Trong cuộc trao đổi, Giáo sư Kolotov nhắc đến người thầy đáng kính của mình là Giáo sư V.Panphilov - người có quan hệ thân quen với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và là nguồn cảm hứng để Giáo sư Kolotov bắt đầu nghiên cứu sâu sắc về lịch sử Việt Nam nói chung và sau này là lịch sử quân sự Việt Nam nói riêng. Qua lời kể người thầy của mình, Giáo sư Kolotov hiểu được rằng vị Đại tướng của Quân đội Nhân dân Việt Nam là người rất cởi mở, thân thiện và thẳng thắn. Đại tướng giống như một từ điển bách khoa về các trận đánh lớn trên thế giới, đặc biệt là mối tương quan lực lượng trong các trận đánh đó.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, rõ ràng quân đội Việt Minh phải chống lại một quân đội mạnh hơn, đông hơn, hiện đại hơn. Và người chỉ huy của quân đội Việt Nam lúc bấy giờ đã tìm cách để đánh trận bằng sự mưu trí. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tính toán kịch bản trận đánh từ trước và đó là yếu tố quyết định trong trận đánh. Giáo sư Kolotov liên hệ yếu tố này với lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng.
Theo ông, chính trên cơ sở nguyên tắc biết mình biết người này mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người được coi là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã tính toán ra kế sách đánh bại kẻ thù.
Giáo sư Kolotov đặc biệt nhấn mạnh đến vũ khí bí mật của vị Đại tướng xuất thân nhà giáo - đó là đấu tranh chính trị. Ông đã lập được một đội ngũ chính trị viên làm nhiệm vụ giải thích tính chính nghĩa của cuộc chiến đấu của Việt Nam, tính chính nghĩa có sức thuyết phục và cổ vũ chiến sĩ, đồng bào, nhờ đó quân đội Việt Nam từ số 0 đã trở thành đội quân có thể khiến cho bất kỳ kẻ thù nào cũng phải kính nể. Theo Giáo sư Kolotov, vũ khí này sau này được giới chuyên gia, trong đó có các tướng Mỹ, đánh giá rất cao.
Theo Giáo sư Kolotov, sức mạnh tiếp theo có thể gọi là "dũng", dũng không chỉ trong chiến đấu mà trước đó trong công tác chuẩn bị cho chiến dịch bắt đầu từ năm 1953. Giáo sư Kolotov ví von, 10 người chiến đấu thì phải có cả trăm người hoạt động ở hậu phương, hỗ trợ cho mặt trận. Trong điều kiện núi rừng hiểm trở, không có đường đi và yêu cầu bí mật tuyệt đối, tất cả đạn pháo, đạn cao xạ, súng hỏa tiễn đã được bộ đội Việt Minh vận chuyển trong đêm tối vào mặt trận bằng xe đạp thồ và trên đôi vai của mình. Cả thực phẩm và người bị thương cũng cần phải được tổ chức vận chuyển an toàn. Điều đó nói lên công tác tổ chức phi thường, sau này đã có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật ca ngợi chính công tác hậu cần này cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
Theo Giáo sư Kolotov, chiến thắng Điện Biên Phủ đã tạo nên bước ngoặt trong cả cuộc chiến với kết quả là ký Hiệp định Geneva 1954 về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, mở ra một trang mới trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Việt Nam.
Thành công về chiến thuật này đã dẫn đến thành công có tính chiến lược trong cả cuộc chiến. Điều đó cũng dẫn đến thành công trong ngoại giao là ký được Hiệp định Geneva. Với chiến thắng Điện Biên Phủ, Việt Nam trở thành hình mẫu cho rất nhiều dân tộc còn bị áp bức trên thế giới, trở thành nguồn động viên và khích lệ đối với con đường giải phóng dân tộc của các nước.
Giáo sư Kolotov kết luận, chiến thắng Điện Biên Phủ cho thấy rõ tính sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, ý nghĩa một trận đánh, một chiến dịch trước hết nằm ở tính chính trị, chứ không chỉ ở góc độ chiến đấu đơn thuần.