Thông tin được thống kê phân tích từ tài liệu "Đánh giá 10 năm thực hiện chính sách an sinh xã hội Việt Nam giai đoạn 2012 – 2022: Xu hướng và khoảng trống", do Viện Khoa học lao động – xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).
Một trong những nội dung được đề cập nhiều trong chính sách an sinh là đảm bảo chất lượng cuộc sống cho các nhóm đối tượng, đặc biệt là nhóm người cao tuổi, nhất là khi Việt Nam sẽ bước vào quá trình già hóa dân số vào năm 2036.
Theo một nghiên cứu gần đây thực hiện bởi Tổng cục Thống kê và Quỹ dân số Liên Hợp Quốc, nguồn thu nhập chính của người cao tuổi ở Việt Nam (từ 60 tuổi trở lên) chủ yếu đến từ hỗ trợ của con cái, chiếm khoảng %. Trong khi đó, các nguồn thu nhập mà người cao tuổi có được từ lương hưu chỉ khoảng 15% và từ nguồn trợ cấp xã hội khoảng 10%.
Đặc biệt, trong giai đoạn COVID-19, theo đánh giá nhanh của Quỹ dân số Liên Hợp Quốc, đại dịch làm giảm thu nhập của người cao tuổi, trung bình xuống đến 41%. Hiện nay, hệ thống lương hưu của Việt Nam cũng tồn tại khoảng trống rất lớn giữa những người tham gia bảo biểm xã hội với nhóm phi chính thức.
Khi người lao động không tham gia hệ thống bảo hiểm xã hội nào, sau này về già họ sẽ không có lương hưu. Độ bao phủ đối với lương hưu cho người cao tuổi tính đến năm 2021 trên cơ sở đóng góp mới chỉ có hơn 2 triệu người.
Theo khảo sát Quỹ dân số Liên Hợp Quốc, nếu chỉ nói đến chế độ hưu trí, số người cao tuổi không nhận được lương hưu đã chiếm khoảng 76%. Đây là kết quả của tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội thấp, số người không tham gia bảo hiểm xã hội trong năm 2021 trong toàn bộ lực lượng lao động chiếm đến 63%, sau này chính những người này sẽ không có lương hưu đóng góp. Như vậy, nếu họ rơi vào nhóm nghèo thì họ sẽ được nhận lương hưu trên cơ sở không đóng góp, tuy nhiên cũng phải nhìn thấy rằng, lương hưu trên cơ sở không đóng góp (trợ cấp xã hội) cũng đang ở mức tương đối thấp.
Mặt khác, dù khoảng % người cao tuổi có thu nhập dựa vào con cái, cùng với áp lực của tăng tuổi thọ, chênh lệch thu nhập ngày càng lớn hơn, tác động của đô thị hóa thì tới đây hỗ trợ từ gia đình, con cái cho người cao tuổi cũng sẽ gặp nhiều thách thức.
Do đó, để tiến tới bao phủ rộng hơn cho nhóm này, cần mở rộng chính sách hưu trí xã hội toàn dân, trong trường hợp có các cú sốc hoặc rủi ro thì các chương trình này sẽ được kích hoạt để đảm bảo mức sống tối thiểu cho người dân.
Hiện mức hưởng trợ cấp xã hội cho người cao tuổi còn hạn chế. Theo kết quả khảo sát giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Quỹ dân số Liên Hợp Quốc thực hiện, đầu tư của Chính phủ cho trợ cấp xã hội với người cao tuổi năm 2020 là 6,13 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,15% GDP, là mức rất thấp so với các nước có trình độ phát triển tương đương với Việt Nam trong khu vực.
Ông Andre Gama, Giám đốc Chương trình An sinh xã hội, Tổ chức Lao động quốc tế, cũng thừa nhận các chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam vẫn còn nhiều khoảng trống. Do đó, chính sách cần được thiết kế thỏa đáng hơn, đảm bảo tất cả các nhóm đối tượng đều được thụ hưởng, nhất là với nhóm dễ bị tổn thương, để “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Ở góc độ vĩ mô, ông Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, trong thời gian tới, công tác đảm bảo an sinh xã hội xác định lấy con người làm trung tâm của sự phát triển, bảo đảm chính sách xã hội phải được xây dựng và triển khai thực hiện hài hòa, đồng bộ với phát triển kinh tế. Xác định đầu tư cho con người là đầu tư cho phát triển nhằm đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.