Theo nội dung công văn, Thông tấn xã Việt Nam có đăng tải các bài viết với nội dung: Nhiều tàu hút, chở cát cũ tại hai tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông đã được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường thủy nội địa (còn gọi là giấy chứng nhận đăng kiểm) dù hiện trạng cũ kỹ, rách, rỉ sét, không đảm bảo an toàn theo quy định. Thêm nữa, nhiều quy định chặt chẽ về máy móc, các trang thiết bị chiếu sáng, cảnh báo lưu thông, phòng cháy chữa cháy… cũng bị phớt lờ, bỏ qua khi tiến hành đăng kiểm các tàu này...
Căn cứ Khoản 3, Điều 6, Chương II, Nghị định số 09/2017/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước, Mục 4, Công văn số 9304/UBND-KGVX ngày 13/11/2019 của UBND tỉnh về việc thông báo ý kiến kết luận của lãnh đạo UBND tỉnh tại buổi Họp báo ngày 6/11/2019, Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị, lãnh đạo các đơn vị chỉ đạo kiểm tra, làm rõ nội dung báo phản ánh, phản hồi bằng văn bản cho cơ quan báo chí.
Đồng thời gửi báo cáo về UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông trước ngày 8/4/2020 để phục vụ công tác quản lý nhà nước về báo chí, gửi Trung tâm quản lý Cổng thông tin điện tử tỉnh, số 59 Nơ Trang Long, thành phố Buôn Ma Thuột để đăng tải lên Cổng.
Như Thông tấn xã Việt Nam đã phản ánh qua các bài viết "Xung quanh việc đăng kiểm tàu tại Đắk Lắk, Đắk Nông" đăng phát ngày 23, 24/3 trên Ban Tin kinh tế và Báo Tin tức ngày 25/3; Chi cục Đăng kiểm số 5 (Cục Đăng kiểm Việt Nam) đã bỏ qua nhiều quy định chặt chẽ nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tiến hành đăng kiểm các tàu hút, chở cát cũ tại 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Đặc biệt, Chi cục đã bỏ qua nhiều công đoạn quan trọng, có vai trò quyết định đối với quá trình đăng kiểm cũng như sự an toàn của phương tiện, người sử dụng phương tiện. Thậm chí, đăng kiểm viên đã "hướng dẫn một đằng, thực thi… một nẻo". Đáng chú ý hơn, tình trạng này không phải cá biệt, ngoại lệ mà xảy ra phổ biến, với số lượng lớn.