Với lệnh cấm động cơ đốt trong tại Trung Quốc và châu Âu, các tập đoàn sản xuất ô tô lớn đang nỗ lực đẩy nhanh việc đưa các sản phẩm xe điện ra thị trường và tránh để bị một doanh nghiệp khác bất ngờ vượt mặt như Tesla.
Để có thể tồn tại ở các thị trường toàn cầu, khi các "ông lớn" trong ngành này như General Motors, Ford, Renault hoặc Stellantis có thể sản xuất hàng trăm nghìn xe tải nhỏ mỗi năm với phần mềm hoặc công nghệ tân tiến sẽ tạo ra sự khác biệt cho các "tân binh".
Đối với công ty khởi nghiệp về sản xuất xe điện Bedeo của Anh, câu trả lời đã xuất hiện vào năm ngoái nhờ một sự kiện bất ngờ. Khi tập đoàn bất động sản Evergrande của Trung Quốc gặp khó khăn vì nợ nần, doanh nghiệp sản xuất xe điện quốc gia của Thụy Điển (NEVS) - công ty con của Evergrande - đã quyết định bán công ty khởi nghiệp về động cơ điện gắn trong bánh xe Protean Electric cho Bedeo.
Kể từ thời điểm đó, Bedeo đã biến những chiếc xe tải như Boxer của Peugeot và Movano của Opel thành xe điện cho tập đoàn mẹ là Stellantis bằng cách lắp thêm động cơ điện, pin và hệ điều hành tại một nhà máy ở Thổ Nhĩ Kỳ. Bedeo cũng bán các xe tải điện tự sản xuất cho các khách hàng như TNT của FedEx và DHL của Deutsche Post.
Giám đốc điều hành của Bedeo, Osman Boyner cho biết Bedeo và Protean đang lên kế hoạch phát triển các nền tảng xe điện mới cho các dòng xe thương mại và xe chở khách sử dụng động cơ điện gắn trong bánh xe.
Động cơ điện gắn trong bánh xe là những động cơ điện hoạt động độc lập, có thể lắp vào tất cả hoặc một vài bánh xe trong xe điện. Động cơ này không cần trục xe hay hệ thống truyền động nên sẽ tạo thêm nhiều khoang trống trong xe tải, tăng quãng đường chạy bằng pin thông qua việc giảm trọng lượng xe.
Tại trụ sở của Protean ở Farnham, ngoại ô thủ đô London (Anh), Giám đốc điều hành Andrew Whitehead đã giới thiệu xe thể thao do NEVS phát triển với động cơ gắn trong bánh xe có thể chạy tới 1.000 km, quãng đường dài hơn nhiều so với các xe điện hiện nay.
Nhu cầu động cơ điện gắn trong bánh xe hiện đang rất cao. Mỗi năm có khoảng 9 triệu xe tải nhỏ được bán ra. Trong bối cảnh các nhà phân phối và bán lẻ toàn cầu đang chịu nhiều áp lực về giảm khí thải và bảo vệ môi trường, các đơn đặt hàng xe điện sẽ tăng lên nhanh chóng. Bedeo đang đàm phán với các nhà sản xuất ô tô lớn về việc hợp tác xây dựng các nền tảng xe điện thương mại, nhưng cũng đồng thời cân nhắc khả năng tự đầu tư 500 triệu USD để sản xuất xe điện và cạnh tranh trên thị trường.
Tuy nhiên, các hãng xe như GM và Ford là một thách thức lớn đối với các công ty khởi nghiệp, bởi họ có các nhà máy lớn, mạng lưới bán hàng, cung cấp dịch vụ và phân phối trên toàn cầu, cũng như các mối quan hệ lâu dài với khách hàng. Một số nhà đầu tư còn cho rằng các công ty khởi nghiệp mới tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Năm ngoái, FedEx đã chịu cú sốc lớn, khi công ty khởi nghiệp về xe điện Chanje phá sản sau khi hứa cung cấp cho hãng 1.000 xe tải. FedEx hiện đã chuyển sang đặt mua hàng nghìn xe điện của BrightDrop thuộc tập đoàn GM bởi quy mô hoạt động và mạng lưới hỗ trợ tốt. Mặc dù vậy, công ty vận chuyển FedEx vẫn không loại trừ khả năng hợp tác với các công ty khởi nghiệp sáng tạo và có công nghệ mới.
Mặt khác, dù có quy mô nhỏ, song các công ty khởi nghiệp vẫn có khả năng tồn tại nhờ có phần mềm và công nghệ xe hơi tốt hơn, cũng như tập trung vào thị trường nhỏ. Chi phí thấp là một trong những ưu thế của công ty khởi nghiệp về xe tải điện Arrival của Anh. Hãng đang lên kế hoạch phát triển các nhà máy siêu nhỏ và nhựa composite nhẹ và có chi phí thấp để sản xuất thân xe tải.
Về phần mình, công ty sản xuất xe tải điện Tevva của Anh tin tưởng rằng sự kết hợp của công nghệ pin hydro, chi phí sản xuất thấp và phần mềm trên đám mây nhằm tối ưu hóa quãng đường chạy của xe điện sẽ là bằng chứng về tương lai phát triển của công ty.