Công ty Sâm Việt Nam trồng sâm trên giấy: Đã có kết luận chính thức

Liên quan đến chùm bài viết Công ty cổ phần Đầu tư sâm Việt Nam (Công ty Sâm Việt Nam) trồng sâm trên giấy, miệng mà TTXVN phản ánh trong suốt thời gian qua, cơ quan chức năng trong tỉnh Kon Tum đã vào cuộc xác minh thông tin vụ việc và bắt đầu có kết luận chính thức.

Chú thích ảnh
Trụ sở Công ty cổ phần đầu tư Sâm Việt Nam. 

Sự thật phơi bày

Cụ thể, sau chùm tin, bài điều tra của phóng viên TTXVN (trong tháng 12/2021 và tháng 1/2022), ngày 5 tháng 1 năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh có Công văn số 37/VP-NNTN về việc xác minh thông tin báo chí phản ánh. Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum chủ trì việc xác minh vụ việc trên.

Ngày 10/1/2022, Tổ công tác Liên ngành do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được thành lập để kiểm tra, xác minh các nội dung phản ánh của báo chí về Công ty Sâm Việt Nam trồng 10 ha sâm Ngọc Linh trên địa bàn 2 huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Cùng đó, nhiều ha sâm Ngọc Linh khác được công ty liên kết với dân, công ty khác để trồng.

Kết quả, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum (báo cáo số 31/BC-SNN ngày 17/1), với thông tin về Công ty Sâm Việt Nam trồng 10 ha sâm Ngọc Linh, tổ kiểm tra liên ngành làm việc với lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Tư Mơ Rông. Theo đó, đến thời điểm hiện tại, huyện Tu Mơ Rông chỉ giới thiệu đất trồng sâm Ngọc Linh cho 2 công ty là Công ty cổ phần  Sâm Ngọc Linh Kon Tum và Công ty cổ phần Vingin. Cả 2 công ty này đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum thống nhất cho chủ trương triển khai dự án trồng sâm Ngọc Linh.

Đối với việc liên kết trồng sâm Ngọc Linh giữa Công ty Sâm Việt Nam với Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông-Kon Tum, kết luận khẳng định Công ty Dược liệu Núi Ngok (tiền thân Công ty Sâm Việt Nam) do không triển khai trồng dược liệu theo hợp đồng trong suốt nhiều năm qua nên diện tích 3 ha đã bị Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông-Kon Tum thu hồi. Diện tích trên đang được trồng cây phục hồi rừng nhằm lấy tán lá trồng sa nhân tím, ngũ vị tử và một số loại cây dược liệu khác. Diện tích này hoàn toàn không thể trồng sâm Ngọc Linh.

Công ty Sâm Việt Nam có mua của người dân 550 cây Sâm Ngọc Linh, gửi lại người dân trồng đã cho thu hoạch được khoảng 1.000 hạt và được ông A Ngao gieo số hạt Sâm Ngọc Linh này tại vườn; đồng thời hỗ trợ chi trả tiền công bảo vệ và chăm sóc số lượng cây Sâm Ngọc Linh nói trên với giá 100.000 đồng/ngày công, việc chi trả thực tế theo ngày chăm sóc. Số sâm này trồng trên lâm phần dự án trồng sâm Ngọc Linh của Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum quản lý.

Tại huyện Đăk Glei, ông Nguyễn Tấn Tài, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trên địa bàn huyện Đăk Glei không có Công ty Sâm Việt Nam làm việc với huyện để liên kết trồng sâm tại địa bàn xã Mường Hoong. Ông A Linh, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mường Hoong khẳng định với tổ liên ngành toàn xã có 17 tổ liên kết thuộc các thôn trồng Sâm Ngọc Linh với diện tích khoảng 4 ha. Qua kiểm tra, xác minh tại thời điểm trên địa bàn xã không có Công ty Sâm Việt Nam phối hợp đầu tư.

Ngoài ra, với các cá nhân được Công ty Sâm Việt Nam công bố trên một số cơ quan báo chí, viết tắt tên, tổ liên ngành đã xác minh tất cả những ai có tên viết tắt như A.L ở xã Tê Xăng, A.K, A.P ở xã Ngọc Lây, tổ liên ngành đã xác minh tại Tê Xăng có 7 hộ tên A.L (2 hộ ở thôn Tu Thó, 5 hộ thôn Đăk Viên xã Tê Xăng), tất cả khẳng định không có ai liên kết trồng sâm với Công ty Sâm Việt Nam….

Trong quá trình xác minh thông tin, Công ty Sâm Việt Nam đã cố tình “né” tổ kiểm tra. Tổ kiểm tra liên ngành đã 3 lần đến trụ sở Công ty Sâm Việt Nam để làm việc nhưng bất thành. Tổ liên ngành có Giấy mời số 05/GM-CCKL ngày 12/01/2022 về việc kiểm tra thực địa để làm cơ sở rà soát đối chiếu hồ sơ liên quan đến việc trồng Sâm Ngọc linh trên địa bàn 2 huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum của Công ty cổ phần Sâm Việt Nam. Tuy nhiên, nhân viên công ty thông báo không có lãnh đạo công ty ở trụ sở và cũng không biết lãnh đạo đi đâu, cho nên không làm việc được với Tổ công tác. Công ty không bố trí người để phối hợp, làm việc với tổ liên ngành.

“Việc Công ty Sâm Việt Nam công bố sở hữu 10 ha và liên kết trồng Sâm Ngọc Linh với người dân trên địa bàn 2 huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông là không có”, kết luận của báo cáo khẳng định.

Nhiều câu hỏi đang đợi?

Đối với hàng nghìn sản phẩm được chế biến từ sâm Ngọc Linh mà Công ty Sâm Việt Nam công bố, tổ liên ngành chưa thể kết luận việc công ty có mua Sâm Ngọc Linh của các tổ chức, cá nhân nào để làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm không xác định được do không làm việc được với công ty. Bên cạnh đó, việc Công ty Sâm Việt Nam công bố thông tin không đúng sự thật hiện vẫn chưa được ngành chức năng làm rõ trách nhiệm…. Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan chức năng trong vụ việc trên.

Ngoài ra, Công ty Sâm Việt Nam còn công bố có khu nuôi cấy mô sâm Ngọc Linh tại huyện Kon Plông. Theo ông Phạm Thanh, Trưởng Ban quản lý khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen, thực chất đây chỉ là phòng thí nghiệm với diện tích hơn 200 mét vuông/1.700 mét vuông với các phòng chức năng như dụng cụ, pha chế, nuôi cấy… Khi phóng viên vào, bên trong phòng nuôi cây mô, máy móc để bừa bãi, xen kẽ giữa máy bếp ga. Khu vực bên ngoài có được vài luống cây sâm đang trồng thử nghiệm. Hiện có 3 người đang làm việc tại đây.  

Tuy nhiên, việc trồng sâm bằng phương pháp nuôi cấy mô của Công ty Sâm Việt Nam là đi ngược với chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum tại văn bản số 1006/UBND-NNTN ngày 26/4/2019) Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Hòa (lúc đó) chỉ đạo, trước mắt chỉ thực hiện việc phát triển diện tích sâm Ngọc Linh trên địa bàn bằng phương pháp nhân giống hữu tính (nhân giống bằng hạt).

Trước đó, trong tháng 12/2021 và tháng 1/2022, phóng viên TTXVN đã có chùm tin, bài điều tra việc Công ty Sâm Việt Nam trồng 10 ha sâm Ngọc Linh trên giấy, miệng để lừa dối dư luận. Sau sự việc, công ty đã cung cấp thông tin cho hàng loạt các cơ quan truyền thông nhằm ngụy biện cho hành vi sai trái của mình. Tất cả thông tin trên đều một chiều, không được ngành chức năng kiểm chứng, xác minh. Vụ việc tạo dư luận trái chiều, bức xúc trong tỉnh Kon Tum về thực hư vườn sâm 10 ha và hàng nghìn sản phẩm được chế biến từ sâm Ngọc Linh của Công ty Sâm Việt Nam.

Bài và ảnh: Cao Nguyên (TTXVN)
Công ty sâm Việt Nam trồng sâm trên giấy: 'Né' kiểm tra
Công ty sâm Việt Nam trồng sâm trên giấy: 'Né' kiểm tra

Đến nay, sau 3 ngày trễ hẹn báo cáo nhưng việc kiểm tra, xác minh thông tin Công ty cổ phần đầu tư sâm Việt Nam (Công ty sâm Việt Nam) trồng sâm Ngọc Linh trên giấy, miệng vẫn chưa có kết luận. Vụ việc tiếp tục ngóng đợi thông tin chính thức từ UBND tỉnh Kon Tum.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN