Đó là ngày Thứ Ba quan trọng thứ hai trong tiến trình chính trị ở Mỹ, chỉ sau cuộc tổng tuyển cử (được quy định diễn ra vào ngày Thứ 3 sau ngày Thứ Hai đầu tiên của tháng 11 trong năm bầu cử). Chúng ta đang nói đến ngày Siêu Thứ Ba, ngày 3/3 của năm bầu cử 2020, ngày mà 14 tiểu bang và vùng lãnh thổ Samoa, cùng cử tri ở nước ngoài, sẽ tiến hành bầu cử sơ bộ để bầu chọn đại biểu đại diện cho các ứng cử viên tại Đại hội đảng toàn quốc.
Cuộc bầu cử sơ bộ năm 2020 cũng là lần đầu tiên người dân California sẽ bỏ phiếu trong ngày Siêu Thứ Ba, đồng nghĩa hai bang đông dân nhất nước Mỹ - Texas và California - sẽ tham gia sự kiện này. Như vậy, ngày bầu cử "Siêu Thứ Ba" sẽ quyết định tới 1.357 đại biểu, chiếm 34% tổng số đại biểu tham gia Đại hội đảng toàn quốc của đảng Dân chủ.
So với 4 bang đầu tiên đã tổ chức bầu cử sơ bộ (gồm Iowa, New Hampshire, Nevada và South Carolina) với tổng số chỉ 155 đại biểu (chiếm chưa đầy 5%), bạn có thể thấy tại sao Siêu Thứ Ba lại thực sự sống còn với các ứng cử viên.
Mặc dù Siêu Thứ Ba ngày nay đã trở thành một truyền thống chính trị, nhưng trong lịch sử thì không phải luôn như vậy. Vậy từ khi nào nó trở thành ngày có ảnh hưởng lớn trong nền chính trị Mỹ và điều gì khiến Siêu Thứ Ba trở nên quá “siêu” quan trọng?
Lịch sử Siêu thứ Ba
Ngày Siêu Thứ Ba đầu tiên là vào năm 1988, khi 20 bang, hầu hết ở miền Nam, tổ chức bầu cử sơ bộ vào ngày 8/3. Cho rằng miền Nam đã trở nên kém ảnh hưởng trong các cuộc bầu cử quốc gia, thông qua Siêu Thứ Ba, các thống đốc đảng Dân chủ ở miền Nam cùng với Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ muốn tái khẳng định tầm quan trọng của miền Nam trong lựa chọn ứng cử viên đại diện đảng.
“Bằng cách tạo ra một liên minh các bang miền Nam, những bang này hy vọng sẽ tăng quyền lực lựa chọn ứng cử viên so với phần còn lại của đất nước”, ông Christopher Beem, Giáo sư, giám đốc điều hành tại Viện Dân chủ McCourtney tại trường Đại học Penn State (Mỹ) giải thích. “Thông qua tăng cường ảnh hưởng và gây ảnh hưởng sớm lên tiến trình bầu cử, các nhà tổ chức hy vọng sẽ tăng khả năng đảng Dân chủ lựa chọn một ứng viên trung dung hơn”.
Nhưng do chiến lược này không hiệu quả vào năm 1988, nhiều bang miền Nam đã từ bỏ bầu cử sơ bộ Siêu Thứ Ba, trong khi một số bang khác lại tham gia và duy trì truyền thống này đến ngày nay. Sự kiện Siêu Thứ Ba lớn nhất là vào năm 2008, khi một nửa tổng số đại biểu Dân chủ được quyết định qua cuộc bầu cử sơ bộ tại 24 bang. Cùng năm 2008, bên đảng Cộng hòa có 21 bang tham gia Siêu thứ Ba.
Chiến lược tranh cử ngày Siêu Thứ Ba
“Động cơ để bất cứ bang nào tham gia Siêu Thứ Ba đều giống nhau: có thêm ảnh hưởng trong quá trình bầu cử bằng cách khởi động sớm”, Giáo sư Beem giải thích. “Nhiều bang cũng ghen tị với số tiền mà Iowa và New Hampshire thu được khi sớm thu hút nhiều sự chú ý của truyền thông và chính trị, và bằng việc tham gia Siêu Thứ Ba, các bang muốn tăng triển vọng bang của họ sẽ trở nên quan trọng hơn trong tiến trình lựa chọn ứng cử viên, và nhờ thế có thể có thêm một số nguồn thu. Sớm hay muộn, tới cuối tháng 4 đầu tháng 5, bầu cử sơ bộ sẽ trở thành một tour du lịch ‘đăng quang’, và thời điểm đó sẽ không còn nhiều lợi ích truyền thông hay đảng phái”.
Truyền thống và pháp lý chỉ ra rằng, Iowa và New Hampshire là những bang đầu tiên bỏ phiếu trong bầu cử sơ bộ. Năm 2008, đảng Dân chủ bổ sung thêm Nevada và South Carolina lên sớm, với hy vọng đa dạng hóa cử tri. Các bang và vùng lãnh thổ còn lại có thể lựa chọn thời điểm bầu cử sơ bộ, miễn là ngày rơi vào khung thời gian do đảng quy định, thay đổi theo năm bầu cử. Mùa bầu cử năm nay, khung thời gian này kéo dài đến tuần thứ hai của tháng Sáu.
Nhưng tới Siêu Thứ Ba thì mọi thứ trong chiến dịch vận động đã thay đổi. Ban đầu, các ứng cử viên dành nhiều thời gian ở 4 bang đầu tiên, gặp gỡ cử tri nói về đủ mọi vấn đề mà họ quan tâm. Đó được gọi là chính trị “bán lẻ” – chạm đến các vấn đề quan trọng của địa phương, hơn là những vấn đề có thể giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử. Phong cách vận động này chỉ có thể có ở bốn tiểu bang đầu tiên. Nó chấm dứt vào Siêu Thứ Ba bởi đơn giản là có quá nhiều tiểu bang tham gia. Vì vậy, chiến lược thay đổi từ chính trị “bán lẻ” sang tìm kiếm đại biểu. Điều này thường khiến cử tri tại những bang bầu cử sơ bộ sau ngày Siêu Thứ Ba cảm thấy bị tước bớt quyền lực bởi Siêu Thứ Ba có khả năng xác định sớm gương mặt đại diện đảng trong cuộc đua.
Siêu thứ Ba năm 2020
Bầu cử sơ bộ Mỹ dựa trên số phiếu của các đại biểu để quyết định người giành đề cử của đảng. Các cử tri bỏ phiếu bầu phổ thông, song không trực tiếp chọn ứng cử viên tổng thống mà là chọn những đại biểu cam kết ủng hộ ứng cử viên tổng thống. Mỗi bang được phân bổ một số lượng đại biểu nhất định dựa trên một công thức về dân số và ảnh hưởng trong đảng. Năm nay, để được bầu làm ứng cử viên tổng thống đại diện cho Đảng Dân chủ, một ứng cử viên phải giành được tối thiểu 1.991 phiếu đại biểu trong cuộc bỏ phiếu lần 1 tại Đại hội đảng toàn quốc. Bên phía đảng Cộng hòa, ứng viên đạt tối thiểu 1.277 phiếu đại biểu sẽ giành đề cử.
Trong ngày Siêu Thứ Ba 3/3 tới, 14 bang trải rộng khắp nước Mỹ, gồm Alabama, Arkansas, California, Colorado, Maine, Massachusetts, Minnesota, North Carolina, Oklahoma, Tennessee, Texas, Utah, Vermont, Virginia sẽ tiến hành bầu cử sơ bộ theo hình thức bỏ phiếu kín và vùng lãnh thổ American Samoa sẽ tiến hành theo hình thức họp kín (caucus).
Với hơn 1/3 số đại biểu được quyết định chỉ trong một ngày duy nhất, ngày Siêu Thứ Ba năm nay có thể đóng vai trò quyết định ứng cử viên giành đề cử. Tất nhiên, đường đua của đảng Dân chủ năm 2020 quá nhiều ứng viên, với 5 hoặc 6 ứng cử viên tiềm năng, vì vậy đó sẽ là một cuộc đua khó khăn. “Sự gia nhập của California vào Siêu thứ Ba sẽ có ảnh hưởng lớn”, Giáo sư Beem nhận xét. “Một bang quá lớn với quá nhiều đại biểu, sẽ thu hút hầu hết sự chú ý và tiền bạc”.
Với nhiều đại biểu đã được quyết định trong ngày Siêu Thứ Ba 2020, các cuộc bầu cử sơ bộ còn lại có thể sẽ kém phần quan trọng hơn. Điều này đặc biệt đúng nếu một ứng viên nổi lên rõ ràng và thu hút gần như đủ số đại biểu để giành đề cử của đảng. Trái lại, nó có thể báo hiệu sự kết thúc chiến dịch với những ứng cử viên không làm tốt trong một cuộc bầu cử sơ bộ đảng Dân chủ đông đúc. Một ứng viên có màn trình diễn kém vào Siêu Thứ Ba có thể cảm thấy áp lực phải từ bỏ đường đua.
Kết thúc tháng 2, Thượng nghị sĩ (TNS) Bernie Sanders đang dẫn đầu cuộc đua bên đảng Dân chủ với 58 phiếu đại biểu, tiếp theo là cựu Phó Tổng thống Joe Biden với 50 phiếu đại biểu, TNS Elizabeth Warren 8 phiếu và TNS Amy Klobuchar với 7 phiếu. cựu Thị trưởng Pete Buttigieg giành được 25 phiếu đại biểu, song ngày 1/3 đã tuyên bố chấm dứt chiến dịch tranh cử. Bên phía đảng Cộng hòa, Tổng thống Donald Trump dẫn trước hoàn toàn cách biệt với 86 phiếu, bỏ xa người đứng kế tiếp là Bill Weld với 1 phiếu.
Những gì xảy ra vào ngày Siêu thứ Ba sẽ giải đáp những câu hỏi lớn xung quanh cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ, cuộc đua quyết định gương mặt sẽ tranh cử với đương kim Tổng thống Donald Trump.