Các nguồn tin từ Mỹ cho biết, trong tuần tới, Tổng thống Barack Obama được cho là sẽ có một nỗ lực mới giúp các đồng minh vùng Vịnh thiết lập một hệ thống phòng thủ toàn khu vực để đối phó với các tên lửa của Iran nhằm xoa dịu những lo ngại của các nước này về thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (thứ hai, phải) và Ngoại trưởng 6 nước GCC họp tại Munich (Đức) trong khuôn khổ Hội nghị An ninh Munich lần thứ 51 ngày 6/2. |
Theo các quan chức Mỹ, đề xuất này có thể kèm theo các cam kết tăng cường an ninh, bán vũ khí mới và tiến hành thêm các cuộc tập trận chung, bởi ông Obama đang cố gắng tái khẳng định với các quốc gia vùng Vịnh rằng Washington không bỏ rơi họ. Chỉ còn chưa đầy một tuần trước khi ông Obama chủ trì hội nghị với Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) gồm 6 nước tại Nhà Trắng và Trại David. Các quan chức cho biết chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra liên quan tới các đề xuất của Mỹ.
Ông Obama đang phải đối mặt với một thách thức to lớn khi phải quyết định mức độ hành động để có thể thuyết phục được các đồng minh theo dòng Hồi giáo Sunni về thỏa thuận hạt nhân với Iran (theo dòng Hồi giáo Shi'ite) - ưu tiên cao nhất trong chính sách đối ngoại của ông - trước thời hạn chót dự kiến vào ngày 30/6 tới. Thất bại trong việc xoa dịu họ có thể sẽ làm gia tăng căng thẳng cho các mối quan hệ, mặc dù việc thực hiện thêm các cam kết quốc phòng sẽ tạo ra nguy cơ Mỹ bị lôi cuốn vào các cuộc xung đột mới ở Trung Đông.
Các nước láng giềng vùng Vịnh, trong đó có Saudi Arabia - đồng minh then chốt của Mỹ - lo ngại rằng Iran sẽ không bị cản trở trong việc chế tạo bom hạt nhân và sẽ sử dụng tiền từ các tài khoản không còn bị "đóng băng" để mở rộng ảnh hưởng của mình ở các nước như Syria, Yemen và Liban.
Các nguồn tin về các cuộc thảo luận nội bộ thừa nhận rằng ông Obama đang chịu áp lực phải xoa dịu mối lo ngại của các nước Arập bằng việc đưa ra những cam kết mạnh mẽ. Một quan chức cấp cao Mỹ nói: "Đây là thời điểm để xem những gì có thể được yêu cầu phải chính thức hóa".
Ông Obama hầu như chắc chắn sẽ không ký kết một thỏa thuận an ninh đầy đủ với Saudi Arabia hay các nước vùng Vịnh khác bởi điều đó đòi hỏi phải có sự phê chuẩn của Thượng viện hiện do phe Cộng hòa kiểm soát, và gây nguy cơ gia tăng căng thẳng với Israel - đồng minh chính của Mỹ ở Trung Đông.
Quan chức thứ hai khẳng định rằng hội nghị sẽ là "con đường hai chiều" để Washington hối thúc các nhà lãnh đạo vùng Vịnh vượt qua những cuộc đấu tranh nội bộ và tìm ra cách để phối hợp tốt hơn trong vấn đề quốc phòng của riêng họ.
Các nguồn tin thông thạo về các cuộc thảo luận cho biết ông Obama chắc chắn sẽ thúc ép các đồng minh vùng Vịnh phải hành động hơn nữa để hòa hợp các lực lượng quân sự khác nhau của mình và hướng tới một hệ thống lá chắn tên lửa vốn đã bị trì hoãn lâu nay để đối phó với mối đe dọa tên lửa đạn đạo của Iran. Một nguồn tin cho rằng điều này có thể có hình thức như một nhóm hành động chung cấp cao mới do Lầu Năm Góc đứng đầu.
Chưa rõ Washington sẽ đề xuất những gì với các quốc gia vùng Vịnh để xúc tiến việc thiết lập lá chắn tên lửa. Những mối bất hòa giữa các thành viên GCC, nhất là giữa Qatar và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), sẽ cần phải được gạt sang một bên trước khi một hệ thống tên lửa chung được hình thành.
Các chuyên gia tin rằng thời điểm để hợp tác rộng hơn đã chín muồi bởi an ninh khu vực đang ngày một xấu đi. Riki Ellison, nhà sáng lập Liên minh Ủng hộ Hệ thống Phòng thủ Tên lửa, nói: "Hệ thống phòng thủ tên lửa hoàn toàn quan trọng với GCC hiện nay. Họ chơi riêng rẽ sẽ không hiệu quả như chơi thành một đội".
Việc duy trì cân bằng quyền lực trong khi giữ mối quan hệ thân thiết với các đồng minh vùng Vịnh và duy trì đúng hướng các cuộc đàm phán với Iran có nghĩa là đối với ông Obama, cuộc họp tại Trại David sẽ không phải là “một cuộc dạo chơi dễ chịu”.
TTK