn sàng để can thiệp khi cần thiết. Đây cũng là lý do mà nhiều hãng xe như Ford hay Volvo cho biết họ sẽ bỏ qua giai đoạn này.
5. Cấp độ 4 được mô tả là gần như tự hành. Ford và Volvo gần đây đều loan báo sẽ cho ra đời những chiếc xe tự hành cấp độ 4 trước năm 2021. Hiện chưa rõ liệu khách hàng bình thường có được sử dụng những chiếc xe này, hay chúng chỉ dành cho các hoạt động chia sẻ xe hoặc chỉ có mặt ở một số thành phố nhất định, nhưng rõ ràng là nhiều hãng xe đang hướng mục tiêu tới cấp độ này. Xe tự hành cấp độ 4 sẽ không cần đến sự tương tác của người lái nữa mà thay vào đó sẽ tự động dừng lại khi các hệ thống tự hành ngừng hoạt động.
Đây là điểm khác biệt quan trọng của xe cấp độ 4 so với cấp độ 3. Nhiều nhà sản xuất ô tô như Tesla hay Mercedes-Benz đã tích hợp tính năng tự giảm dần tốc độ xe đến khi dừng hẳn hoặc bật đèn cảnh báo nguy hiểm khi phát hiện tín hiệu cho thấy người lái không tương tác với xe. Nhiều hãng xe cho rằng việc tích hợp cả tính năng tự lái và có người lái là thừa và tốn kém. Volvo là hãng xe duy nhất cho đến nay cho biết họ sẽ tung ra chiếc XC90 tự hành cấp độ 4 với cả hai tính năng này.
6. Cấp độ 5 là những xe tự hành hoàn toàn. Dù cấp độ 4 và cấp độ 5 có vẻ như không mấy khác biệt, song trên thực tế, đây là một bước nhảy vọt khi xe tự hành cấp độ năm hoàn toàn không cần đến sự tương tác của người lái trong quá trình vận hành. Các bộ phận cơ bản của xe như vô lăng, chân ga và chân phanh sẽ không còn cần thiết trên một chiếc xe tự lái cấp độ này bởi chúng không cần sự điều khiển của con người nữa.
Trong một sớm một chiều không thể khiến một chiếc xe có khả năng “đọc” được đường mà không cần vạch chỉ đường rõ ràng, trong điều kiện thời tiết xấu hay trong những điều kiện thường xuyên thay đổi, vì điều này đòi hỏi xe phải có năng lực tính toán và cảm biến khổng lồ. Chưa hãng xe nào vạch ra được một lịch trình chắc chắn để đưa xe tự hành cấp độ 5 vào lưu thông, song nhiều hãng cho rằng sẽ phải mất ít nhất là 10 năm hoặc lâu hơn thế nữa.