Theo đó, để giải quyết dứt điểm công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án thủy điện Đăk Đrinh trên địa bàn huyện Kon Plông, UBND tỉnh Kon Tum đề nghị, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam quan tâm chỉ đạo giải quyết dứt điểm tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định canh, định cư của dự án để ổn định cuộc sống cho người dân vùng dự án trước ngày 15/5/2019.
Trường hợp sau ngày 15/5 chưa xử lý dứt điểm vấn đề trên, UBND tỉnh Kon Tum đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam ngừng huy động công suất Nhà máy thủy điện Đăk Đrinh cho đến khi giải quyết dứt điểm công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định canh, định cư của dự án.
Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam và Công ty cổ phần thủy điện Đăk Đrinh phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trong trường hợp chưa giải quyết tiền bồi thường, hỗ trợ cho người dân, gây ra các điểm nóng trong nhân dân.
Trước đó, Dự án thủy điện Đăk Đrinh do Công ty cổ phần thủy điện Đăk Đrinh - Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam) làm chủ đầu tư được khởi công tháng 9/2009, với 2 tổ máy có tổng công suất lắp máy 125 MW. Trong đó, dự án thành phần di dân, tái định cư, định canh thuộc địa bàn tỉnh Kon Tum được Chính phủ giao cho UBND tỉnh Kon Tum là chủ đầu tư.
Tháng 8/2013, UBND tỉnh Kon Tum đã di dời 192 hộ, với 843 khẩu về nơi ở mới. Sau hơn 5 năm nhường đất cho thủy điện, người dân huyện Kon Plông vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Công tác bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân có đất bị thu hồi vẫn chưa thực hiện, người dân chưa được cấp đất sản xuất tại nơi định cư mới. Không có đất sản xuất, thiếu lương thực, người dân quay về sinh sống tại nơi ở cũ trên các sườn núi có độ dốc lớn, nguy cơ sạt lở cao, rất nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của nhân dân, đặc biệt là mùa mưa bão sắp tới...
Trước thực trạng trên, người dân đã khiếu nại nhiều lần lên các cấp chính quyền, gây mất trật tự, an ninh, xã hội tại địa phương.
Trước đó, TTXVN đã có bài phản ánh việc người dân xã Đăk Nên, huyện Kon Plông (Kon Tum) sau 5 năm nhường đất để xây dựng thủy điện Đăk Đrinh, đến nay vẫn chưa được nhận tiền đền bù đất rẫy. Nhiều kiến nghị của người dân được gửi đến chính quyền các cấp nhưng đến nay điều mà người dân nhận được vẫn chỉ là lời hứa.
Hiện Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, Công ty cổ phần thủy điện Đăk Đrinh còn nợ người dân trên 59 tỷ đồng kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư, định canh.