Dưới tác động suy thoái kinh tế trầm trọng cùng với làn sóng biểu tình chống bạo lực cảnh sát, gần như tất cả các cuộc thăm dò dư luận mới đây đều đi tới kết luận ông Trump sẽ là người thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.
Thăm dò do RealClearPolitics tiến hành cho thấy ông Joe Biden dẫn trước đương kim Tổng thổng Donald Trump trung bình 9,5 điểm. Khảo sát tương tự của FiveThirtyEight cho thấy ông cựu Phó Tổng thống Mỹ vượt trước ông Trump 9,2 điểm tại các bang chiến địa. Ngày 10/6, điều tra của Gallup cho biết tỉ lệ tín nhiệm dành cho đương kim Tổng thống Mỹ đã giảm 10 điểm, xuống chỉ còn 39%.
Bất chấp những số liệu không mấy tích cực, ông Trump vẫn nuôi hy vọng tái đắc cử dựa trên lời khẳng định ông là người đã xử lý đại dịch COVID-19 tốt và rằng cử tri ngầm ưa thích cách tiếp cận “trật tự và luật lệ” của ông trước làn sóng đòi biểu tình vì công lý sắc tộc. Tại buổi vận động tranh cử ở Tulsa, Oklahoma mới đây, ông Trump tuyên bố “số đông im lặng đang mạnh hơn bao giờ hết”.
Vậy nhưng cũng có ít bằng chứng cho thấy cách thức mà ông Trump đối phó với COVID-19 và phong trào biểu tình phản kháng nhận được sự ủng hộ của số đông. Thăm dò do Đại học Quinnipiac tiến hành ngày 18//6 cho thấy cử tri thích lựa chọn ông Biden hơn là ông Trump khi đối diện với COVID-19 (54%-41%), xử lý khủng hoảng (54%-43%) và xử lý quan hệ sắc tộc (58%-36%”).
Thay đổi tỉ lệ này trước ngày bầu cử là nhiệm vụ khó khăn. Dù trong cuộc đua năm 2016, ông Trump đã vượt qua một loạt các cuộc khủng hoảng để cuối cùng giành chiến thắng, lịch sử cho thấy tổng thống đương nhiệm đều chật vật trong cải thiện mức ủng hộ của cử tri trong 6 tháng trước ngày bầu cử. Điều tra của CNN cho thấy, kể từ năm 1944 đến nay, tỉ lệ ủng hộ của cử tri đối với tổng thống đương nhiệm chỉ có thể tăng trung bình 3% trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 11.
Vậy có phải ông Trump gần như chắc chắn bại trận? Không hẳn vậy. Nhưng để giành thêm một nhiệm kỳ nữa sẽ cần đến một bước phục hồi ngang bằng với chiến thắng của Harry Truman năm 1948, khi vị tổng thống thứ 33 của nước Mỹ gia tăng được 20 điểm về tỉ lệ ủng hộ của cử tri chỉ trong vòng vài tháng trước kỳ bầu cử, tạo cho ông có được một chiến thắng sít sao nhất trong lịch sử nước Mỹ trước ứng cử viên đảng Cộng hòa Thomas E. Dewey.
Qua các cuộc phỏng vấn những nhà vận hành chiến lược tranh cử gạo cội của ông Trump, giới chiến lược của cả hai đảng cộng hòa và các nhà dự báo kinh tế độc lập đều đưa đến một đáp án chung: Nếu cuộc bầu cử được tiến hành vào thời điểm này, ông Trump sẽ gặp thách thức rất lớn. Nhưng họ cũng chỉ ra ba kịch bản để ông Trump có thể hồi phục và giành thêm một nhiệm kỳ nữa.
Ông Trump thường khôi phục lại được vị thế sau khủng hoảng
Tỉ lệ ủng hộ đối với đương kim tổng thống Mỹ thường có xu hướng phục hồi một khi đỉnh điểm khủng hoảng qua đi. Đơn cử, tháng 8/2017, sau khi ông Trump thể hiện sư ủng hộ trước các cuộc tuần hành của nhóm da trắng thượng đẳng ở Charlottesville, bang Virginia và tìm cách loại bỏ Đạo luật Obamacare, mức tín nhiệm dành cho ông rơi xuống ngưỡng 35%. Nhưng tỉ lệ này ngay sau đó lại phục hồi.
“Chúng ta đang gặp ba sự kiện lớn trong vòng ba tháng qua: Đại dịch COVID-19, suy thoái kinh tế và các cuộc biểu tình sắc tộc ở cấp độ chưa từng có tiền lệ trong nhiều thập kỉ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tỉ lệ ủng hộ của cử tri đối với bất kỳ tổng thống đương nhiệm nào. Trừ khi xuất hiện thêm biến cố với tầm mức tương tự, mọi người cuối cùng sẽ lại quay về với câu hỏi: ‘Mình muốn bỏ phiếu cho ông Trump hay ông Biden’? Đó chính là điều mà những nhà vận hành chiến dịch tranh cử của ông Trump mong đợi” - John Brabender, một chuyên gia tư vấn của phe Cộng hòa bình luận.
Theo Brabender, trong quá khứ, tỉ lệ ủng hộ dành cho ông Trump luôn phục hồi bởi mỗi tháng qua đi dường như đều kèm thông tin tốt lành về kinh tế. Đó là diễn biến bình thường, bởi cử tri dễ quên đi những bất ổn nếu họ nhận thấy phía trước là các thành quả tích cử và cảm nhận rằng nước Mỹ “đang đi đúng hướng”.
Kinh tế Mỹ có thể phục hồi nhanh chóng
Đây chính là kịch bản thứ hai, viễn cảnh giới phân tích cho rằng sẽ giúp ông Trump lật ngược thế cờ: Một sự hồi phục kinh tế mạnh mẽ. Xuất hiện một số điểm sáng bất ngờ về kinh tế Mỹ trong vài ngày gần đây: Văn phòng Thống kê Lao động thuộc Bộ Lao động Mỹ công bố số liệu cho thấy đã có 2,5 triệu việc làm phi nông nghiệp được tạo mới trong tháng 5, cùng lúc doanh số bán lẻ tăng 18% khi nhiều bang nới lòng phong tỏa, cho phép các cửa hiệu, nhà hàng mở cửa trở lại.
Có thể sẽ có thêm nhiều thông tin tích cực nữa. Theo Jim Bianco, người sáng lập kiêm Chủ tịch hãng tư vấn Bianco Research, nếu cho rằng tỉ lệ ủng hộ đối với ông Trump giảm sút vì cử tri bất bình với thực trạng kinh tế, sẽ đến lúc xuất hiện tin tốt lành đối với ông bởi kinh tế Mỹ dường như đang phục hồi. “Rất có thể đỉnh suy thoái đã qua đi. Điều này không hẳn là kinh tế Mỹ sớm tiến đến trạng thái hồi tháng 2. Nhưng theo thời gian, ông Trump có thể chứng minh rằng nền kinh tế đang hồi phục” – ông Bianco bình luận.
Một cú bứt phá về kinh tế cũng sẽ giúp ông Trump củng cố chút lợi thế trước đối thủ Joe Biden. Ngay cả trong thời điểm khủng hoảng nặng nề nhất kể từ sau Đại Suy thoái, các cuộc thăm dò đều cho thấy xu hướng cử tri Mỹ vẫn đánh giá tích cực về năng lực điều hành kinh tế của ông Trump. Khảo sát hôm 18/6 của Đại học Quinnipiac cho thấy cử tri Mỹ đánh giá ông Trump cao hơn ông Biden về điều hành kinh tế, với tỉ lệ 51% so với 48%.
Biến số đến từ ông Joe Biden
Các chuyên gia chính trị của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đều cho rằng, lực đẩy tốt nhất màn ngược dòng của ông Trump sẽ phải gắn với đòn tấn công đối thủ liên tục, hiệu quả mà đội tranh cử của ông từng thực hiện 4 năm trước với bà Hilary Clinton. Cho đến thời điểm này, ông Trump vẫn chưa thể làm được điều đó trước ông Joe Biden và vì thế “câu hỏi lớn nhất từ thời điểm hiện nay sẽ là những biến số đối với ông Biden sẽ chuyển động ra sao?’, ông Brabender bình luận.
Đa phần cử tri Mỹ hiện nay đều có quan điểm mạnh mẽ, kiên định về tổng thống đương nhiệm Donald Trump - tích cực hay tiêu cực đều rõ ràng. Nhưng đặc điểm này chưa đúng với trường hợp của Joe Biden, dù ông có sự nghiệp chính trị bề dày. Yêu cầu cấp thiết đối với đội tranh cử của đảng Dân chủ là phải tạo dựng dấu ấn riêng cho ông Biden trước khi ông Trump phản công và đó là cơ hội cho tổng thống đương nhiệm.
Trong buổi vận động tranh cử ở Tulsa, ông Trump liên tục tấn công đối thủ, gọi ông Biden là người thiên tả “vô dụng”, người cho phép thành phần bạo loạn, trộm cắp, tội phạm có nhiều quyền hơn công dân tuân thủ luật pháp.
Nhiều người thuộc đảng Cộng hòa tin rằng, ông Trump có thể sẽ tiếp tục khai thác những khía cạnh khác liên quan đến tuổi tác, độ minh mẫn của Joe Biden, đồng thời reo rắc những hoài nghi trong số cử tri thanh niên, cử tri tự do như ông từng làm với bà Clinton trước đây.
Để đạt được mục tiêu này, nhóm vận động tranh cử của ông Trump đã hối thúc tăng thêm các cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên trong mùa thu tới, với hy vọng ông Biden sẽ mắc những sai lầm hớ hênh trong màn đối đáp với ông Trump.
Nhưng để có được ưu thế, ông Trump và đội ngũ vận hành tranh cử sẽ phải tạo ra bước đột phá trước các thông tin tràn ngập về COVID-19, suy thoái kinh tế, biểu tình cũng như những câu hỏi về sức khỏe, khả năng điều hành của ông Trump. Đến thời điểm này, đó vẫn là nhiệm vụ bất khả thi. Đây là lý do mà nhiều người trong cuộc, kể cả phe Cộng hòa, hoài nghi khả năng đắc cử của ông Trump.