Theo tờ WSJ, bất kỳ ai dành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới cũng không làm thay đổi thực tế đang nổi lên rõ ràng: Mỹ tìm cách dồn ép Trung Quốc tới cùng trong quan hệ song phương và chính quyền mới gần như chắc chắn sẽ tiếp tục đường lối cứng rắn trước Bắc Kinh.
Trong gần 4 năm cầm quyền, Tổng thống Donald Trump đã rũ bỏ chính sách về cơ bản hướng đến thúc đẩy hợp tác Mỹ-Trung từng tồn tại trong nhiều thập kỉ. Coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh với sức mạnh ngày một lớn, tiếp đó chính quyền Trump đã thực thi trừng phạt thuế, hạn chế đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ, gây sức ép buộc đồng minh từ bỏ công nghệ của Trung Quốc.
Giới cố vấn cho ứng cử viên Joe Biden cho biết họ chia sẻ cách tiếp cận của ông Trump coi Trung Quốc là đối thủ. Điều này phần nào cho thấy, dù ông Biden có lên nắm quyền tại Nhà Trắng vào tháng 1/2021, rạn nứt trong quan hệ Mỹ-Trung vẫn sẽ ở mức cao. Nó sẽ gây ra những tác động lớn đối với chuỗi cung và hệ thống công nghệ trong một thế giới dường như được chia làm hai mạng lưới, thúc ép các nước phải chọn phe trước Mỹ hay Trung Quốc.
“Tôi nghĩ là có đồng thuận rộng rãi trong nội bộ đảng Dân chủ về việc ông Trump cơ bản đã định danh chính xác cách hành xử của Trung Quốc” - Kurt Campell, cựu Trợ lý Ngoại trưởng dưới thời Barack Obama, kiến trúc sư trưởng của chiến lược “Tái cân bằng” tại châu Á-Thái Bình Dương và hiện là cố vấn cấp cao cho chiến dịch tranh cử của Joe Biden nói.
Giới phụ tá của ứng cử viên đảng Dân chủ cũng cho biết Mỹ sẽ mở rộng chiến dịch dựa vào hỗ trợ của nhà nước để tăng sức cạnh tranh trong các lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, máy tính lượng tử và mạng 5G. Chính sách này nhằm mục tiêu hạn chế, kiểm soát sức mạnh kinh tế và ảnh hưởng của Trung Quốc, giảm phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc.
Đòn trừng phạt thuế của ông Trump có thể cũng vẫn sẽ được Mỹ duy trì dưới thời Tổng thống Joe Biden. Ông Biden lên tiếng chỉ trích việc ông Trump phát động chiến tranh thương mại là hành động tự bắn vào chân mình. Nhưng chiến dịch tranh cử của ông không hề có cam kết xóa bỏ thuế. Giới nghị sĩ Dân chủ tại Quốc hội nói rằng họ sẽ gây sức ép để ông Joe Biden duy trì một số hình thức trừng phạt thuế nhằm bảo vệ việc làm cho người lao động Mỹ.
Không khác nhau nhiều trong cách đánh giá về Trung Quốc, nhưng hai ứng cử viên tranh cử đang phát đi những tín hiệu cho thấy sự khác biệt về chiến thuật và thông điệp. Giới cố vấn của ông Joe Biden phủ nhận những tuyên bố phi thực tế của một số người ủng hộ ông Trump về kích hoạt một cuộc Chiến tranh Lạnh mới Mỹ-Trung.
Những cố vấn này cho rằng có sự ràng buộc giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, thể hiện qua 500 tỉ USD giá trị trao đổi hàng hóa hai chiều năm 2019 bất chấp chiến tranh thương mại bùng nổ, hay việc Apple hiện phụ thuộc lớn vào các nhà cung ứng Trung Quốc đối với sản phẩm iPhone. Theo ông Campell, chiến lược đàm phán rồi lại thỏa hiệp với Trung Quốc của ông Trump chỉ tạo ra một mớ “lộn xộn”.
Về phần mình, đội tranh cử của Donald Trump cáo buộc Joe Biden là người đại diện cho thế lực lâu nay luôn khích lệ sự vươn lên của Trung Quốc, nổi bật là việc số này cổ súy cho hệ thống tự do thương mại toàn cầu vốn là nguyên nhân dẫn xóa sổ việc làm trong nhiều ngành chế tạo ở Mỹ.
Ông Donald Trump là người không sợ hãi trong việc dọn dẹp những đống đổ nát do những chính trị gia như ông Joe Biden tạo ra”, Hạ nghị sĩ Cộng hòa Jack Bergman nêu quan điểm và khẳng định ông Biden sẽ không thể dứt khỏi lối tư duy xưa cũ.
Bản thân ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ chỉ trích mạnh lối hành xử của ông Trump trước đồng minh và đối tác. Ông Biden khẳng định, nếu thắng cử, nước Mỹ dưới quyền ông sẽ hợp tác chặt chẽ với đồng minh, nhằm thiết lập một chiến dịch điều phối toàn cầu để gây sức ép với Bắc Kinh. Chiến lược này sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc cùng lúc phát động chiến tranh thương mại với cả châu Âu, Canada, Mexico, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Khác biệt trong phương thức hành động của hai ứng cử viên phản ánh tính đối lập về triết lý lãnh đạo. Joe Biden dành phần lớn 40 năm hoạt động chính trị cho việc hợp tác với các nhà lãnh đạo thế giới nhằm tạo dựng một trật tự toàn cầu hiện đại đặt dưới sự chi phối của Mỹ.
Ngược lại, ông Trump bước vào chính trường theo lối tay ngang, với đường hướng nổi bật là chống lại trật tự đó. Chính ông là người từng nghi ngờ về giá trị của quan hệ quân sự, thương mại giữa Mỹ với hai đồng minh chủ chốt là Nhật Bản và Hàn Quốc.
Hơn bốn thập kỉ qua, các đời Tổng thống Mỹ của cả hai đảng Dân chủ, Cộng hòa cùng với giới lãnh đạo các tập đoàn xuyên quốc gia tìm cách khuyến khích Trung Quốc hội nhập với Mỹ và thế giới. Họ cho rằng điều này có lợi cho Mỹ và cũng sẽ đưa đến bước mở cửa lớn hơn của Bắc Kinh theo hướng tuân thủ luật lệ toàn cầu.
Nhưng giờ đây lại xuất hiện đồng thuận mới ở Washington: Không còn ai nhìn nhận Trung Quốc đang theo con đường hội nhập với hệ thống kinh tế, chính trị phương Tây. Căng thẳng, sự đối địch Mỹ-Trung không chỉ thể hiện trong thương mại, mà còn trong nhiều vấn đề khác...
“Bất kể ai là người chiến thắng sau kỳ bầu cử tới, chính sách của Mỹ với Trung Quốc trong 5 năm tới sẽ cứng rắn hơn so với 5 năm vừa qua. Trung Quốc đã thay đổi và cách suy nghĩ của Mỹ về Trung Quốc cũng đã đổi thay”, Richard Haass, cựu quan chức Ngoại giao dưới thời chính quyền George W. Bush và hiện là Chủ tịch tổ chức Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR) có trụ sở ở New York nhận định.