Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên Lò Văn Tiến chủ trì buổi họp báo.
Báo cáo tại buổi họp báo, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên Bùi Minh Hải thừa nhận thông tin phản ánh của TTXVN và các cơ quan báo chí khác về tình trạng rừng đặc dụng Mường Phăng đang bị khai thác trái pháp luật là đúng sự thật.
Theo đó, qua quá trình kiểm tra, xác minh vụ việc từ ngày 15/11/2020 đến ngày 14/12/2020, tại các Tiểu khu 714, 708A, 708B, 709A thuộc khu vực rừng đặc dụng Mường Phăng do Ban Quản lý rừng Di tích lịch sử và Cảnh quan môi trường Mường Phăng (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên) quản lý, bảo vệ, đoàn liên ngành của tỉnh Điện Biên đã phát hiện có tổng số 173 cây gỗ bị chặt hạ, cắt khúc, bị lấy mất phần thân chỉ còn phần ngọn. Khối lượng gỗ còn tại khu vực đã kiểm tra là 20,766 m3, các loài cây chủ yếu là giẻ, vối thuốc, mắc khén, thanh mai và một số loại cây bản địa khác thuộc nhóm gỗ thông thường. Đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng chưa phát hiện được cá nhân, tổ chức vi phạm.
Tại xã Pá Khoang, rừng đặc dụng bị cưa, chặt hạ thuộc các khoảnh 4, 5, 8, 9, 11 thuộc các Tiểu khu 714; khoảnh 5, 6 thuộc các Tiểu khu 708A, 708B. Tại xã Mường Phăng, khu vực xảy ra tình trạng rừng đặc dụng bị cưa, chặt hạ thuộc các khoảnh 4, 5, 6, 8 thuộc Tiểu khu 709A; khoảnh 6 thuộc Tiểu khu 708A; khoảnh 9 thuộc Tiểu khu 709A; khoảnh 5 thuộc Tiểu khu 708B.
Tuy nhiên, đây vẫn chưa là con số, kết quả cuối cùng, bởi công tác rà soát, kiểm tra, thống kê vẫn được các cơ quan chức năng tiến hành.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên bước đầu được xác định: Do có đông dân cư sinh sống xen kẽ trong lâm phận rừng đặc dụng đã giao cho Ban Quản lý rừng Di tích lịch sử và Cảnh quan môi trường Mường Phăng quản lý bảo vệ. Hiện tại, dân cư của 2 xã Pá Khoang, Mường Phăng sống tại hơn 36 bản, có bản nằm trong rừng đặc dụng, kể cả vùng lõi. Điều kiện kinh tế nơi đây còn khó khăn, nhận thức của người dân về quản lý bảo vệ rừng hạn chế; mặt khác, người dân có nhu cầu sử dụng gỗ vào mục đích gia dụng, làm nhà tại chỗ...
Bên cạnh đó, Ban Quản lý rừng Di tích lịch sử và Cảnh quan môi trường Mường Phăng còn buông lỏng quản lý, giám sát, thiếu trách nhiệm, chưa kiểm tra, giám sát kịp thời trong công tác giao khoán cho các tổ quản lý bảo vệ rừng để xảy ra tình trạng khai thác rừng trong thời gian dài mà không được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời. Công tác phối hợp giữa Ban Quản lý rừng, Hạt Kiểm lâm thành phố, Ủy ban nhân dân hai xã Mường Phăng, Pá Khoang thiếu chặt chẽ; thiếu tính chủ động, còn nhiều bất cập, hiệu quả không cao.
Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên nhấn mạnh, rừng di tích lịch sử và Cảnh quan môi trường Mường Phăng là do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có vai trò ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là khu rừng đặc dụng đầu nguồn thiết yếu bảo vệ nguồn nước của lòng hồ Pá Khoang - nguồn nước quan trọng đối với vùng lòng chảo Mường Thanh và thành phố Điện Biên Phủ. Do đó, tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục có những giải pháp quyết liệt hơn nữa trong công tác quản lý và bảo vệ khu rừng này trong thời gian tới. Trước mắt, tỉnh sẽ yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ vụ việc, trách nhiệm của chủ rừng cũng như những cá nhân, tập thể có liên quan đến việc để xảy ra phá rừng đặc dụng Mường Phăng vừa qua.
Tỉnh cũng yêu cầu lực lượng kiểm lâm xem xét kỷ luật, thay thế kiểm lâm địa bàn và cân nhắc vào tình hình thực tế để tăng cường thêm kiểm lâm vào quản lý khu rừng đặc dụng này.
Tại buổi họp báo, ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên, cung cấp thêm thông tin. Theo đó, vụ việc phá rừng đặc dụng Mường Phăng đang trong quá trình điều tra, Hạt Kiểm lâm thành phố Điện Biên Phủ cũng đã tham mưu cho cơ quan chức năng hoàn tất thủ tục hồ sơ để tiến hành khởi tố vụ án. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã thành lập đoàn thanh tra để làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cũng như các viên chức trong Ban Quản lý rừng Di tích lịch sử và Cảnh quan môi trường Mường Phăng.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu rõ, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố Điện Biên Phủ thực hiện nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, tổ chức triển khai nhiệm vụ về quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, tăng cường quản lý quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn cũng xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Theo Quyết định 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, rừng đặc dụng Mường Phăng được quy hoạch chuyến tiếp, có diện tích hơn 4.436 ha thuộc địa bàn hai xã Mường Phăng và Pá Khoang (thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên). Rừng đặc dụng Mường Phăng có chức năng bảo vệ di tích chiến dịch Điện Biên Phủ (di tích quốc gia đặc biệt). Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên đã quyết định thành lập Ban Quản lý rừng Di tích lịch sử và Cảnh quan môi trường Mường Phăng trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên (Quyết định số 837/QĐ-UB ngày 8/7/2010). Ban Quản lý rừng Di tích lịch sử và Cảnh quan môi trường Mường Phăng được giao nhiệm vụ bảo vệ, quản lý hơn 2.306 ha rừng đặc dụng (theo các Quyết định số 611/QĐ-UBND ngày 24/7/2015 và Quyết định số 247/QĐ-UNBD của ngày 2/4/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên) nằm trên địa bàn xã Pá Khoang và Mường Phăng (thành phố Điện Biên Phủ).
Trước đó, TTXVN có loạt bài phản ánh về việc các cấp chính quyền địa phương, cơ quan chức năng quàn lý lỏng lẻo đã dẫn đến tình trạng vùng lõi rừng đặc dụng Mường Phăng bị "rút ruột" nghiêm trọng, gây hệ lụy khó lường. Liên quan đến vấn đề này, ngày 21/12, Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên đã có quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Việt Cường, Giám đốc Ban Quản lý rừng Di tích lịch sử và Cảnh quan môi trường Mường Phăng để làm rõ trách nhiệm.