5 điều ít biết về lịch sử của FED

Cách đây 100 năm, vào đúng ngày 23/12/1913, Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson đã ký Luật Dự trữ Liên Bang, qua đó thành lập Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Ngày kỷ niệm 23/12 năm nay đánh dấu một mốc lịch sử đáng ghi nhớ của FED với việc chuẩn bị tháo gói kích thích kinh tế kể từ khi chương trình nới lỏng định lượng được Chủ tịch FED, ông Ben Bernanke đưa ra sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Sau đây là 5 điều mà mọi người có thể chưa biết về cơ quan này:

Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang tại Mỹ. Ảnh: AP


Giai đoạn những năm 1920: Sự xuất hiện chương trình QE


Trong những năm mới thành lập, FED quản lý một khối lượng tiền thông qua các hoạt động mua bán vàng và tăng giảm "tỷ lệ chiết khấu" đối với những khoản tiền mà cơ quan này cho các ngân hàng vay. Tuy nhiên, Benjamin Strong, lãnh đạo chi nhánh FED tại New York, nhận ra rằng vàng không còn đóng vai trò là nhân tố chính trong điều hành tín dụng của nền kinh tế. Bằng việc bán ra một lượng lớn trái phiếu chính phủ năm 1923, Strong nhận thấy có thể bơm tiền vào hệ thống ngân hàng và giảm tỷ lệ lãi suất. Từ đây, FED dần chuyển mình từ một cơ quan cho vay khẩn cấp thành một kỹ sư của nền kinh tế thông qua việc cung cấp tín dụng. Ngày nay, FED mua bán trái phiếu nhằm tăng hoặc giảm lãi suất ngắn hạn, và kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, bắt đầu mua bán nợ nhằm giảm tỷ lệ lãi suất dài hạn, một chiến lược đầy tranh cãi được biết tới như là nới lỏng định lượng (QE).

Cuối những năm 1920 - 1930: FED làm trầm trọng thêm Đại Khủng hoảng

FED có nhiệm vụ bình ổn thị trường tài chính đầy rủi ro và bất ổn, tuy nhiên, trong hầu hết những tình huống nguy kịch, nó lại đứng ngoài lề, thậm chí còn làm trầm trọng thêm vấn đề. Một số quyết định của FED đã châm thêm lửa, hoặc có thể nói là không thể ngăn chặn lại cuộc Đại Khủng hoảng, kéo dài từ năm 1929 tới năm 1941. Ban đầu, FED tăng tỷ lệ lãi suất vào các năm 1928 và 1929 nhằm cắt giảm nạn đầu cơ trong thị trường chứng khoán, đã làm chậm quá trình tăng trưởng nền kinh tế. Sau đó, trong bối cảnh khủng hoảng ngân hàng giai đoạn từ 1930 đến 1933, FED đã không hoàn thành nhiệm vụ là một cơ quan cung cấp vốn như một giải pháp cứu trợ cuối cùng cho các ngân hàng đang khốn cùng, gây thất bại thêm cho hoạt động của các ngân hàng này.

Giai đoạn những năm 1940: FED chiến đấu với Bộ Ngân khố về tỷ lệ lãi suất


Một trong số rất ít những tiếng thơm về FED lưu lại đến bây giờ là việc cơ quan này cho "Tiền tệ hóa nợ", hay là mua trái phiếu Ngân khố nhằm giảm tỷ lệ lãi suất và giúp chính phủ xử lý nợ. Đây có thể được coi là một sản phẩm phụ từ chương trình QE của FED, nhưng mục đích cuối cùng của nó là nhằm thúc đẩy nền kinh tế. Vào năm 1942, FED đồng ý với yêu cầu của Bộ Ngân khố duy trì một tỷ lệ lãi suất thấp đối với các hóa đơn liên quan tới chi tiêu cho quân đội Mỹ tham gia vào Thế chiến thứ II. Khi cuộc chiến tranh Triều Tiên xảy ra vào năm 1950, Tổng thống Truman và Bộ trưởng Ngân khố John Snyder một lần nữa đề nghị FED giảm tiếp tỷ lệ lãi suất. Ngược lại, FED thì muốn nâng lãi suất nhằm ngăn tình trạng lạm phát gia tăng. Sự tranh cãi cuối cùng được giải quyết bằng một bản ghi nhớ chấm dứt nghĩa vụ buộc FED phải ghìm tỷ lệ lãi suất thấp, mở đường cho sự độc lập của FED hiện nay.

Những năm 1960: Tổng thống Nixon gây áp lực với lãnh đạo FED

FED rất tự hào khi đạt được sự độc lập đối với chính phủ cũng như quốc hội Mỹ. Tuy nhiên, theo một bài báo đăng trên Tạp chí Triển vọng kinh tế (The Journal of Economic Perspectives) vào năm 2006, Tổng thống Nixon gây áp lực buộc Chủ tịch FED là Arthur Burns hạ thấp tỷ lệ lãi suất nhằm thúc đẩy nền kinh tế, đồng thời giảm tỷ lệ thất nghiệp nhằm phục vụ chiến dịch tranh cử năm 1972 của ông.

Những năm 2000: Số hóa công tác kiểm tra thanh toán séc


Trong thập kỷ trước, quy trình kiểm tra séc trên toàn nước Mỹ của FED đã được điện tử hóa, nhờ đó tốc độ kiểm tra xác nhận giao dịch bằng séc được đẩy nhanh đáng kể. Trước đó, hầu hết séc đặt cọc tại ngân hàng được vận chuyển bằng xe tải, tàu hỏa hoặc máy báy tới 1 trong 45 ngân hàng hay trung tâm kiểm tra khu vực của FED, tại đó chúng được phân loại sau đó mới được gửi tới khách hàng. Quá trình xử lý này thường mất tới từ 3 đến 5 ngày. Sau cuộc khủng bố ngày 11/9/2001, khi mà toàn bộ hệ thống hàng không bị ngừng trệ, FED đã thúc giục Quốc hội thông qua Đạo luật Kiểm tra Thanh toán Bù trừ cho thế kỷ 21, yêu cầu các ngân hàng chấp nhận séc điện tử. Ngày nay, phần lớn séc được sao chụp và trao đổi bằng hệ thống điện tử giữa các ngân hàng thông qua một trung tâm xử lý của FED. Hầu hết chúng được kiểm tra chỉ trong vòng một ngày làm việc. Steve Kenneally, phó chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Mỹ cho biết "Việc thanh toán được lưu thông nhanh, và đỡ tốn kém hơn".


Trường Giang (theo USA Today)
Giá vàng giảm, dầu tăng sau quyết định rút bớt QE3 của FED
Giá vàng giảm, dầu tăng sau quyết định rút bớt QE3 của FED

Tại thị trường Mỹ, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thông báo bắt đầu giảm dần gói cứu trợ thứ ba (QE3) do đà phục hồi khả quan hơn của nền kinh tế lớn nhất thế giới và sự cải thiện của thị trường lao động, giá vàng giảm 1% trong khi giá dầu lại tăng lên.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN