Ba vấn đề lớn có thể cản trở thành công hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã bất ngờ thăm Trung Quốc, chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông lên cầm quyền năm 2011. Sau chuyến thăm, các nhà phân tích đặt ra ba câu hỏi lớn về hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều được lên kế hoạch vào tháng 5 tới.

Hội đàm giữa ông Kim Jong-un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dường như đã thảo luận về hội nghị thượng đỉnh sắp tới giữa nhà lãnh đạo này và Tổng thống Mỹ Donald Trump xoay quanh vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Chính quyền Mỹ coi tin tức từ Bắc Kinh là một dấu hiệu tích cực cho các biện pháp ngoại giao. Tổng thống Trump cho biết ông mong chờ đối thoại với Bình Nhưỡng.

Suốt nhiều năm và trải qua nhiều chính quyền, ai cũng nói hòa bình và phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên là điều mà đến cơ hội nhỏ cũng không có. Giờ đây, mọi việc đang diễn biến theo chiều hướng tích cực đến không ngờ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert đăng trên Twitter nhận xét rằng chuyến thăm Bắc Kinh của ông Kim Jong-un là “bước đi đúng hướng mang tính lịch sử, chưa từng có tiền lệ” và là bằng chứng cho thấy chiến dịch gây áp lực tối đa đang có tác dụng.

Tuy nhiên, theo tờ Washington Post, hiện vẫn còn chưa rõ về nhiều điều nếu cuộc gặp của ông Trump và ông Kim Jong-un diễn ra theo đúng dự kiến. Ba câu hỏi lớn sau đây vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng.

1. Phi hạt nhân hóa có thực sự khả thi?

Phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên là mục đích của chính quyền Mỹ, nhưng để thực hiện điều này còn là cả một quá trình dài.

Thế giới "ngóng" hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Ảnh: AFP

Triều Tiên nhiều năm nay đã bàn tới chuyện phi hạt nhân hóa nên vấn đề này không mới. Điều kiện phi hạt nhân hóa là Mỹ rút binh sĩ khỏi Hàn Quốc và chấm dứt liên minh an ninh “ô hạt nhân” với Hàn Quốc.

Trong khi đó, Mỹ đòi tháo dỡ hoàn toàn các cơ sở và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên theo hướng có thể xác minh và không thể đảo ngược quá trình càng sớm càng tốt.

Ông Adam Mount, một thành viên cấp cao Hiệp hội Nhà khoa học Mỹ, cho rằng khi các hội nghị thượng đỉnh liên Triều và Mỹ - Triều đang tới gần thì quan điểm phi hạt nhân hóa dường như thiên về hướng bất đồng hơn là thống nhất.

Phát biểu với quan chức Trung Quốc, ông Kim Jong-un cho biết: “Vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên có thể được giải quyết nếu Hàn Quốc và Mỹ đáp lại nỗ lực của chúng tôi bằng thiện chí, tạo không khí hòa bình và ổn định khi thực hiện các biện pháp tiến bộ, đồng bộ để hiện thực hóa hòa bình”.

Ông Kim Jong-un cũng như các lãnh đạo Triều Tiên trước đó đều cam kết chấm dứt chương trình hạt nhân thông qua đàm phán. Triều Tiên sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân nếu được đảm bảo về an ninh.

Về phần Mỹ, Phó giáo sư Vipin Narang thuộc Chương trình Nghiên cứu An ninh của Viện Công nghệ Massachusettes (Mỹ), nhận định rằng Mỹ có thể không đưa ra sự đảm bảo như vậy và Mỹ cũng không đủ độ tin cậy, nhất là khi xét đến quá trình Mỹ can thiệp vào Iraq hay Libya.

Đặc biệt là trong bối cảnh ông Trump vừa có Cố vấn an ninh quốc gia mới là ông John Bolton - một người quan điểm cứng rắn và mới đây nói rằng Tổng thống Trump nên sử dụng cuộc gặp với ông Kim Jong-un để nói rõ rằng mình không ngồi đây để lãng phí thời gian và hi vọng sẽ có phi hạt nhân hóa thực sự. Nếu ông Trump có chung quan điểm đó và ông Kim Jong-un không phi hạt nhân hóa vô điều kiện, thì hội nghị thượng đỉnh hiếm hoi giữa hai bên sẽ không đi tới đâu.

Các nhà phân tích cho rằng nếu cuộc gặp giữa ông Kim Jong-un và ông Donald Trump diễn ra, thì thỏa hiệp có thể xảy ra nhất là Triều Tiên đồng ý ngừng các vụ thử tên lửa, hạt nhân và có thể hạn chế phát triển vũ khí để đổi lại giảm trừng phạt, giảm hoặc "đóng băng" các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc.

2. Quyền lợi của Trung Quốc là gì?

Đối với Bắc Kinh, chuyến thăm ngày 27/3 của ông Kim Jong-un là cơ hội để Trung Quốc khẳng định lại vai trò là người chơi trung tâm trong bất kỳ cuộc tranh cãi nào liên quan tới Triều Tiên.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp tại Bắc Kinh ngày 27/3. Ảnh: THX/TTXVN

Chuyến thăm cũng là một lời nhắc quan trọng đối với ông Trump rằng lợi ích của Trung Quốc trong khu vực khó mà giống với lợi ích của Mỹ, đặc biệt là khi Washington và Bắc Kinh đang ở thế đối đầu trong một cuộc chiến thương mại chực chờ bùng nổ.

Cho dù mối quan hệ giữa Triều Tiên và Trung Quốc gần đây có rạn nứt nhưng hai nước vẫn là đồng minh lịch sử. Ông Adam Mount nhận định: “Bắc Kinh tái khẳng định bản thân và tìm cách định hình nghị trình cho các cuộc hội nghị thượng đỉnh sắp tới”.

Theo nhận định của Stratfor, Bắc Kinh có nhiều lý do để đảm bảo hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều không thất bại hoàn toàn. Với Trung Quốc, kịch bản tốt nhất với cuộc gặp Kim-Trump là dẫn tới phi hạt nhân hóa.

Trong ngắn hạn, phi hạt nhân hóa sẽ khiến cho Mỹ và Hàn Quốc không có lý do gì để triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc - điều mà Trung Quốc bấy lâu nay phản đối. Về lâu dài, một Bán đảo Triều Tiên không hạt nhân là điều tốt đẹp với Trung Quốc.

3. Ông Trump có bị tân Cố vấn an ninh quốc gia tác động?


Khi Tổng thống Trump chỉ định ông John Bolton làm Cố vấn an ninh quốc gia mới, một số người cảnh báo chính sách về Triều Tiên có thể thay đổi theo chiều hướng cứng rắn hơn.

Ông John Bolton. Ảnh: AFP

Ông Bolton là người từng đề xuất Mỹ tấn công phủ đầu Triều Tiên và không nhượng bộ trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.

Quan điểm của ông Bolton có thể ảnh hưởng tới chủ trương đàm phán của ông Trump. Theo các chuyên gia, với quan điểm ngoại giao không chính thống, hoàn toàn có khả năng ông Trump sẽ đồng ý rút quân Mỹ khỏi Hàn Quốc chẳng  hạn và đây chắc chắn là điều mà ông Bolton không bao giờ coi là một thỏa thuận tốt.

Nhà báo Gideon Rachman viết trên tờ Financial Times: Việc bổ nhiệm ông Bolton có thể tăng sức ép với chính quyền Triều Tiên. Việc này có thể cũng khiến Mỹ có quan điểm rất hoài nghi với bất kỳ nhượng bộ nào mà Triều Tiên đưa ra.

Mặt khác, ông Trump vốn muốn đạt được “thỏa thuận thế kỷ” với Triều Tiên để chứng minh năng lực tổng thống. Cho nên, có thể ông Trump sẽ không muốn bị ông Bolton cản đường trong vấn đề Triều Tiên.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Căng thẳng vụ điệp viên Skripal: Triển vọng khó cho quan hệ Nga và phương Tây
Căng thẳng vụ điệp viên Skripal: Triển vọng khó cho quan hệ Nga và phương Tây

Những căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và phương Tây hiện nay liên quan đến cựu điệp viên người Nga Sergei Skripal chưa đủ quy mô trở thành một cuộc “Chiến tranh Lạnh”, nhưng cũng đặt ra triển vọng khó khăn cho việc giải quyết quan hệ giữa hai bên trong thời gian tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN