Báo Izvestia của Nga ngày 8/12 dẫn lời các chuyên gia cho rằng Iran có thể trở thành thành viên đầy đủ của Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) trong những năm tới. Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đã gặp Tổng thống Iran Ebrahim Raisi hôm 7/12 tại Moskva, một hiệp định thương mại tự do giữa EAEU và Tehran hiện đang được đàm phán.
Mối quan hệ giữa Nga và Iran cũng đang trên đà phát triển ổn định, ông Putin thông báo, lưu ý rằng kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng 20% vào năm ngoái, đạt gần 5 tỷ USD. Theo các chuyên gia được Izvestia phỏng vấn, Điện Kremlin rất chú trọng đến mối quan hệ của Nga ở Trung Đông.
Boris Dolgov, nhà nghiên cứu hàng đầu tại Trung tâm Nghiên cứu Arab và Hồi giáo thuộc Viện Nghiên cứu Phương Đông của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nhận định việc xây dựng mối quan hệ với thế giới Arab-Hồi giáo là một xu hướng mới đầy tiềm năng trong chính sách đối ngoại hiện đại của Moskva. Ông nói: “Những chuyến thăm và đàm phán như trên xác nhận sự mở rộng hợp tác của Nga với các nước này cũng như sự gia tăng ảnh hưởng của Nga trong khu vực”.
Một số chuyên gia lưu ý rằng quan hệ kinh tế giữa Nga và Iran từ lâu đã dựa trên cơ sở tương hỗ và tiềm năng hợp tác kinh tế song phương "còn lâu mới đạt đến mức trần". Theo Sergey Katyrin, người đứng đầu Phòng Thương mại và Công nghiệp Nga, kim ngạch kinh tế giữa Nga và Iran có thể đạt 40 tỷ USD/năm trong thời gian tới.
Về phần mình, Rajab Safarov, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Iran hiện đại, cho biết nước cộng hòa Hồi giáo này quan tâm đến việc trở thành thành viên chính thức của EAEU. "Iran đã ký một hiệp định thương mại tự do với EAEU, nhưng đây không phải là tư cách thành viên đầy đủ. Chúng tôi đã nói chuyện với giới lãnh đạo Iran và họ hiểu sự cần thiết phải đi theo hướng này. Tôi tin rằng Iran sẽ gia nhập EAEU trong 2 hoặc 3 năm tới, thậm chí có sớm hơn. Điều này sẽ làm tăng xuất khẩu của Iran ít nhất 30% và lên tới 40% đối với một số quốc gia", ông Safarov nêu rõ.
Chuyên gia Safarov nhấn mạnh rằng áp lực trừng phạt lớn hơn từ phương Tây chỉ giúp tạo điều kiện "cho sự hội tụ kinh tế" giữa Nga và Iran.
Cùng ngày, tờ Thời báo Tehran cũng bình luận rằng trong thế giới ngoại giao toàn cầu năng động, Iran và Nga đang "tạo nên một câu chuyện về tình bạn ngày càng phát triển". Những năm gần đây đã chứng kiến mối quan hệ của hai nước thăng hoa, gợi nhớ đến những liên minh lịch sử đang được khơi dậy.
Bất chấp những thách thức, Iran và Nga đã tìm ra điểm chung, lợi ích chung cho phát triển. Các cuộc đàm phán ngoại giao giữa Tehran và Moskva đã không được chú ý, đặc biệt là trước các lệnh trừng phạt trừng phạt của phương Tây đối với Nga kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine vào tháng 2/2022.
Tờ Thời báo Tehran cho rằng, trong khi cả hai quốc gia đều cam kết thúc đẩy kết nối kinh tế và thương mại, thì một điểm đáng chú ý là quan hệ đối tác quốc phòng lại thu hút sự quan tâm của quốc tế và sự thận trọng, đặc biệt là từ Mỹ về sự mở rộng chưa từng có trong lĩnh vực này. Do đó, ông Putin nhiều nhấn mạnh rằng Nga và Iran "rất coi trọng việc tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại", thể hiện chiều sâu của mối quan hệ song phương giữa họ.
Trong khi đó, Mỹ lo lắng theo dõi mối quan hệ ngày càng được tăng cường giữa Nga và Iran. Quân đội Mỹ cho biết Iran đã cung cấp cho Nga hàng trăm máy bay không người lái (UAV) để sử dụng trong cuộc xung đột ở Ukraine. Nga đã bác bỏ cáo buộc này. Mỹ cũng đã lên tiếng cáo buộc Iran cung cấp tài chính và vũ khí cho Hamas ở Gaza trong những năm trước cuộc tấn công ngày 7/10 vào Israel và cho lực lượng Houthi ở Yemen cũng như nhóm vũ trang Hezbollah ở Liban.
Sau chuyến thăm bất ngờ tới vùng Vịnh, Tổng thống Putin đã có cuộc gặp với người đồng cấp Iran Raisi và tiến hành thảo luận “chuyên sâu” về cuộc chiến ở Gaza, giá dầu cũng như xung đột ở Ukraine.