Cục An toàn thực phẩm khẳng định: Trong trường hợp xảy ra các sự cố về an toàn thực phẩm (sản phẩm vi phạm bị phát hiện, thu hồi…) dù là do nước ngoài sản xuất được Việt Nam nhập khẩu hay là sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu vẫn được Cục tiếp nhận qua thông tin chính thức của Mạng lưới cơ quan an toàn thực phẩm quốc tế (INFOSAN).
Hiện tại Cục chưa có thông tin từ cơ quan chức năng Nhật Bản về việc thu hồi sản phẩm tương ớt Chinsu nhập khẩu từ Việt Nam, nhưng đang nhanh chóng làm rõ vụ việc hơn 18.000 chai tương ớt Chinsu bị thu hồi tại Nhật Bản cũng như nguyên nhân dẫn đến việc thu hồi và nguồn gốc hàng hoá.
Liên quan đến thành phần acid benzoic là lý do dẫn đến việc thu hồi lô hàng tương ớt Chinsu tại Nhật Bản, lãnh đạo Phòng Giám sát ngộ độc (Cục An toàn thực phẩm) cho biết, acid benzoic là chất có trong danh mục phụ gia bảo quản của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế mà Nhật Bản và Việt Nam đều là thành viên.
Tuy nhiên, việc sử dụng chất này được quy định về hàm lượng khi đưa vào sản phẩm. Hiện nay có 186 nước dùng theo tiêu chuẩn chung của Codex, trong đó có Việt Nam. Tiêu chuẩn chung là thế nhưng trong số các thành viên của Codex có nước cho phép và có nước lại tuyệt đối cấm acid benzoic.
Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo rằng lượng benzoic acid tiêu thụ hàng ngày không tác động có hại tới sức khỏe con người nếu chỉ dừng ở mức 5 mg/kg trọng lượng cơ thể/ngày.
Acid benzoic là chất có trong danh mục phụ gia bảo quản của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế nhưng được quy định về hàm lượng sử dụng.
Trong trường hợp hàm lượng cao hơn ngưỡng cho phép, acid benzoic có thể gây kích ứng dạ dày, viêm dạ dày... Trong trường hợp sử dụng chất này với hàm lượng lớn có thể gây ngộ độc, nhưng rất hiếm gặp.