Gần đây, dư luận báo chí phản ánh việc một số hộ tiểu thương tại chợ Thành Công đã phản ứng về việc nhà đầu tư thực hiện việc khoan khảo sát địa chất làm cơ sở lập dự án đầu tư xây dựng Chợ - Trung tâm thương mại Thành Công.
Tại buổi giao ban báo chí do Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 4/7, ông Đỗ Viết Bình, Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết, quận đã thông báo về phương án, giải pháp xử lý vụ việc trên, theo đó quận đã chỉ đạo nhà đầu tư chuyển ngay toàn bộ máy khoan ra khỏi chợ và hiện hoạt động kinh doanh của chợ không vướng bất kỳ trở ngại nào.
Quận chỉ đạo Ban quản lý chợ và chính quyền sở tại tiếp tục công tác tuyên truyền, vận động các tiểu thương ổn định tình hình, đảm bảo an ninh trật tự. Khi nào UBND thành phố Hà Nội chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy mô đầu tư dự án, quận Ba Đình sẽ cùng nhà đầu tư tổ chức công khai dự án và toàn bộ các chính sách để nhân dân được biết. Việc di chuyển các hộ kinh doanh ra chợ tạm sẽ được tiến hành khi nhà đầu tư đã hoàn chỉnh đầy đủ các điều kiện và pháp lý. Cơ chế chính sách và phương án bố trí, sắp xếp chợ tạm sẽ được công khai với các hộ kinh doanh trước khi thực hiện.
Theo ông Đỗ Viết Bình, xây dựng Chợ - Trung tâm thương mại Thành Công nhằm ba mục tiêu: Cải thiện môi trường kinh doanh, giải quyết ý kiến cử tri về tình trạng chợ xuống cấp; tạo cảnh quan đô thị khang trang, hiện đại, tăng cường hiệu quả sử dụng đất; kêu gọi thu hút đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách để phát triển kinh tế.
Trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư, quận Ba Đình cùng nhiều sở ngành Hà Nội đã tổ chức đấu thầu công khai. Ngày 27/3/2012, UBND quận đã phê duyệt kết quả đấu thầu, đã lựa chọn đơn vị trúng thầu là Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển công nghệ cao và Công ty cổ phần Đầu tư T&M Việt Nam (Viết tắt là Liên danh DECOTECH – T&M Việt Nam).
Quy mô đầu tư xây dựng Chợ - Trung tâm thương mại Thành Công do nhà đầu tư đề xuất, bao gồm 2 tầng hầm, 1 tầng bán hầm, 9 tầng nổi, tổng chiều cao công trình là 36 mét. Chợ truyền thống dự kiến gồm 555 điểm bán hàng được bố trí tại tầng bán hầm, 2 tầng hầm bố trí làm chỗ để xe. Từ tầng 1 đến 4 làm Trung tâm Thương mại; tầng 5 đến tầng 9 làm văn phòng cho thuê. Tổng mức đầu tư dự kiến trên 423 tỷ đồng. Nhà đầu tư cũng đã nộp tiền hỗ trợ cho ngân sách quận 10 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do tình hình suy giảm kinh tế và thị trường bất động sản trầm lắng, cộng với việc khó khăn trong việc bố trí chợ tạm nên tiến độ triển khai dự án chậm. Trước tình hình đó, nhà thầu vẫn quyết tâm triển khai thực hiện. Gần đây để lập thiết kế cơ sở và đảm bảo đủ các điều kiện chuẩn bị đầu tư dự án, cấp giấy phép đầu tư theo đúng quy định, nhà đầu tư phải thực hiện khoan khảo sát địa chất. Từ những việc trên, một số tiểu thương ở đây đã phản đối việc đưa máy móc vào khoan thăm dò. Người dân cho rằng, họ chưa đồng thuận với các phương án xây dựng chợ, bản thân các hộ kinh doanh cũng chưa được thông báo chính thức hay mời họp về việc xây dựng chợ thành trung tâm thương mại, vì vậy không thể đo đạc hay xây dựng gì khi người dân chưa đồng ý.
Văn Cảnh