Hoạt động sản xuất của Công ty Hạ Long.
|
Bà Đặng Thị Hương, Chi cục Trưởng Chi cục Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình) đã cho biết thông tin trên sau khi trong thời gian qua, dư luận tại tỉnh Ninh Bình đặc biệt quan tâm đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Nhà máy xử lý phế thải cao su và plastic thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công nghiệp Hạ Long (gọi tắt là Công ty Hạ Long) và có ý kiến cho rằng quá trình hoạt động, sản xuất kinh doanh của công ty đã gây ô nhiễm môi trường sống xung quanh.
Thực tế, nhà máy xử lý phế thải cao su và plastic thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công nghiệp Hạ Long (gọi tắt là Công ty Hạ Long) đặt tại Thung Súa, thôn Liên Minh, xã Xích Thổ, huyện Nho Quan (Ninh Bình).
Nhà máy này nằm biệt lập với khu dân cư, trong khu vực Thung Súa với bốn bề là núi non hiểm trở như những bức tường to lớn bao quanh nhà máy, địa danh này nằm trong khu vực giáp ranh giữa tỉnh Ninh Bình và tỉnh Hòa Bình.
Từ bến phà bên bờ sông Bôi, men theo con đường dốc thẳng đứng ngoằn nghèo vượt qua dãy núi cao tầm 80 mét đưa chúng tôi vào khu vực thung Súa. Thung Súa được bao bọc bởi núi, cây cối um tùm đã được Công ty Hạ Long bồi đất đá, vượt lên độ cao 80 mét tạo thành bãi đất bằng phẳng, rộng gần 5 ha và được sử dụng để xây dựng nhà máy cũng như các công trình phụ trợ, bãi tập kết lốp cũng như công trình bể chứa thành phẩm.
Nhà máy được đầu tư xây dựng từ tháng 10/2013, hoàn thành và chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2015, quá trình xây dựng, lắp đặt máy móc và chạy thử đều được thực hiện dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng.
Trong đó, tại Quyết định số 105/QĐ-STNMT ngày 17/6/2014 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án "Nhà máy xử lý phế thải cao su và plastic công suất 240 tấn/ngày" áp dụng công nghệ nhiệt phân trong quá trình sản xuất.
Theo đó, quyết định yêu cầu nhà máy áp dụng các biện pháp xử lý khí thải, bụi, tiếng ồn theo quy định; nước thải sản xuất phải thu hồi, tuần hoàn tái sử dụng hoàn toàn trong quá trình sản xuất không thải ra môi trường; quản lý, xử lý chất thải rắn thông thường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường...
Tiếp đó, ngày 4/1/2016, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình đã cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của Dự án Nhà máy xử lý phế thải cao su và plastic của Công ty Hạ Long với đầy đủ hệ thống thu gom, xử lý nước thải sản xuất, công trình xử lý bụi, khí thải, công trình xử lý, quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại và các công trình bảo vệ môi trường khác phục vụ quá trình sản xuất.
Ông Đinh Thanh Lam, Giám đốc Công ty Hạ Long cho biết, vừa qua dư luận đã có nhiều thông tin trái chiều phản ánh về việc Nhà máy xử lý phế thải cao su và plastic trong quá tình hoạt động gây ô nhiễm môi trường là không đúng, thông tin này đã gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất kinh doanh. Dư luận cho rằng công ty đốt lốp để lấy dầu và các sản phẩm khác, nhưng thực tế nếu đốt thì lốp sẽ cháy hết, khét lẹt mà không thu được gì.
Ông Lam trực tiếp chỉ cho phóng viên quá trình sản xuất của nhà máy và cho biết, nguồn nguyên liệu chính của nhà máy là săm, lốp ô tô, cao su đã qua sử dụng, sản phẩm thu được là dầu FO-R, than bột và tanh thép. Quá trình sản xuất của nhà máy dựa trên những tiêu chuẩn và công nghệ tiên tiến, săm lốp cao su đã qua sử dụng được nhiệt phân trong lò quay kín không có ô xy và gia nhiệt trực tiếp bằng củi và khí gas, bao gồm nhiều lò đơn được kết nối thành hệ thống các cụm máy giống nhau hoạt động độc lập...
Hoạt động sản xuất của Công ty Hạ Long được áp dụng công nghệ tiên tiến. |
Ghi nhận của phóng viên, ngay sát khu vực vận hành hệ thống lò quay là công trình xử lý bụi, khí thải công nghiệp. Khí gas và khí củi trong quá trình sản xuất sẽ được thu về và xử lý bằng tháp hấp thụ trước khi thải ra môi trường. Ông Lam khẳng định, toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh của nhà máy đều áp dụng nghiêm ngặt những quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Cảnh sát phòng chông tội phạm về môi trường (Bộ Công an) nên không thể gây ô nhiễm môi trường được.
Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Đắc Dương, Bí thư Đảng ủy xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình cho biết, nhà dân gần nhất cũng cách thung Súa trên 1 km, quá trình sản xuất, kinh doanh của nhà máy không gây ảnh hưởng và tác động gì đến đời sống sinh hoạt thường ngày cũng như quá trình sản xuất, kinh doanh của người dân.
Thực tế khu vực xung quanh nhà máy người dân đều sản xuất, kinh doanh bình thường, tại chân núi giáp với khu vực nhà máy, người dân vẫn cắt cỏ, làm đất canh tác hay chăn thả trâu, bò bình thường, cây cối xung quanh tốt tươi, không có dấu hiệu ảnh hưởng xấu từ môi trường.
Ông Dương cho biết, từ khi nhà máy đi vào hoạt động đến nay, Đảng ủy, chính quyền xã Xích Thổ chưa nhận được bất kỳ đơn phản ánh nào của người dân về quá trình hoạt động, sản xuất, kinh doanh của Công ty Hạ Long.
Song đã có một số ý kiến của người dân phản ánh việc công ty vận chuyển dầu từ nhà máy xuống tàu để chuyển đi nơi khác đã gây mùi khó chịu, tuy nhiên Công ty chỉ vận chuyển dầu khoảng 2 đến 3 lần/tháng và thực hiện trong khoảng thời gian từ 1 đến 4 giờ sáng. Đây chỉ là quá trình vận chuyển thành phẩm trong một thời gian nhất định, có thể thông cảm được với công ty.
Tháng 3/2016, trong buổi làm việc giữa Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình, UBND huyện Nho Quan, Công ty Hạ Long và đại diện người dân địa phương, các ý kiến đều khẳng định Công ty Hạ Long hoạt động không ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh, thậm chí có ý kiến còn cho rằng từ khi Công ty Hạ Long hoạt động cây cối đều xanh tốt, giải quyết việc làm và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Đinh Đức Thọ, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình khẳng định nhà đầu tư có năng lực, luôn đặt vấn đề bảo vệ môi trường lên hàng đầu, không có tình trạng công ty gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất.
Bà Nguyễn Thị Quyên, một hộ dân sống gần Công ty Hạ Long cho biết, nhà máy hoạt động không gây ảnh hưởng gì đếm môi trường, mọi hoạt động kinh doanh và sinh hoạt của gia đình đều không bị ảnh hưởng gì. Nếu nhà máy có ảnh hưởng đến môi trường thì nhà tôi sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên, nếu ảnh hưởng chúng tôi sẽ kiến nghị ngay.
Ông Đinh Văn Tiên, Chủ tịch UBND huyện Nho Quan khẳng định, chính quyền huyện cũng như ngành chức năng chưa nhận được đơn thư nào của người dân phản ánh nhà máy của Công ty Hạ Long gây ô nhiễm môi trường. Ngay sau khi dư luận có nhiều ý kiến khác nhau, UBND huyện Nho Quan đã thành lập đoàn kiểm tra, tìm hiểu, lắng nghe ý kiến của người dân nhưng không có ý kiến nào phản đối quá trình sản xuất kinh doanh của Công ty.
Trong nhiều năm qua, Đảng ủy, chính quyền huyện Nho Quan luôn quan tâm đến thu hút đầu tư và giải quyết việc làm cho người lao động, tuy nhiên chúng tôi luôn xác định và thực hiện theo quan điểm "Thu hút đầu tư bằng mọi cách chứ không bằng mọi giá", chính vì lẽ đó nếu nhà máy hoạt động gây ô nhiễm môi trường thì sẽ không thể tồn tại được.