Cụ thể, sau khi tiếp nhận thông tin từ phóng viên TTXVN, ngày 6/3, UBND huyện Lâm Hà đã ra văn bản hỏa tốc số 206/UBND-TH về việc khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch lở mồm long móng trong đàn gia súc trên địa bàn tỉnh. Nội dung văn bản nêu rõ: Hiện nay, dịch lở mồm long móng đang xảy ra với 332 con lợn nhiễm bệnh.
Qua làm việc và tìm hiểu với người dân, cơ quan chức năng kết luận: Nguyên nhân chủ yếu là do việc vận chuyển, nhập khẩu gia súc vào địa phương không được kiểm dịch, ý thức chấp hành Pháp lệnh Thú y của người tham gia vận chuyển, kinh doanh động vật chưa tốt; tỷ lệ tiêm phòng thấp…
UBND huyện Lâm Hà chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tổ chức khoanh vùng dập dịch, tiêu hủy những gia súc nhiễm bệnh tại bãi tập trung của xã; xử lý nghiêm các hộ chăn nuôi không thực hiện khống chế dịch để dịch lây lan trên diện rộng. Các xã Gia Lâm, Đông Thanh, Nam Hà, Mê Linh và thị trấn Nam Ban phải tổ chức xử lý, thu gom, tiêu hủy những gia súc nhiễm bệnh chết do người chăn nuôi vứt ra tại các lòng sông, suối, ao, hồ. Chính quyền, đoàn thể các xã, thị trấn phải vào cuộc để hướng dẫn, giám sát người dân chăn nuôi xử lý dập dịch và phòng chống dịch, không để lây lan ra khu vực khác…
Theo người phát ngôn của UBND huyện Lâm Hà, ngay trong ngày 5/3, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch UBND huyện, và các phòng, ban chuyên môn đã tổ chức kiểm tra, chỉ đạo xử lý tình hình dịch bệnh. Lực lượng chức năng và người dân đã vớt được khoảng 100 xác lợn chết, thả trôi nổi trên suối Cam Ly đoạn chảy qua địa bàn xã Gia Lâm và một số xã khác. Số xác lợn chết này được tiêu hủy bằng các phương pháp chôn lấp, xử lý bằng vôi bột, phun thuốc tiêu độc khử trùng… theo đúng quy định. Đến thời điểm này không còn xác gia súc, gia cầm bị vứt ra ngoài gây ô nhiễm môi trường và phát tán dịch bệnh. Tình trạng gia súc nhiễm bệnh lở mồm long móng đã được xử lý, không còn trường hợp nào nhiễm bệnh.
Như TTXVN đã đưa tin, ngày 5/3, trên địa bàn huyện Lâm Hà xảy ra tình trạng hàng chục xác lợn chết do bệnh lở mồm long móng trôi dọc suối Cam Ly. Đây là con suối chảy qua nhiều huyện trên địa bàn tỉnh và nhập vào sông Đạ Đờn (thượng nguồn sông Đồng Nai) nên nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao, không chỉ đối với tỉnh Lâm Đồng mà với nhiều địa phương khác ở cuối nguồn các con sông, suối này.