Sau loạt bài “Đào tạo nghề gắn với thực tiễn việc làm”, báo Tin Tức nhận nhiều ý kiến về vấn đề đào tạo nghề phải phù hợp với thực tiễn và nhu cầu của xã hội.
Ông Nguyễn Tiến Sinh (đại biểu Quốc hội đoàn Hòa Bình):Phải bố trí nguồn vốn hợp lý
Trong năm 2013, tôi có tham gia đoàn giám sát chương trình đào tạo nghề tại một số địa phương ở dân tộc thiểu số. Qua giám sát cho thấy, phần lớn nguồn vốn của chương trình đào tạo nghề nông thôn là dành để xây dựng trung tâm dạy nghề. Tỉnh nào cũng xây dựng trường nghề rồi tuyển biên chế, nhưng dạy nghề không được bao nhiêu.
Lớp dạy nghề ngắn hạn sửa chữa máy nông nghiệp cho nông dân ở huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. |
Có nơi mở lớp dạy sửa chữa xe máy; có nơi dạy làm tóc. Khi được hỏi tại sao lại mở lớp sửa xe máy, thì cán bộ giải thích để người dân đi làm rẫy bị hỏng xe sẽ biết cách chữa. Bản chất của chương trình đào tạo nghề nông thôn không phải là phổ biến kiến thức phổ thông mà là dạy nghề để người dân sống bằng nghề đó. Do đó, tôi có kiến nghị rà soát lại toàn bộ chương trình và bố trí nguồn vốn hợp lý để chương trình mang lại hiệu quả cho người học.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Chủ tịch Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh: Cần có mô hình đào tạo cụ thể
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn thời gian qua còn gặp những khó khăn, hạn chế là do đa phần người học lớn tuổi, trình độ văn hóa hạn chế, khả năng tiếp thu kiến thức chậm. Vẫn còn không ít nông dân có quan niệm học cho biết, nên một số học viên không làm bài thu hoạch cuối khóa, vì vậy số lao động được cấp giấy chứng nhận luôn thấp hơn so với số thực tế đào tạo. Một số quá khó khăn, phải đi làm kiếm sống, nên không sắp xếp thời gian theo học suốt khóa. Do tính đặc thù là dạy nghề tại chỗ, giáo viên phải đi xa, với chi phí thấp nên rất khó mời giáo viên có trình độ chuyên môn cao hợp tác.
Do đó, để đạt được hiệu quả cao, thu hút được người lao động đến học, trước hết về chương trình học, cần tăng cường cho bà con trực tiếp tham quan, tận mắt chứng kiến để học hỏi thay vì chỉ nói lý thuyết sẽ không thuyết phục. Bởi qua các chuyến đi thực tế, tôi thấy đa số bà con rất phấn khởi và việc học tập đạt hiệu quả cao.
Ông Lê Trọng Sang, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh: Phải dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập
Hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn gặp nhiều khó khăn, hạn chế lớn như đào tạo chưa đáp ứng kịp yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Việc triển khai công tác này còn lúng túng và chưa thực sự phù hợp với đặc điểm của từng vùng, ngành kinh tế, thiếu định hướng dài hạn và không căn cứ vào quy hoạch phát triển kinh tế của từng quận, huyện. Cơ sở dạy nghề chưa được đầu tư đúng mức; công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến về dạy nghề chưa sát thực tế, chưa phong phú về hình thức. Mặt khác, nhiều thanh niên nông thôn vẫn chưa thật sự mặn mà với việc học nghề, mà còn mang nặng tư tưởng đi làm thuê là chính. Do đó, việc dạy nghề tạo việc làm cho thanh niên nông thôn hiện nay là bài toán không phải đơn giản.
Vì vậy, trong thời gian tới, Sở tiếp tục khảo sát, bổ sung nhu cầu học nghề, nhu cầu lao động của doanh nghiệp, tổng hợp nhu cầu học theo từng nghề ở các xã làm căn cứ xây dựng kế hoạch tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn hiệu quả. Thường xuyên cập nhật danh mục nghề đào tạo, chủ động triển khai tổ chức dạy nghề phù hợp với lao động, thu hút nhiều học viên hơn. Tập trung bố trí kinh phí dạy nghề để tổ chức dạy nghề cho lao động theo các mô hình thí điểm có hiệu quả, nghiên cứu các mô hình dạy nghề gắn với các làng nghề, vùng chuyên canh và các doanh nghiệp tại địa phương… Không tổ chức dạy nghề khi chưa dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập của lao động sau khi học nghề.
Ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT, cố vấn Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới Trung ương: Triển khai lệch hướng
Vấn đề đào tạo nghề cho nông dân chưa đạt được mục tiêu đề ra. Yêu cầu lớn nhất với người nông dân là tiếp tục làm nông nghiệp trên một nền nông nghiệp hiện đại. Nông dân Việt Nam làm nông nghiệp không chuyên nghiệp, quá nhiều khâu phải thuê: phun thuốc sâu, máy tuốt, máy cày… Nghề chính của mình mà phải thuê nhiều nên làm không có lãi.
Chúng ta phải khẳng định rằng đào tạo nghề cho nông dân là rất đúng nhưng thời gian qua triển khai lệch hướng, vừa tốn kém, vừa không hiệu quả. Do đó, đào tạo nghề cho nông dân trước hết là thay đổi cách làm. Trong nông nghiệp không tạo ra đột phá lớn thì không thể tạo thu nhập cho nông dân. Đột phá nông nghiệp trong điều kiện này là đột phá về khoa học công nghệ theo hướng “nhất giống, nhì phân, tam cần, tứ nước”.
Hoàng Tuyết- Xuân Minh (thực hiện)