Mười ngày sau khi xảy ra thảm kịch, dù tình hình đã tạm lắng, nhưng thiệt hại cả về vật chất và tinh thần là không thể đong đếm, trong khi ngọn lửa thù hận vẫn âm ỉ có thể bùng phát bất cứ lúc nào nếu không có giải pháp triệt để.
Đây không phải là lần đầu nước Pháp chứng kiến các vụ biểu tình đường phố. Năm 2005, sau cái chết của hai thiếu niên Zyed Benna và Bouna Traoré, trốn trong trạm biến áp do bị cảnh sát rượt đuổi, bạo loạn đã xảy ra và kéo dài 4 tuần nhưng chỉ giới hạn ở các vùng ngoại ô Paris. Năm 2018-2019, các vụ biểu tình “Áo vàng” làm tê liệt phần lớn đất nước và gần đây nhất, lực lượng cảnh sát và hiến binh Pháp cũng phải căng mình ứng phó với bạo lực liên quan đến cải cách hưu trí. Tuy nhiên, lần này, biểu tình đã nhanh chóng dẫn đến bạo loạn, bùng phát ở mức nguy hiểm hơn, rộng hơn và mạnh hơn rất nhiều, buộc cảnh sát và hiến binh phải sử dụng nhiều lựu đạn hơi cay, đạn mềm, vòi rồng và cả xe bọc thép chống bạo động. Khoảng 1/3 trong số gần 3.000 người bị bắt giữ là thanh thiếu niên ở lứa tuổi 16-17.
Cho đến nay, thiệt hại gây ra từ những cuộc bạo loạn ở các thành phố của Pháp đã bắt đầu được tính toán. Theo thống kê của Bộ Nội vụ, khoảng 5.900 phương tiện đã bị đốt, hơn 1.100 tòa nhà, công cộng và tư nhân, đã bị cháy hoặc phá hoại, trong đó có gần 250 trường học, 150 bưu điện, 370 chi nhánh ngân hàng, chưa kể các trung tâm văn hóa, thể thao, thư viện, nhà cộng đồng... Bộ Nội vụ cũng đã ghi nhận có ít nhất 270 vụ tấn công vào các đồn cảnh sát, lữ đoàn hiến binh, trong đó riêng ở vùng Ile-de-France, có đến 36 đồn cảnh sát và 18 tòa thị chính bị đốt phá. Theo tuyên bố của Hiệp hội các thị trưởng Pháp, bạo lực đã nhắm cả vào "các biểu tượng của nền Cộng hòa như tòa thị chính, trường học, thư viện, đồn cảnh sát".
Các cuộc bạo loạn đã làm nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề. Theo thống kê ban đầu của Bộ Kinh tế và Tài chính Pháp, ít nhất 1.000 doanh nghiệp chịu thiệt hại trong đó có đến gần 440 cửa hàng thuốc lá, hơn 200 siêu thị, 60 cửa hàng đồ thể thao, 10 trung tâm thương mại. Ước tính thiệt hại ban đầu do các cuộc bạo loạn gây ra đã lên đến hơn 1 tỷ euro (1,08 tỷ USD), chưa kể thiệt hại đối với ngành du lịch khi hàng loạt khách hàng hủy dịch vụ. Bạo loạn cũng làm hình ảnh nước Pháp xấu đi trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Những thiệt hại kinh tế này đang trở thành áp lực đè nặng lên các cơ quan chức năng. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công bố trước thị trưởng các thành phố bị ảnh hưởng về việc sẽ sớm thông qua dự thảo "Luật khẩn cấp" nhằm đẩy nhanh quá trình tái thiết sau khi các tòa nhà, vật dụng trên đường phố và phương tiện giao thông bị phá hủy. Trong cuộc gặp ngày 4/7 với hơn 250 thị trưởng, Tổng thống Macron cũng đã hứa sẽ hỗ trợ tài chính để sửa chữa các công trình bị hư hại liên quan đến “đường sá, cơ sở dịch vụ công, trường học”. Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Bruno Le Maire để ngỏ khả năng hủy bỏ các khoản đóng góp xã hội hoặc thuế cho các công ty bị ảnh hưởng bởi các cuộc bạo loạn vừa qua. Nhà nước cũng dự kiến dựa vào các công ty bảo hiểm để chia sẻ hóa đơn đền bù.
Theo Florence Lustman, Chủ tịch Hiệp hội bảo hiểm France Assureurs, đã có 5.800 yêu cầu bồi thường do các cá nhân hoặc doanh nghiệp gửi đến các hãng bảo hiểm. Tới nay các công ty bảo hiểm đã chi ít nhất 280 triệu euro (303,7 triệu USD) tiền đền bù, trong khi một số lượng lớn các yêu cầu vẫn đang được gửi đến hoặc đang trong quá trình xem xét. Con số sơ bộ này rõ ràng lớn hơn nhiều so với 204 triệu euro (221 triệu USD) đền bù thiệt hại sau vài tuần bạo loạn năm 2005 và 249 triệu euro đền bù cho nạn nhân các cuộc biểu tình của phe "Áo vàng" trong các năm 2018-2019.
Thiệt hại về kinh tế là thứ có thể đo đếm, nhưng vụ bạo loạn vừa qua cho thấy những rạn nứt xã hội Pháp đã ở mức đáng báo động và hệ quả của nó là khó lường.
Đối với người dân Pháp, biểu tình là cách họ thể hiện thái độ đối với một sự việc, hiện tượng xã hội hay một chính sách của chính phủ. Biểu tình ủng hộ có, biểu tình phản đối cũng có. Đa số là những cuộc biểu tình ôn hòa, nhưng cũng không ít các cuộc biểu tình dẫn đến bạo động và đụng độ với cảnh sát. Thậm chí, kinh tế càng khó khăn, rạn nứt xã hội càng lớn, người dân Pháp càng ra đường biểu tình nhiều hơn, như phong trào “Áo vàng” hay các cuộc xuống đường liên quan đến cải cách hưu trí.
Theo giới quan sát, nguồn gốc sâu xa của các vấn đề xã hội này chính là tình trạng nhập cư khó kiểm soát. Pháp là một trong những quốc gia châu Âu có lượng người nhập cư lớn nhất. Câu chuyện của Nahel M. phản ánh sự phẫn nộ của những người trẻ thuộc cộng đồng nhập cư có thu nhập thấp, sinh sống trong những khu nhà ở xã hội (HLM) ở các vùng ngoại ô Pháp. Họ luôn phải đối diện với nghèo đói, thất nghiệp, ít có cơ hội phát triển. Bên cạnh phần lớn những người luôn cố gắng vươn lên, thì vẫn còn một bộ phận không nhỏ những người nhập cư thiếu nỗ lực trong việc hội nhập cộng đồng nước sở tại, không có ý chí phấn đấu, sống trong nghèo đói, bất hợp pháp và hận thù xã hội. Điều này khiến cho khoảng cách giàu nghèo và phân hóa xã hội ngày càng rõ nét.
Một số ý kiến khác cho rằng, những gì đang diễn ra ở Pháp phản ánh những vấn đề rộng lớn hơn trong chính sách, quan hệ chủng tộc và xã hội. Cơ quan giám sát nhân quyền của Liên hợp quốc cảnh báo rằng vụ việc này là lời cảnh tỉnh, đòi hỏi Chính phủ Pháp giải quyết nghiêm túc các vấn đề sâu xa về phân biệt chủng tộc, đặc biệt là phân biệt chủng tộc trong thực thi pháp luật.
Bạo loạn không chỉ vẽ lên một bức tranh về phân hóa xã hội Pháp mà còn phản ánh những rạn nứt sâu sắc về mặt chính trị giữa các đảng phái đối lập. Thậm chí, một số đảng phái chính trị muốn lợi dụng tình hình bất ổn, hỗn loạn để chỉ trích phe cầm quyền và hạ uy tín của chính phủ. Jean-Luc Mélenchon - lãnh đạo đảng La France Insoumise (Nước Pháp bất khuất - LFI), đã lên tiếng yêu cầu "trừng phạt viên cảnh sát giết người và đồng phạm đã ra lệnh nổ súng", đồng thời kêu gọi thành lập một ủy ban để điều tra về vụ việc. Tuyên bố này chẳng khác gì đổ thêm dầu vào lửa. Chủ tịch đảng Rassemblement national (Tập hợp quốc gia), Jordan Bardella, gọi lãnh đạo LFI Jean-Luc Mélenchon là "mối nguy hiểm cho công chúng" và tố cáo "những lời kêu gọi nổi dậy" để đạt được lợi ích trong bầu cử.
Bên cạnh đó, mạng xã hội cũng là một nguyên nhân sâu xa khiến bạo lực leo thang. Tổng thống Macron đã mô tả việc cảnh sát bắn chết thanh niên 17 tuổi là "không thể bào chữa", song ông cũng chỉ trích các nền tảng mạng xã hội, trong đó chỉ đích danh TikTok và Snapchat đã không có hành động gì khi các nhóm bạo loạn kết nối trên các nền tảng này. Tổng thống Pháp cho rằng, khoảng một phần ba những người biểu tình bị bắt đều rất trẻ, ở độ tuổi trung bình 16-17, và Internet đang ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em và thanh thiếu niên. Ông nhấn mạnh: “Nền tảng mạng xã hội và trò chơi điện tử trở thành tác nhân quan trọng dẫn đến bạo lực trong những ngày qua. Snapchat, TikTok và một số ứng dụng khác đã trở thành nơi tổ chức tụ tập và đưa ra các hình thức bạo lực khiến các thanh niên lạc lối bắt chước. Họ xuống đường cũng là để diễn lại trò chơi điện tử khiến họ say mê”,
Chính phủ Pháp đã yêu cầu các nhà quản lý các nền tảng xã hội phối hợp để xác định những người kêu gọi, kích động bạo loạn trên mạng xã hội, xóa "nội dung nhạy cảm" và kiểm tra chặt chẽ hơn các nội dung được xuất bản. Đại diện Snapchat thông báo đã tích cực hành động kể từ ngày 27/6 để dỡ bỏ các nội dung liên quan. Về phần mình, Twitter cũng đã chặn các tài khoản người dùng ở Pháp có đăng hình ảnh và video về các cuộc bạo loạn.
Tổng thống Macron cũng nêu ra tình trạng "hội chứng đám đông", khiến một số thanh thiếu niên, còn non trẻ về suy nghĩ, thiếu kinh nghiệm thực tế, nhưng lại thích hành động bạo lực giống như những trò chơi điện tử mà họ chìm đắm trên Internet. Ông cho rằng việc quản lý con cái thuộc về các bậc phụ huynh và kêu gọi cha mẹ thể hiện trách nhiệm xã hội bằng cách nỗ lực khuyên bảo và giám sát con cái ở nhà.
Bài học rút ra từ những cuộc bạo loạn này, theo giới phân tích, không chỉ có tác dụng đối với nước Pháp mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh đối với các quốc gia khác, đòi hỏi phải chú trọng hơn trong nỗ lực hàn gắn những rạn nứt xã hội, hạn chế tình trạng phân biệt chủng tộc, kiểm soát tốt hơn làn sóng nhập cư, quản lý chặt hơn mạng xã hội cũng như tăng cường vai trò gia đình trong việc giám sát con trẻ.