Xét về mặt địa lý, Bắc cực dường như có tầm quan trọng hơn nhiều so với những giá trị kinh tế mà khu vực này mang lại. Vì vậy, theo học giả Jeffrey Mazo của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), tranh chấp nay không chỉ dừng ở nguồn tài nguyên dưới đáy biển ở Bắc cực.
Bắc cực đang trở thành mục tiêu nhiều nước hướng đến. |
Năm 2001, Nga đệ trình lên Liên hợp quốc bản tuyên bố chủ quyền đối với nguồn tài nguyên khoáng sản ở đáy biển và lòng đất dưới đáy biển ở một khu vực rộng 1,2 triệu km2 thuộc Bắc Băng Dương. Sau đó, năm 2007, nhà thám hiểm Bắc cực Artur Chilingarov đã cắm lá cờ Nga làm bằng titan xuống đáy biển, khiến cả khu vực này "dậy sóng".
Giờ đây, Canada lại có một cử chỉ mang nặng tính biểu tượng của riêng họ. Ngày 9/12 vừa qua, Ngoại trưởng Canada John Baird nói với các phóng viên rằng nước này sẽ hoãn việc tuyên bố chủ quyền đối với thềm lục địa mở rộng (ECS) ở Bắc Băng Dương để có thêm thời gian cho hoạt động nghiên cứu khoa học, từ đó "đưa ra tuyên bố chủ quyền đối với cả Bắc cực". Rõ ràng, Bắc cực đang trở thành mục tiêu mà các nước hướng đến như một phần của nỗ lực nâng cao vị thế quốc gia.
Ngoài Nga và Canada, các nước khác cũng có thể đưa ra tuyên bố chủ quyền ECS để chiếm cả Bắc cực. Theo kế hoạch, đến tháng 11/2014, Đan Mạch sẽ đệ trình tuyên bố chủ quyền của riêng họ. Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa Liên hợp quốc (CLCS) chỉ nhìn nhận vấn đề dưới góc độ khoa học, chứ không thể đứng ra làm trọng tài phân xử giữa các bên có liên quan. Như vậy, tranh chấp ở Bắc cực phải được chính các bên tuyên bố chủ quyền cùng nhau giải quyết.
Không thể phủ nhận một thực tế rằng nguy cơ xảy ra tranh chấp ở Bắc cực chỉ rất nhỏ nếu bỏ qua yếu tố biểu tượng. Vùng chồng lấn giữa tuyên bố chủ quyền ECS của Nga và Canada (theo kế hoạch) sẽ là 75.000 km2. Trong bối cảnh trữ lượng dầu khí và các nguồn tài nguyên khác chưa được kiểm chứng, thì nguy cơ bùng phát tranh chấp chủ quyền lại bắt nguồn từ niềm tự hào của mỗi quốc gia. Vì lý do này, các nước có thể sẽ lựa chọn cách tiếp cận quyết đoán và mạnh mẽ, phớt lờ nguy cơ xung đột trên thực tế. Họ sẽ tìm cách mở rộng tuyên bố chủ quyền và tránh bị mất mặt trên bàn đàm phán. Nhưng không phải mọi giải pháp đã đi vào ngõ cụt. Về lâu dài, các nước có tuyên bố chủ quyền đối với Bắc cực vẫn còn nhiều lựa chọn để nhượng bộ và thỏa hiệp. Các nước liên quan có thể thống nhất vẽ đường biên giới ở điểm giữa, cho phép Canada và Đan Mạch có một diện tích bằng với tuyên bố chủ quyền của Nga.
Khả năng Greenland độc lập hoàn toàn với Đan Mạch cũng sẽ tác động đáng kể tới triển vọng giải quyết tranh chấp ở Bắc cực. Điều này sẽ giúp Nga dễ dàng chấp nhận giải pháp đường trung tuyến hơn. Bên cạnh đó, quyết định của CLCS không phải không có ảnh hưởng. Nếu ủy ban này ra phán quyết phản đối những căn cứ về mặt khoa học của quốc gia có tuyên bố chủ quyền, thì cán cân sẽ thay đổi đáng kể. Không phải là vấn đề tài chính, tài nguyên hay an ninh, chắc chắn đó phải thuộc về phạm trù niềm tự hào dân tộc khi cuộc cạnh tranh ở Bắc cực bước vào cao trào.
Hiện không có nước nào có thể khẳng định "như đinh đóng cột" rằng Bắc cực là của họ. Có nhiều cách để các bên liên quan tìm kiếm giải pháp thỏa hiệp, từ đó giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, mọi khả năng đều có thể tan biến nếu cuộc cạnh tranh ảnh hưởng cũng như lợi ích ở Bắc cực lại chủ yếu bắt nguồn từ hình ảnh của mỗi quốc gia, chứ không đơn thuần chỉ là vấn đề tài nguyên thiên nhiên hay mục tiêu đảm bảo an ninh. Điều này giải thích tại sao một số nhà phân tích dự báo Bắc cực sẽ trở thành tâm điểm cạnh tranh giữa các cường quốc trong thời gian tới.
Lê Phương