Gốc cây Pơ mu có đường kính lớn bị đốn hạ. Ảnh: Xuân Tư/TTXVN |
Cụ thể ngày 6/3, tức là chỉ sau 2 ngày vụ việc trên được TTXVN phản ánh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên đã ban hành Kế hoạch số 155 ngày 6/3/2017 về việc “Kiểm tra tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán, cất giữ, chế biến gỗ pơ mu trái pháp luật xảy ra trên địa bàn các huyện Tuần Giáo, Mường Ảng”.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên cũng đã ra quyết định thành lập 2 tổ công tác do ông Phạm Văn Khiên, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh và ông Đinh Văn Cường, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Tuần Giáo làm tổ trưởng, trực tiếp xuống địa bàn ngay trong ngày 6/3.
Theo kế hoạch, trong 15 ngày tới, các tổ công tác trên sẽ tiến hành phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý gỗ pơ mu; kiểm tra, kiểm soát các cơ sở chế biến, kinh doanh, cất giữ gỗ và lâm sản trên địa bàn. Đồng thời rà soát và lập danh sách các cơ sở chế biến, kinh doanh, các hộ có cất giữ gỗ pơ mu để có biện pháp quản lý, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật…
Pơ mu là loại cây gỗ quý thuộc nhóm 1, mọc ở độ cao từ 900m trở lên, là loài nguy cấp cấm khai thác và được đưa vào “Sách đỏ Việt Nam” từ năm 1996.
Vụ việc khai thác trái phép gỗ pơ mu được phóng viên TTXVN phản ánh nằm tại khu vực giáp ranh 3 huyện Tuần Giáo, Mường Ảng và Mường Chà. Khu vực này nằm cách đường giao thông nhiều giờ đi bộ, dốc núi dựng đứng, rất khó khăn trong công tác nắm địa bàn, quản lý và bảo vệ rừng.
Theo Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên Phạm Văn Khiên: Việc quản lý và bảo vệ rừng tại khu vực này rất khó khăn bởi đây là địa bàn giáp ranh giữa 3 địa phương; nằm cách xa đường giao thông gần 10 giờ đi bộ leo núi, hơn nữa khu vực này xảy ra tình trạng tranh chấp quyền quản lý rừng giữa các bản do lịch sử để lại.
Việc tuyên truyền các biện pháp quản lý và bảo vệ rừng tới người dân không đạt kết quả. Cụ thể các hộ dân ở bản Thẩm Táng, Thẩm Mú (xã Pú Xi), bản Hua Sát, Huổi Nôm (xã Mường Khong) đều thuộc huyện Tuần Giáo đã không ký cam kết bảo vệ rừng, không nhận diện tích rừng giao cho bảo vệ, không nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Lý do được các hộ này đưa ra là cần làm nương rẫy trên diện tích này.
Đặc biệt, trong năm 2016, tại địa bàn bản Thẩm Táng (xã Pú Xi, huyện Tuần Giáo) đã xảy ra 2 vụ phá rừng trái pháp luật với diện tích lên tới trên 55.000m2. Chính quyền huyện Tuần Giáo đã chỉ đạo các cơ quan chức năng làm rõ để xử lý các đối tượng phá rừng.