Trở vào các khu mỏ khai thác khoáng sản trái phép nằm sâu trong núi ở các thôn Kambutte, thôn Đa Hoa, thôn Bokabang… đều thuộc xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, nhóm phóng viên chứng kiến các máy múc, phương tiện khai thác đã rút khỏi các mỏ đất, đá. Hiện trường để lại là rất nhiều chân núi, ngọn đồi bị đào khoét nham nhở với diện tích hàng chục ha. Nhiều khu vực, sau khi bị các đối tượng đào trọn cả một quả đồi mang đi bán, mặt bằng để lại rộng vài ha đã được chuyển thành diện tích đất nông nghiệp. Nghiêm trọng hơn, một số ngọn núi đang bị đào bới gần hết một nửa, trên đỉnh vẫn còn cây rừng xanh mơn mởn, có thể vẫn là đất lâm nghiệp của Nhà nước, chứ không phải đất sản xuất nông nghiệp của người dân.
Anh N.C.Đ có vườn cây cà phê nằm trên đường vào khu mỏ đất ở thôn Đa Hoa cho biết: "Rất lạ là từ hôm qua (16/11) đến giờ, anh không nhìn thấy một chiếc xe nào chở đất, đá đi qua khu vực này. Chứ từ 3 năm nay, ngày nào cũng có hàng trăm lượt xe vận tải của Công ty Linh Tâm Anh chở đất, đá nườm nượp chạy qua. Hình như, toàn bộ những mỏ khoáng sản trong khu vực xã Tu Tra này đều của công ty đó, nên họ chạy từ sáng sớm đến nửa đêm. Nhiều lần bà con đi làm vườn phải nép vào sát mép đường để xe của họ đi qua mới dám đi tiếp, vì họ chạy rất dữ…".
Những gì nhóm phóng viên chứng kiến và người dân nói, dường như trái ngược hẳn với trả lời của ông Trương Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Tu Tra khi làm việc với nhóm phóng viên. Ông Hùng khẳng định trên địa bàn xã không có mỏ khoáng sản nào cả. Còn các trường hợp chở đất, đá ra khỏi khu vực, có thể do san gạt dôi dư, người ta đem đi đổ.
Ông cho rằng do quản lý địa bàn quá rộng, cán bộ quá ít, nên mặc dù lực lượng của UBND xã đã tích cực tuần tra, nhưng không phát hiện được các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép nào. Từ đầu năm đến nay chỉ phát hiện và xử phạt khoảng 3 trường hợp, mỗi trường hợp 2,5 - 3,5 triệu đồng… Điều này khá mâu thuẫn khi nhóm phóng viên thấy 1 địa điểm khai thác đất, đá ở gần cây xăng Tùng Hóa, chỉ cách UBND xã Tu Tra khoảng 400m…
Trở lại mỏ khoáng sản bị khai thác trái phép tại thôn 3, xã Đạ Ròn, địa điểm gần cây cầu sắt Tu Tra, nhóm phóng viên nhận thấy toàn bộ máy móc, phương tiện, thiết bị của Công ty Quốc Khánh đã rút ra hết khỏi địa bàn.
Để làm rõ các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép xảy ra tại địa phương, phóng viên tìm tới UBND xã Đạ Ròn. Tuy nhiên, cán bộ văn phòng ở đây cho biết Chủ tịch xã đã lên huyện họp, các Phó chủ tịch đều bận đi truy vết COVID-19, không có ai ở nhà.
Liên lạc qua điện thoại, ông Lê Đức Tiến, Chủ tịch UBND xã Đạ Ròn cho biết, khu vực trên không phải mỏ mà chỉ là đất nông nghiệp. Chủ đất ở đây là bà nào đó (ông Tiến không nhớ tên) đã có giấy phép cải tạo mặt bằng. Việc chở đất, đá trên địa bàn, xã vẫn thực hiện xử phạt, ngày 12/11 mới xử phạt xe của Công ty Quốc Khánh. Sáng 17/11, UBND huyện Đơn Dương cũng đã xuống làm việc với xã về vấn đề này…
Sáng 18/1, phóng viên TTXVN đã liên lạc với ông Dương Đức Đại, Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương, về nội dung nhóm phóng viên đề nghị UBND huyện trả lời vào ngày 15/11, nhưng khi đó lãnh đạo huyện bận “cách ly COVID-19”. Ông Đại trả lời ngắn gọn: UBND huyện đã cho Công an và Phòng Tài nguyên và Môi trường xuống điều tra làm rõ. Khi nào có kết quả, huyện sẽ cung cấp cho các cơ quan báo chí. Trước những thông tin trên báo chí về tình trạng khai thác khoáng sản ồ ạt xảy ra trên địa bàn, huyện tiếp thu ngay và sẽ tổ chức điều tra, xử lý.
TTXVN sẽ tiếp tục theo dõi tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, đang diễn ra ồ ạt, công khai trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Sự việc này không chỉ xảy ra ở huyện Đơn Dương, mà còn ở địa bàn các huyện lân cận, nhưng không hề được xử lý. Tình trạng đó đã khiến dư luận xã hội rất bức xúc từ nhiều năm nay, nhất là khi các đoàn “xe vua” chở đất, đá khai thác trái phép chạy rầm rập trên các tuyến đường, kể cả quốc lộ và tỉnh lộ trên khu vực này…