Nhưng với Ấn Độ, dịch bệnh không chỉ đơn thuần là những con số, nó phơi bày hàng loạt vấn đề kinh tế-xã hội, làm nổi cộm thêm những thách thức to lớn mà New Delhi đang phải đối mặt trong việc quản lý khủng hoảng và điều hành kinh tế.
Tính đến sáng 6/7, Ấn Độ ghi nhận hơn 696.800 ca nhiễm, trong đó 19.700 ca tử vong. Như vậy, chỉ trong vòng 1 tháng, tổng số ca nhiễm ở Ấn Độ đã tăng gần gấp 3 lần, đặt hệ thống chăm sóc sức khỏe yếu kém của nước này dưới áp lực khổng lồ, làm gia tăng nguy cơ xuất hiện một thảm họa y tế và nhân đạo nếu tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát, đặc biệt khi Ấn Độ có tới 800 triệu người nằm trong một chương trình cấp phát lương thực miễn phí của chính phủ. Hôm 30/6, Thủ tướng Narendra Modi thông báo chính phủ sẽ chi thêm 12 tỷ USD để gia hạn chương trình này cho đến hết tháng 11 tới.
Hiện tỷ lệ xét nghiệm của Ấn Độ là 7.100 lượt/1 triệu dân, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 30.000 của thế giới. Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo các nước cần tăng cường xét nghiệm, bởi đây là chìa khóa để phát hiện các ổ dịch và ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm.
Mặc dù năng lực xét nghiệm của Ấn Độ hiện tăng gần gấp đôi so với 1 tháng trước, khoảng 250.000 lượt xét nghiệm/ngày, song điều đó diễn ra trong bối cảnh Ấn Độ đã nối lại hầu hết các hoạt động kinh tế và dự kiến sẽ còn mở cửa hơn nữa trong thời gian tới. Công tác xét nghiệm tại Ấn Độ cũng đang gặp nhiều hạn chế, do người dân không sẵn sàng phối hợp vì lo sợ bị đưa đi cách ly tại những cơ sở tồi tàn. Mặc khác, hệ thống bệnh viện và phòng thí nghiệm công thường xuyên bị quá tải và thiếu nhân viên, gây tâm lý e ngại xếp hàng đối với những người có nhu cầu xét nghiệm.
Công tác truy dấu tiếp xúc cũng không được thực hiện triệt để vì nguồn lực có hạn, thủ tục phức tạp và thiếu sự phối hợp với hệ thống y tế tư nhân. Bên cạnh đó, các quy định của chính quyền về cách ly, phòng dịch và giãn cách xã hội cũng không được tuân thủ đầy đủ, phần vì ý thức của một bộ phận dân chúng chưa cao, nhưng cũng phải kể đến yếu tố sinh kế của người dân, nhất là đối với những nghèo và người lao động làm công ăn lương theo ngày. Họ chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong tổng số 450 triệu người làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức của Ấn Độ. Đối với những người này, mối lo chết đói còn lớn hơn nhiều nỗi khiếp sợ bệnh tật.
Các cơ sở điều trị thì liên tục quá tải. Mới đây, dư luận Ấn Độ lại dậy sóng vì thông tin một chủ cửa hàng quần áo 52 tuổi ở Bengaluru, thủ phủ bang Karnataka, với các triệu chứng sốt cao và khó thở, đã chết gục bên thềm bệnh viện sau 36 giờ đôn đáo tìm kiếm nơi điều trị. Tất cả 50 bệnh viện mà người này đến trực tiếp hoặc liên lạc qua điện thoại đều từ chối tiếp nhận, hoặc với lý do hết giường, hoặc yêu cầu phải có kết quả xét nghiệm COVID-19 mới xem xét cho nhập viện.
Trong khi đó, chi phí điều trị COVID-19 tại các bệnh viện tư của Ấn Độ nằm ngoài khả năng chi trả của đa số người dân, cho dù một số bang như Maharashtra, Delhi, Tamil Nadu gần đây đã áp đặt giới hạn về chi phí điều trị COVID-19 tại các bệnh viện tư. Tại Delhi, bệnh nhân phải trả 8.000 - 10.000 rupee (107 - 133 USD)/giường/ngày, 15.000 rupee cho giường trong khu điều trị tích cực không có máy thở và 18.000 rupee cho giường có máy thở. Trong khi đó, thu nhập Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của Ấn Độ tính đến tháng 3/2020 chỉ khoảng 2.100 USD/năm, nhưng điều đáng nói, theo nghiên cứu mới của tổ chức Oxfam, 1% dân số giàu nhất của Ấn Độ nắm giữ khối lượng tài sản nhiều gấp hơn 4 lần tổng tài sản của 70% dân số nước này, tức 953 triệu người.
Với việc nhanh chóng áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc nghiêm ngặt ngay từ ngày 25/3, Thủ tướng Modi muốn sớm đưa dịch bệnh ở nước này đạt đỉnh mà không phải chịu quá nhiều tổn thất. Nhưng hàng loạt bất cập trong công tác phòng chống COVID-19 khiến các chuyên gia cho rằng không thể thấy đỉnh dịch ở Ấn Độ, bởi đỉnh dịch càng ngày càng trôi xa. Thậm chí, không ít ý kiến nhận định trước tình hình này và với quy mô dân số khổng lồ gần 1,4 tỷ dân, Ấn Độ sớm muộn cũng sẽ vượt qua Mỹ và Brazil để "độc chiếm" bảng xếp hạng COVID-19.
Trong lĩnh vực kinh tế, trước đại dịch, Ấn Độ đã trên đà suy thoái do nhu cầu tiêu dùng yếu và khủng hoảng ngành chế tạo trong nước. Theo số liệu chính thức, tốc độ tăng trưởng GDP của Ấn Độ trong tài khóa 2019-2020 (kết thúc ngày 31/3/2020) chỉ đạt 4,2%, thấp nhất trong 11 năm. Và khi dịch bệnh bùng phát từ giữa tháng Ba vừa qua, nền kinh tế của nước này như một cơ thể ốm yếu gặp cơn gió lạnh, suy sụp rất nhanh.
COVID-19 đã gây ra những tác động to lớn và sâu rộng đối với kinh tế Ấn Độ. Các chỉ số về sản xuất công nghiệp và tâm lý kinh doanh, doanh số xe hơi và thương mại chỉ ra sự sụt giảm mạnh trong hoạt động kinh tế. Chỉ số 8 ngành công nghiệp cốt lõi (ECI) của Ấn Độ, vốn chiếm hơn 40% Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), đã lần lượt giảm 37% và 23,4% trong các tháng Tư và Năm. Doanh số bán xe hơi ở Ấn Độ là 0 trong tháng Tư tại hầu hết các đại lý do lệnh phong tỏa nghiêm ngặt toàn quốc. Sang tháng Năm, phần lớn các nhà sản xuất chứng kiến mức sụt giảm 80-90% doanh số so với cùng kỳ năm ngoái. Tháng Sáu, doanh số của Maruti Suzuki và Hyundai Motors, hai hãng chiếm gần 70% thị trường xe hơi Ấn Độ, dù có cải thiện so với tháng trước đó, nhưng vẫn ghi nhận các mức giảm lần lượt 53% và 49% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cuộc khảo sát về lòng tin tiêu dùng do Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (ngân hàng trung ương) vừa công bố cho thấy, các hộ gia đình Ấn Độ chưa bao giờ bi quan như hiện nay về triển vọng kinh tế, thu nhập hoặc việc làm. Theo một cuộc khảo sát khác của Đại học Chicago (Mỹ) và Trung tâm theo dõi kinh tế Ấn Độ, có đến 80% số các hộ gia đình ở nước này bị giảm thu nhập do lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài 2 tháng rưỡi. Các kết quả khảo sát cũng là một điềm báo về sự sụt giảm hơn nữa trong chi tiêu tiêu dùng ở Ấn Độ thời gian tới, bởi các hộ gia đình sẽ thắt chặt hầu bao, trước viễn cảnh mất việc làm và suy thoái kinh tế.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo GDP của Ấn Độ trong tài khóa hiện nay sẽ tăng trưởng âm 4,5% do lệnh phong tỏa kéo dài và tốc độ hồi phục chậm hơn dự kiến. Đây sẽ là mức tăng trưởng chậm nhất mà Ấn Độ từng ghi nhận kể từ năm 1961. Triển vọng tăng trưởng trong ngắn hạn của Ấn Độ vẫn khá ảm đạm, do tình trạng suy giảm toàn cầu và trong nước cũng như những yếu tố bất định liên quan đến dịch bệnh.
Giám đốc IMF phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương Chang Yong Rhee đánh giá cuộc khủng hoảng y tế chưa được kiểm soát khi COVID-19 tiếp tục lan rộng là nguy cơ chính đối với tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ. Các đợt bùng phát tiếp theo có thể sẽ buộc nhà chức trách Ấn Độ tái áp đặt một số biện pháp phong tỏa để chặn đứng chuỗi lây lan. Mối lo ngại về virus cũng có thể làm giảm lòng tin của người tiêu dùng và trì hoãn đà phục hồi kinh tế.
Không chỉ khiến kinh tế lao đao, COVID-19 còn gây ra những hậu quả nặng nề về xã hội, tác động tiêu cực đến cuộc chiến chống đói nghèo của Ấn Độ. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp ở nước này (tính đến cuối tháng trước) đã trở lại mức trước đại dịch là 8,5%, sau khi đạt đỉnh 27,1% hồi đầu tháng Năm, song tác động của lệnh phong tỏa kéo dài có thể sẽ khiến ngân sách của các hộ gia đình bị thụt lùi nhiều năm. Đó sẽ là một thách thức nghiêm trọng, đe dọa đảo ngược những thành tựu ấn tượng mà quốc gia Nam Á này đã đạt được khi đưa 271 triệu người thoát khỏi nghèo đói cùng cực trong giai đoạn 2006-2017.
LHQ xem xét đến 3 kịch bản GDP toàn cầu tăng trưởng -5%, -10% và -20% để ước tính số người bị đẩy vào cảnh nghèo đói. Với kịch bản -10%, số người nghèo của Ấn Độ sẽ tăng thêm 75 triệu người, và trong trường hợp xấu nhất là -20%, Ấn Độ sẽ có thêm gần 180 triệu người nghèo. Trong bất cứ kịch bản nào, Ấn Độ cũng sẽ chiếm gần một nửa trong tổng số người nghèo tăng thêm của thế giới.
Có thể thấy, nền kinh tế Ấn Độ đang dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết, hay có thể nói rằng nền kinh tế "đang lâm nguy", nhưng giữa khủng hoảng vẫn phải oằn mình chống chọi với vô vàn hệ lụy do COVID-19 gây ra.
Trong khi đó, tình hình lây nhiễm COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp và khả năng Ấn Độ sớm kiểm soát được dịch bệnh thực sự rất mờ mịt. Và khi bài toán chống dịch vẫn là hết sức nan giải thì có vẻ như mục tiêu của Thủ tướng Modi đưa Ấn Độ trở thành nền kinh tế quy mô 5.000 tỷ USD vào năm 2024, cũng đang dần trở thành một nhiệm vụ bất khả thi.