Đây là cơ hội lớn, không chỉ cho thành phố Hà Nội mà còn mở ra điều kiện phát triển mới, không gian mới chiến lược hơn cho các vùng phụ cận…
Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh khẳng định, chủ trương đầu tư Dự án đường vành đai 4 - vùng Thủ đô là hoàn toàn phù hợp với sự phát triển của đất nước nói chung, Hà Nội và các tỉnh lân cận nói riêng, trong đó có Bắc Ninh. Với lợi thế địa lý sát với Thủ đô Hà Nội, Bắc Ninh nằm trong tam giác Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, địa bàn kinh tế trọng điểm của đất nước. Vì vậy, tỉnh mong muốn dự án được triển khai. Bà Trần Thị Vân đề nghị, Chính phủ, các bộ, ngành tạo điều kiện tốt nhất cho chủ đầu tư, nhà thầu; đồng thời có cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các địa phương dự án đi qua trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt dự án để chủ động trong việc bố trí vốn, địa điểm tái định cư ngay từ đầu khi dự án được phê duyệt.
Bà Trần Thị Vân chia sẻ, tỉnh Bắc Ninh có nền công nghiệp tăng trưởng vượt bậc, dẫn đến tăng cơ học dân số, lưu lượng phương tiện và hàng hóa cũng tăng, gây áp lực lên cơ sở hạ tầng. Đến nay, tỉnh bắt đầu có dấu hiệu quá tải về hạ tầng xã hội. Vì vậy, khi hoàn tất, dự án được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ của thành phố Hà Nội mà còn của các tỉnh, thành phố liên quan trong vùng. Dự án còn có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, tạo ra không gian phát triển mới cho Hà Nội và vùng Thủ đô, kết nối các đường quốc lộ, cao tốc hướng tâm, kết nối liên vùng, tạo sự phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ trong khu vực.
Vừa qua, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh chấp thuận chủ trương triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội (đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Ninh), cho thấy sự sẵn sàng, chủ động của địa phương trong triển khai dự án. Cụ thể, dự án có tổng vốn đầu tư tại tỉnh dự kiến khoảng 5.274 tỷ đồng; trong đó, giải phóng mặt bằng toàn tuyến thuộc địa phận tỉnh là 2.480 tỷ đồng, đầu tư hệ thống đường đô thị, đường song hành thuộc địa phận tỉnh 2.794 tỷ đồng. Dự kiến nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng là 2.110 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 3.164 tỷ đồng.
Tỉnh Bắc Ninh cam kết thực hiện dự án trong giai đoạn 2021-2027. Tỉnh đề nghị Chính phủ, Quốc hội cho phép địa phương phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác (nếu có) khoảng 2.000 tỷ để thực hiện dự án. Trường hợp phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư của dự án, tỉnh sẽ bố trí phần vốn tăng thêm thuộc địa phận và trách nhiệm của địa phương…
Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã cho ý kiến tại Tổ và Hội trường về Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội và thông qua Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội. Dự án có quy mô hoàn chỉnh gồm 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường đô thị song hành hai bên, các công trình hạ tầng kỹ thuật và dự trữ cho đường sắt vành đai.