Theo ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nhơn Lý, ngay sau khi tiếp nhận thông tin, lãnh đạo thành phố Quy Nhơn đã chỉ đạo cho Ủy ban nhân dân xã Nhơn Lý phối hợp với ngành chức năng tiến hành làm rõ các nội dung liên quan, đặc biệt là việc có hay không tình trạng khai thác trái phép khiến san hô chết hàng loạt.
“Hiện nay, do tình hình biển động nên địa phương chưa thể tổ chức khảo sát, kiểm tra thực tế san hô tại khu vực Hòn Sẹo được nên chưa biết được san hô có bị chết hàng loạt hay không? Qua xác minh các video, hình ảnh trên báo chí và mạng xã hội cũng chưa thể khẳng định thuộc khu vực Hòn Sẹo hay ở một nơi khác”, ông Danh nói.
Về thông tin có một nhóm người từ địa phương khác đến khai thác san hô trái phép, ông Nguyễn Thành Danh cho biết, từ năm 2021 đến nay, địa phương chưa nhận được bất kỳ phản ánh nào từ người dân về vấn đề này. Các thành viên trong tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản và lực lượng biên phòng xã Nhơn Lý cũng chưa phát hiện đối tượng hoạt động khai thác san hô trái phép tại khu vực Hòn Sẹo nói riêng, toàn khu vực biển thuộc xã Nhơn Lý nói chung trong thời gian qua.
Ông Danh cho biết thêm, hiện nay, tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Lý chỉ mới được giao quản lý, bảo vệ rạn san hô thuộc khu vực Bãi Dứa với diện tích 8 ha. Khu vực này đang được bảo vệ nghiêm ngặt, san hô phát triển khá tốt. Tại khu vực Hòn Sẹo, do chưa được giao cho tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã nên Ủy ban nhân dân xã có trách nhiệm quản lý, bảo vệ. Khu vực này vẫn đang được tự do khai thác thủy sản và việc khai thác bằng chất nổ hay xung điện có thể khiến cho số ít san hô bị chết.
Theo báo cáo nghiên cứu đa dạng sinh học vịnh Quy Nhơn của Viện Hải dương học (tại Nha Trang) vào năm 2017, diện tích rạn san hô khu vực xã Nhơn Lý trên 24 ha; trong đó, phân bố xung quanh Hòn Sẹo trên 10 ha; còn lại thuộc ven bờ khu vực Eo Gió kéo dài đến mũi Còng Cọc và Bãi Dứa. Độ phủ san hô cứng tại khu vực Hòn Sẹo đạt 63%; thành phần chủ yếu của san hô cứng dạng phiến và khối.
Theo bà Nguyễn Hải Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội thủy sản Bình Định, khu vực Hòn Sẹo dù chưa được giao cho tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhưng đây là nơi có sinh cảnh đặc biệt, nơi dự trữ nguồn lợi thủy sản nên theo Luật Thủy sản năm 2017 phải được bảo vệ và không được thực hiện các hoạt động khai thác thủy sản làm ảnh hưởng đến rạn san hô.
“Tuy nhiên, tôi cho rằng việc san hô tại khu vực Hòn Sẹo nếu có bị chết thì chủ yếu là do thiên nhiên. Bởi, khu vực này có mực nước nông nên đến mùa biển động, sóng đánh mạnh sẽ làm gãy san hô, san hô cứng vốn rất giòn; năm nào cùng xảy ra hiện tượng này. Ngoài ra, do biến đổi khí hậu, nước biển nóng lên cũng là nguyên nhân làm cho san hô bị chết”, bà Bính nói.
Ông Dương Hiệp Hòa, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Quy Nhơn cho biết, hiện nay thành phố đang chỉ đạo cho xã Nhơn Lý và ngành chức năng khẩn trương kiểm tra thực tế tại khu vực Hòn Sẹo để biết chính xác có phải san hô bị chết hàng loạt hay không; dự kiến sẽ thực hiện khi thời tiết thuận lợi. Trong thời gian tới, thành phố cũng sẽ xem xét, đề xuất giao khu vực Hòn Sẹo cho Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Lý để thực hiện quản lý, bảo vệ san hô tốt hơn.