Mở rộng sân bay Nội Bài: Chưa chốt các phương án

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cho biết các phương án mở rộng sân bay Quốc tế Nội Bài mới được đưa ra để tranh luận chứ chưa chốt phương án cụ thể nào như báo chí đã nêu.

Máy bay của Vietnam Airlines tại sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Vừa qua thông tin cảng hàng không sân bay Quốc tế Nội Bài sẽ được mở rộng với chi phí lên đến 5 tỷ USD đã gây ra nhiều tranh luận, đặc biệt khi Quốc hội mới vừa phê duyệt sân dựng sân bay Quốc tế Long Thành. Để bạn đọc có thông tin đầy đủ hơn về kế hoạch mở rộng sân bay Quốc tế Nội Bài, phóng viên (PV) Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật.

PV: Thứ trưởng có thể thông tin về kế hoạch mở rộng sân bay Quốc tế Nội Bài?

Thứ trưởng Nguyễn Nhật: Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (Quy hoạch 21/QĐ-TTg). Tuy nhiên, năm 2015, sau 7 năm thực hiện, lúc đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã giao cho Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam điều chỉnh, sửa lại Quy hoạch 21 cho phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội và cũng cho phù hợp với sự phát triển của lĩnh vực hàng không trong giai đoạn tới.

Có thể nói sau khi đánh giá lại nhiều yếu tố; trong đó, có các yếu tố chính như sự phát triển nhanh của kinh tế - xã hội và sự hội nhập sâu rộng nên Quy hoạch 21 không còn phù hợp với tốc độ phát triển của ngành hàng không cả về lĩnh vực hành khách và hàng hóa đều vượt khỏi tính toán của Quy hoạch 21. Do đó, Cục Hàng không Việt Nam tiến hành nghiên cứu để điều chỉnh Quy hoạch 21. Dự kiến trong tháng này sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Quy hoạch mới. Hiện Bộ Giao thông Vận tải đang chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam khẩn trương hoàn thiện việc điều chỉnh Quy hoạch này.

Vừa qua, trong quá trình nghiên cứu để điều chỉnh Quy hoạch 21 đối với sân bay Quốc tế Nội Bài, Bộ Giao thông Vận tải đã nghiên cứu đưa ra một số phương án để cùng bàn thảo, tranh luận. Ví dụ như sân bay Quốc tế Nội Bài, theo phê duyệt là đến năm 2020 sẽ cán mốc 20 triệu hành khách, nhưng đến năm 2015 đã cán mốc 17,5 triệu hành khách. Vì vậy, nếu để quy hoạch cũ sẽ không còn phù hợp nữa vì mức tăng trưởng dự kiến sẽ vượt còn số dự tính rất xa trong quy hoạch. Chính vì lẽ đó, Bộ Giao thông Vận tải đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch nhằm thực hiện cho kế hoạch đến năm 2030 và tầm nhìn xa hơn 2030.

Giả sử, sân bay Quốc tế Nội Bài được dự đoán đến năm 2030 sẽ cán mốc 40 triệu hành khách, với tốc độ này thì sân bay Quốc tế Nội Bài sẽ được điều chỉnh, mở rộng như thế nào cần phải được bàn bạc, thảo luận. Vì vậy, chúng ta phải đưa ra 5 - 6 phương án để thảo luận, hiện vẫn chưa chốt phương án cụ thể nào. Mọi việc đều có quy trình, sau khi Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu xây dựng đề án điều chỉnh lại Quy hoạch 21 sẽ phải xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương, sau đó sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Tôi khẳng định một lần nữa, các phương án về mở rộng sân bay Quốc tế Nội Bài mới được đưa ra để tranh luận chứ chưa chốt phương án cụ thể nào như báo chí đã nêu.

PV: Thưa Thứ trưởng, hiện nay xung quanh sân bay Quốc tế Nội Bài đã mọc lên nhiều công trình, vấn đề này có ảnh hưởng đến việc thực hiện điều chỉnh này không?

Thứ trưởng Nguyễn Nhật: Ngay sau khi Quy hoạch 21 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai quy hoạch. Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Cục Hàng không Việc Nam tiến hành khoanh vùng lại phạm vi đất nằm trong quy hoạch mở rộng sân bay đảm bảo đáp ứng tốc độ phát triển hành khách và hàng hóa theo tính toán.

Trong trường hợp thực hiện mở rộng phạm vi đất hơn Quy hoạch 21 để đảm bảo cho lượng hành khách, hàng hóa lớn hơn nữa đạt con số không phải là 40 triệu hành khách/năm mà có thể là 70 – 80 triệu hành khách/năm thì chúng ta phải tiến hành việc mở rộng phạm vi quy hoạch đất đai cho sân bay. Tôi nghĩ đây cũng là chuyện hết sức bình thường, mặc dù điều đó sẽ có ảnh hưởng đến các khu vực dân cư xung quanh sân bay Nội Bài. Vấn đề hiện nay là mình phải tính toán để đưa ra con số chốt cụ thể là đến năm 2030, sân bay Quốc tế Nội Bài sẽ đón bao nhiêu hành khách và hàng hóa, khi đó chúng ta mới tính toán được các vấn đề về quy hoạch đất đai, dân cư, nhà cao tầng xung quanh sân bay.

Tuy nhiên, một vấn đề khác đặt ra khi xem xét đến việc mở rộng sân bay cũng phải xem xét đến quỹ đất xung quanh sân bay có còn để mở rộng sân bay hay không? Trong trường hợp nếu mở rộng sân bay thì có giải phóng được mặt bằng hay không, tiếp theo là có đủ tiền để bồi thường giải phóng mặt bằng hay không... đây cũng là những vấn đề cần quan tâm. Mặt khác, trong nhiều trường hợp nếu làm sân bay mới ở một khu vực khác có khi lại rẻ và tốt hơn nếu chọn phương án mở rộng sân bay cũ. Do đó, các phương án đưa ra đều được phân tích, nghiên cứu rất kỹ không chỉ riêng đối với sân bay Quốc tế Nội Bài mà còn đối với tất cả các sân bay trên toàn quốc.

PV: Vậy, khi đưa ra điều chỉnh mở rộng sân bay Quốc tế Nội Bài chúng ta đã tính toán đến nguồn vốn để xây dựng chưa, thưa Thứ trưởng ?


Thứ trưởng Nguyễn Nhật: Tất nhiên là đã tính toán, trong quy hoạch bao giờ cũng phải tính toán đến phương án tài chính và nguồn vốn đầu tư. Bởi mỗi quy hoạch được xây dựng đi kèm theo đó là phải xây dựng phương án tài chính, nếu quy hoạch sát với phương án tài chính thì mới khả thi. Nếu phương án tài chính không phù hợp với quy hoạch thì rất khó triển khai. Hiện nay phương án tài chính và phương án đưa ra điều chỉnh Quy hoạch 21 vẫn đang được bên tư vấn tính toán.

PV: Xin cảm ơn ông!


Quang Toàn (TTXVN)
Hai phương án mở rộng sân bay Nội Bài
Hai phương án mở rộng sân bay Nội Bài

Phương án xây dựng sân bay Nội Bài 2 đã được Chính phủ phê duyệt mở rộng về phía Nam, tổng kinh phí dự kiến khoảng 122.000 tỷ đồng. Cục Hàng không cũng dự tính thêm phương án mở rộng về phía Bắc với kinh phí dự kiến bằng một nửa phương án đã phê duyệt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN