Người tiêu dùng đã biết đến các ứng dụng liên quan đến dịch vụ taxi như Uber và Lyft, và các nhà sản xuất ô tô cũng đã bắt đầu bước chân vào thị trường đầy tiềm năng này. Ford hồi năm ngoái đã chi hơn 65 triệu USD để mua Chariot, một ứng dụng cung cấp dịch vụ chia sẻ xe tại San Francisco, Mỹ. Trước đó, General Motors (GM) cũng đã chính thức giới thiệu dịch vụ thuê xe công cộng Maven.
Trong khi đó ở châu Âu, dự án khởi nghiệp có tên là Vulog tại Pháp đã giúp các nhà sản xuất ô tô/các doanh nghiệp vận hành các chương trình chia sẻ xe một chiều, trong đó cho phép người dùng thuê xe để tự lái đến môt điểm đến, sau đó đỗ xe tại một điểm đỗ định trước. Chương trình này được Giám đốc điều hành của Vulog mô tả là như dịch vụ Uber nhưng không có tài xế và rẻ hơn nhiều.
Ông Peter Kosak, Giám đốc phụ trách mảng vận tải đô thị của GM, nhận định rằng bất cứ doanh nghiệp nào không suy nghĩ nghiêm túc đến việc gia nhập dịch vụ vận chuyển theo yêu cầu sẽ có nguy cơ phải rời bỏ cuộc chơi.
Sự chuyển hướng sang hoạt động vận chuyển theo yêu cầu, chia sẻ và có thể kết hợp công nghệ xe tự lái này đã giải quyết một vấn đề mà những người lái xe thường gặp phải: Đó là xe ô tô tiêu tốn nhiều khoản phí trả trước và nhanh chóng bị mất giá, song chúng lại không được tận dụng một cách tương xứng.
Theo các chuyên gia phân tích của ngân hàng Deutsche Bank AG, có vô số những quan điểm sai lầm về cách thức mà cuộc cách mạng vận tải hành khách theo yêu cầu sẽ tác động đến các nhà sản xuất ô tô, mà chủ yếu là những ảnh hưởng của chúng đối với doanh số bán hàng. Deutsche Bank cho biết một trong những quan điểm nhận được sự đồng thuận rộng rãi là doanh số bán xe ô tô sẽ sụt giảm. Các chuyên gia của ngân hàng này tin rằng quan điểm nêu trên là sai lầm, song thừa nhận sự phát triển mạnh mẽ của hình thức xe theo yêu cầu cuối cùng có thể làm giảm lượng xe lưu thông ở Mỹ khoảng hơn 25 triệu xe.
Tuy nhiên, cùng với sự sụt giảm trong lượng xe lưu thông là vòng đời sản phẩm xe ô tô có xu hướng ngắn lại do chúng sẽ được tận dụng triệt để hơn so với hiện tại. Tuổi thọ của các phương tiện vận hành theo yêu cầu được dự đoán sẽ chỉ ở mức 3 năm, và vì thế mà theo các nhà phân tích, tốc độ quay vòng tăng lên sẽ có tác động thúc đẩy doanh số bán hàng.
Nếu mọi việc tiến triển như Deutsche Bank dự đoán thì ngành công nghiệp ô tô cũng sẽ trở nên ít có tính chu kỳ hơn, vì lúc đó quãng đường xe đi mới là yếu tố chi phối doanh số bán hàng thông qua tuổi thọ sản phẩm, chứ không phải là "thể trạng" của nền kinh tế hay các điều kiện tín dụng.
Liệu cuộc cách mạng xe theo yêu cầu có thể vừa làm giảm chi phí đi lại của người dùng, vừa có lợi cho túi tiền các nhà sản xuất ô tô? Câu trả lời còn đang bỏ ngỏ, nhưng có một điều chắn chắn là ý tưởng trên có vẻ ít “điên rồ” hơn so với ý tưởng xe tự lái vào thời điểm cách đây 10 năm.