Trong khi đó, một phái đoàn của Liên hợp quốc (LHQ) đã bắt đầu chuyến thăm nhằm đánh giá liệu có xếp rạn san hô lớn nhất thế giới này vào danh sách di sản nguy cấp hay không.
Trong báo cáo, Hội đồng Khí hậu - nhóm bảo vệ môi trường Australia - cho biết rạn san hô Great Barrier có nguy cơ bị tẩy trắng trên diện rộng thêm một lần nữa, sau 3 đợt tẩy trắng kể từ năm 2016, do nhiệt độ mặt nước biển ở khu vực ngoài khơi phía Đông Bắc Australia tăng lên mức cao hơn 2-4 độ C so với nhiệt độ trung bình. Hội đồng Khí hậu cảnh báo rạn san hô này có nguy cơ bị tẩy trắng hằng năm sau năm 2044 nếu tình trạng biến đổi khí hậu tiếp diễn không suy giảm.
Ngày 18/3 vừa qua, Cơ quan quản lý Công viên biển Rạn san hô Great Barrier của Chính phủ Australia cũng cho biết phần lớn công viên biển ngoài khơi bờ biển bang Queensland bị ảnh hưởng do “sốc nhiệt đáng kể” vào mùa Hè. Các đợt nước biển tăng nhiệt cao đe dọa nhiều loài sinh vật biển cũng như gây thiệt hại nặng nề đối với ngành ngư nghiệp và du lịch.
Cùng ngày 21/3, nhóm chuyên gia của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) bắt đầu chuyến công tác kéo dài 10 ngày đến Australia gặp các nhà khoa học, cơ quan quản lý, nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo và cộng đồng địa phương để đánh giá kế hoạch bảo vệ rạn san hô của chính phủ nước này.
Theo tuyên bố của UNESCO, mục đích chính của nhóm chuyên gia là đánh giá liệu kế hoạch “Rạn san hô 2050” của Chính phủ Australia có ngăn chặn được mối đe dọa đối với Great Barrier hay không, cũng như xác định lộ trình đẩy nhanh hành động để bảo vệ di sản thiên nhiên thế giới này.
Dự kiến, nhóm chuyên gia sẽ công bố báo cáo kết quả chuyến công tác vào tháng 5 tới để đưa ra khuyến nghị đối với Ủy ban di sản thế giới. Ủy ban này dự định nhóm họp trong tháng 6 tới để quyết định liệu có đưa rạn san hô Great Barrier vào danh sách di sản thế giới nguy cấp hay không.
Năm 2015, Chính phủ Australia đã triển khai kế hoạch "Rạn san hô 2050" và chi hàng tỷ USD để bảo vệ Great Barrier khi di sản thiên nhiên thế giới này có nguy cơ bị UNESCO hạ xếp hạng. Tháng 7/2021, Ủy ban di sản thế giới quyết định không đưa Great Barrier vào danh sách di sản nguy cấp, dù UNESCO đã khuyến nghị đưa rạn san hô vào danh sách này vài tuần trước đó.
Rạn san hô Great Barrier trải dài khoảng 2.400 km ngoài khơi bờ biển bang Queensland của Australia. Đây là cấu trúc sống lớn nhất thế giới có thể nhìn thấy từ vũ trụ. Rạn san hô Great Barrier đã được UNESCO đưa vào danh sách di sản thiên nhiên thế giới năm 1981.
Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, mỗi năm quần thể san hô này thu về khoảng 4,8 tỷ USD cho ngành du lịch Australia. Tuy nhiên, rạn san hô này đang bị tàn phá nghiêm trọng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Điển hình, nhiệt độ cao kỷ lục đã gây ra hiện tượng tẩy trắng hàng loạt san hô vào các năm 2016 và 2017, làm suy yếu san hô nhỏ và san hô trưởng thành ở thời kỳ sinh sản, tác động lớn đến khả năng phục hồi của san hô sau các đợt tẩy trắng hàng loạt.