Ngày 14/1, làm việc với phóng viên TTXVN, ông Phạm Văn Khiên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên xác nhận: Thông tin TTXVN phản ánh là có cơ sở. Theo kết quả ban đầu, cơ quan chức năng đã phát hiện, kiểm đếm được 22 cây gỗ bị chặt hạ trái phép; đồng thời đã xác định được một trong số các đối tượng tham gia hoạt động phá rừng tại Nà Pen.
Cũng theo ông Phạm Văn Khiên, 22 cây gỗ bị người dân khai thác trái phép được xác định chủ yếu là gỗ Vối thuốc, Giẻ, Dổi, Xoan đào, thuộc các nhóm III, V, VI với đường kính gốc từ 20 đến 55cm; thời gian bị khai thác được xác định từ khoảng 8 đến 15 ngày, tại các lô 2, 3, 7, 39, 44, khoảnh 7, tiểu khu 696. Những cây gỗ này nằm hoàn toàn trong diện tích rừng được quy hoạch là rừng phòng hộ và đã được giao cho cộng đồng các bản Nà Pen 1, 2, 3, 4 quản lý, bảo vệ và hưởng dịch vụ chi trả môi trường rừng theo Quyết định số 1208/QĐ-UBND ngày 21/12/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên về việc Phê duyệt dự án rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng của tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Qua kiểm tra tại hiện trường, khối lượng gỗ bị khai thác đo đếm được chỉ còn hơn 7 m3 với 23 lóng gỗ tròn, 6 hộp gỗ xẻ. Một lượng lớn gỗ thành phẩm (gỗ hộp, cột) người dân đã sơ chế ngay tại chỗ và vận xuất ra khỏi hiện trường. Việc khai thác gỗ trái phép diễn ra trên rừng Nà Pen do nhiều người tham gia, nhưng đến nay cơ quan chức năng chỉ mới xác định được một đối tượng là ông Vàng A Của, sinh năm 1970 (sinh sống tại bản Nà Pen 3, xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) là người tham gia khai thác trái phép 2 cây gỗ, khối lượng còn lại tại hiện trường hơn 1,1 m3. 20 cây gỗ còn lại vẫn chưa xác định được đối tượng khai thác.
Ông Phạm Văn Khiên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên cho biết thêm: Đây mới chỉ là kết quả kiểm tra ban đầu, tuy nhiên chúng tôi đã lập hồ sơ vi phạm đối với toàn bộ số gỗ bị khai thác trái phép nêu trên; đồng thời sẽ chỉ đạo, giao cho lực lượng kiểm lâm cơ động (Chi cục Kiểm lâm tỉnh), Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên phối hợp chặt chẽ với chủ rừng, chính quyền xã Nà Nhạn tiếp tục điều tra, đấu tranh, sớm tìm ra các đối tượng khai thác rừng trái phép để củng cố hồ sơ, xác định tính chất, mức độ vi phạm, xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Để vụ việc xảy ra, cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của chủ rừng trong việc quản lý, bảo vệ rừng đã được giao và hưởng dịch vụ chi trả môi trường rừng; làm rõ trách nhiệm tham mưu của kiểm lâm cắm xã đối với chính quyền địa phương.
Liên quan đến vụ việc trên, đối với số tang vật đang còn trong rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên sẽ tiến hành tạm giữ và đưa ra khỏi rừng, không để các đối tượng vi phạm quay lại lấy gỗ đi.
Ngành chức năng tỉnh Điện Biên xác định, trên địa bàn tỉnh còn những điểm nóng tiềm ẩn nguy cơ phá rừng, khai thác rừng trái phép là các huyện Tủa Chùa, Mường Nhé… Tại huyện Điện Biên, các xã Na Ư, Mường Nhà, Mường Lói, Nà Nhạn… được xác định là những địa bàn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra phá rừng, khai thác rừng trái phép.
Qua vụ việc phá rừng, khai thác gỗ trái phép ở rừng Nà Pen, Chi cục Kiểm lâm tỉnh sẽ tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân, đặc biệt là vai trò của chủ rừng để từ đó nâng cao nhận thức cho đồng bào, nắm bắt tình hình quản lý rừng; tăng cường công tác tuần tra rừng, phát hiện kịp thời những hành vi vi phạm để bảo vệ tốt khu rừng được giao.
Như tin TTXVN đã đưa, khu vực Nà Pen (xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) được đánh giá là một trong những vùng có rừng già với diện tích rộng lớn, trữ lượng gỗ nhiều nhất trên địa bàn xã cũng như huyện Điện Biên. Tuy nhiên, xuất phát từ nhu cầu gỗ để làm nhà, chuồng trại chăn nuôi, nguồn củi đốt, do ý thức của dân bản còn thấp, đặc biệt là sự thờ ơ, buông lỏng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng của các cấp chính quyền địa phương, ngành kiểm lâm tỉnh Điện Biên đã dẫn đến một thực trạng đáng báo động: Rừng già ở Nà Pen bị người dân địa phương ồ ạt mang cưa xăng, dao rựa lên công khai “xẻ thịt”, khai thác gỗ trái phép và đốn hạ cây rừng, “cạo trọc” đất rừng để khai hoang diện tích làm nương.