(Tiếp theo kỳ trước)
Bỏ qua nhiều công đoạn quan trọng khi đăng kiểm?
Trong các biên bản kiểm tra của Chi cục Đăng kiểm số 5 do 2 đăng kiểm viên Nguyễn Văn Thỏa và Nguyễn Minh Nhật lập cho một doanh nghiệp có nhu cầu đăng kiểm lần đầu phương tiện là tàu hút, chở cát cũ vào cuối tháng 3/2018 ghi rõ phải tiến hành các bước: “đưa tàu lên đà để kiểm tra phần ngâm nước, tấm vỏ và cơ cấu thân tàu”; “kiểm tra các đường hàn theo yêu cầu của quy phạm áp dụng”, “thử vật liệu tấm vỏ và cơ cấu thân tàu”, “thử tính kín nước của tàu, của các két theo quy định”; “thử nghiêng ngang, lập biên bản theo quy định”; “kiểm tra đường hàn, vật liệu tấm vỏ”… Đây cũng là quy định tại Thông tư số 36/2016/TT-BGTVT ngày 24/11/2016 của Bộ Giao thông Vận tải về việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy phạm giám sát kỹ thuật và đóng phương tiện thủy nội địa cỡ nhỏ và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa (tại mục 3.1.2 về Kiểm tra lần đầu đối với tàu đang khai thác).
Tuy nhiên, trước những hình ảnh, chứng cứ thực tế về các tàu đã được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm mà phóng viên TTXVN cung cấp, ông Phạm Duy Khánh, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 5 (trụ sở tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) thừa nhận nhiều tàu cũ (đã được cấp chứng nhận đăng kiểm) không được đưa lên đà kiểm tra phần ngâm nước, đo đạc tấm vỏ và cơ cấu thân tàu.
Cũng theo ông Phạm Duy Khánh, do không đưa lên đà nên đăng kiểm viên yêu cầu chủ tàu đưa tàu lên bãi cát và… chờ nước cạn để kiểm tra. Phóng viên nêu câu hỏi liệu việc đưa tàu lên bãi cát có kiểm tra được kết cấu cũng như những hư hỏng, hao mòn của phần đáy hay không? Ông Khánh thừa nhận chỉ kiểm tra được phần nào (ý nói một phần của đáy) và để kiểm tra hết phần đáy thì phải nghiêng tàu mới kiểm tra được.
Phóng viên lại nêu câu hỏi đăng kiểm viên có nghiêng tàu để kiểm tra hay không? Ông Khánh trả lời “cái này là đăng kiểm viên đi làm, phải kiểm tra lại mới biết được” và hứa sẽ sắp xếp kiểm tra và thông tin sau.
Cũng theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, các tàu đều phải có vách kín nước. Theo quan sát của phóng viên TTXVN, nhiều tàu hút cát cũ tại 2 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông không có vách kín nước vẫn được đăng kiểm bình thường. Trong khi đó, vách kín nước là một yêu cầu quan trọng để đảm bảo điều kiện chống chìm, đảm bảo độ cứng cục bộ, giữ an toàn cho tàu khi gặp sự cố, va chạm hoặc chuyên chở nặng.
Trao đổi về nội dung này, ông Phạm Duy Khánh thừa nhận “vách kín nước là phải có, tối thiểu là 2 vách, nếu không có là sai”. Theo ông Khánh, với tư cách là Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 5, ông là người ký tất cả Giấy chứng nhận đăng kiểm đối với các tàu hút, chở cát cũ đã được đăng kiểm tại 2 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông từ cuối năm 2018 đến đầu năm 2020. Còn việc kiểm tra thực tế các tàu, tiến hành các thủ tục, các bước đăng kiểm thì Chi cục giao cho đăng kiểm viên thực hiện.
Ông Khánh khẳng định, bản thân ông là người chịu trách nhiệm chung, nhất là việc ký giấy chứng nhận đăng kiểm, còn các biên bản hiện trường, các giấy tờ liên quan… tới phương tiện thì do các đăng kiểm viên được phân công nhiệm vụ thực hiện và ký xác nhận.
Riêng đối với các thông tin mà phóng viên phản ánh, ông Khánh khẳng định sẽ cho kiểm tra lại, nếu phát hiện có sai sót, sai phạm thì liên quan đến cá nhân nào thì xử lý cá nhân đó. Đối với các con tàu đã được đăng kiểm nhưng không có vách kín nước hay không đạt các tiêu chuẩn khác theo quy định thì sẽ thu hồi giấy chứng nhận đăng kiểm.
Tuy nhiên từ cuối năm 2019 đến nay, phóng viên đã nhiều lần liên hệ, phản ánh với ông Phạm Duy Khánh các nội dung đơn thư tố cáo về những sai phạm trong việc đăng kiểm lần đầu phương tiện là tàu hút, chở cát cũ tại 2 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông. Ông Khánh nhiều lần hứa sẽ kiểm tra thực tế và làm rõ nhưng đến nay (cuối tháng 3/2020) vẫn chưa có hồi âm. Ông Khánh lấy lý do là… bận, chưa sắp xếp được để đi thực tế kiểm tra.
Nhóm phóng viên TTXVN tại Đắk Lắk và Đắk Nông sẽ tiếp tục thông tin để làm rõ vấn đề này.