Dòng người tị nạn vào châu Âu. Ảnh: express.co.uk |
Trang mạng của Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu (ecfr.eu) đã đăng bài viết của chuyên gia Susi Dennison về diễn biến gần đây của cuộc khủng hoảng nhập cư ở châu Âu:
“Trong lần tham dự Đại hội đồng Liên hợp quốc cuối cùng, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chủ trì hội nghị thượng đỉnh về người tị nạn. Trong bài phát biểu tại hội nghị Tổng thống Obama cho rằng khủng hoảng người tị nạn toàn cầu là một trong những 'thách thức cấp bách nhất hiện nay'”.
Tuy nhiên, danh sách các cam kết mà lãnh đạo các nước dự hội nghị thống nhất lại chưa tương xứng với thách thức này. Trong hội nghị thượng đỉnh không chính thức hồi trung tuần tháng 9 tại Bratislava (Slovakia), EU cũng đưa vấn đề người tị nạn vào danh sách các vấn đề ưu tiên cần giải quyết. Dường như EU đã và đang phải đối phó với “cơn bão người tị nạn”, bắt đầu trở nên nguy hiểm từ năm 2015.
Mặc dù trong thực tế số lượng người di cư vượt biển vào EU trong 9 tháng đầu năm 2016 đã giảm xuống còn khoảng 300.000 người so với 520.000 người năm 2015. Tuy nhiên, diễn biến của cuộc khủng hoảng nhập cư lại xuất hiện một số xu hướng đáng lo ngại.
Thứ nhất, khủng hoảng tiếp diễn ở các khu vực lân cận EU. Người tị nạn từ Syria, Afghanistan và Iraq vẫn chiếm gần 90% tổng số người nhập cư vào Hy Lạp. Trong khi Syria đang phải đối mặt với cuộc xung đột trên diện rộng thì xung đột ở Afghanistan và Iraq cũng có nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào. Điều này đe dọa tạo ra là sóng người tị nạn ồ ạt vào châu Âu.
Các quốc gia khác có đông người di cư tới châu Âu như Nigeria và Eritrea cũng đang chìm đắm trong xung đột kéo dài. Không nước nào trong số 5 quốc gia này ổn định hơn so với năm 2015. Chừng nào các quốc gia xung quanh EU còn khủng hoảng thì sẽ là sai lầm nếu cho rằng lượng người di cư tới châu Âu giảm trong ngắn hạn đồng nghĩa với xu hướng này sẽ kéo dài trong dài hạn.
Thứ hai, số lượng nạn nhân gia tăng. Báo cáo tóm tắt của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) tháng 9 vừa qua cho thấy, mặc dù số lượng người di cư vượt biển vào châu Âu giảm 42% nhưng số lượng nạn nhân thiệt mạng hoặc mất tích chỉ giảm 15% so với năm 2015.
Dường như các chiến dịch truy quét và phá hủy tàu thuyền của các tổ chức buôn người cũng như hoạt động tuần tra thường xuyên các tuyến đường biển của EU đã phát huy tác dụng. Tuy nhiên, điều này lại dẫn tới kết quả không mong muốn là những người di cư vượt biển vào châu Âu sẽ phải đối mặt với các tuyến đường biển cũng như trên các tàu buôn lậu nguy hiểm hơn.
Thứ ba, cơ cấu người tị nạn tới châu Âu thay đổi. Tỉ lệ trẻ em đi một mình đang tăng lên do triển vọng bố mẹ của chúng được tiếp nhận vào EU thấp hơn. Điều này khiến họ mạo hiểm để con cái đi một mình với hy vọng chúng sẽ được chăm sóc chu đáo hơn sau khi vào EU.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng Italy, khoảng 90% số trẻ em đến nước này năm 2016 không có bố mẹ đi cùng. Vấn đề nghiêm trọng hơn là một số lượng lớn trẻ em “biến mất” khỏi các trại tị nạn và trung tâm tiếp nhận người di cư. Theo ước tính của Tổ chức Cảnh sát châu Âu (Europol), con số này vào khoảng 10.000 trẻ em từ đầu năm 2016 đến nay.
Thứ tư, chính sách giải quyết khủng hoảng nhập cư chưa thực sự có hiệu quả trong thực tế. Thỏa thuận nhập cư giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ, ký trong tháng 3/2016, được cho là đã phát huy hiệu quả trong việc giảm số lượng người di cư vào châu Âu.
Tuy nhiên, giả thuyết này chưa tính đến tác động của việc một số nước thành viên EU đóng cửa biên giới với các nước khu vực Balkan cũng như điều kiện sống không như mong muốn và sự tiếp đón thiếu nhiệt tình, đã ngăn cản nhiều người di cư mạo hiểm đến châu Âu.
Thiếu các đánh giá mang tính thực chất sẽ khó có thể xây dựng chính sách giải quyết khủng hoảng nhập cư một cách hiệu quả của EU trong tương lai. Đặc biệt là đối với đề xuất xây dựng các thỏa thuận tương tự giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ với các đối tác khác (Jordan, Lilan, Niger, Nigeria, Senegal, Mali, Ethiopia, Tunisia và Libya).
Thứ năm, giải pháp giải quyết khủng hoảng nhập cư thiếu tính bền vững. Trong thực tế, hiện vẫn chưa rõ liệu có thể duy trì được thỏa thuận nhập cư giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ hay không. Kể từ khi cuộc đảo chính bất thành nổ ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Erdogan đã đe dọa sẽ không thực hiện các cam kết trong thỏa thuận trên nếu EU không thông qua việc miễn thị thực cho công dân của nước này.
Trong bối cảnh chính trị hiện nay với việc các lực lượng theo chủ nghĩa dân túy lợi dụng tâm lý lo sợ, phản đối người nhập cư của người dân châu Âu thì EU khó có thể dễ dàng thông qua việc miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ. Thậm chí tại Đức Thủ tướng Angela Merkel, một trong những người bảo trợ quan trọng của thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ, cũng đã phải chịu thất bại nặng nề trước đảng “Sự lựa chọn khác cho nước Đức” (AfD) trong các cuộc bầu cử địa phương gần đây. Nhiều chuyên gia phân tích chính trị cho rằng thất bại này là hậu quả trực tiếp của chính sách “chào đón người tị nạn” của chính phủ bà Merkel.
Thứ sáu, thái độ “phó mặc” của các nước thành viên EU liên quan. Trong báo cáo gần đây, Tổ chức Ân xá quốc tế (AI) ước tính chỉ có 6% trong tổng số 66.000 người đến Hy Lạp năm 2015 được tái định cư tại các nước thành viên khác trong EU. Khoảng 47.000 người di cư và xin tị nạn bị kẹt ở Hy Lạp và hơn 12.500 người đến nước này sau khi Thỏa thuận nhập cư EU-Thổ Nhĩ Kỳ có hiệu lực tháng 3/2016.
Những người này đang phải sống trong các trung tâm tiếp nhận quá tải chờ quyết định chính thức đối với đơn xin tị nạn. Ngoài việc nhấn mạnh trách nhiệm của Athens, 27 nước thành viên EU khác không có động thái nào nhằm giải quyết thực trạng trên.
Thứ bảy, thiếu định hướng chính trị. Bài học từ kết quả trưng cầu ý dân ở Anh cho thấy, không thể tránh được vấn đề nhập cư. Nếu làm vậy, chỉ tạo điều kiện cho các lực lượng cực đoan giành ảnh hưởng. Dường như phần lớn các lãnh đạo EU đều lảng tránh việc đối phó với thách thức này.
Kết quả của sự thiếu định hướng chính trị hiệu quả là việc các phương án lựa chọn trong chính sách của EU dường như chỉ tập trung vào các biện pháp “chữa cháy” trong ngắn hạn. Chẳng hạn như thỏa thuận nhập cư với Thổ Nhĩ Kỳ chỉ nhằm ngăn cản những người di cư đang trong quá trình đến EU không vào liên minh.
Đồng thời, EU cũng cần phải tập trung hơn trong việc đối phó với các luận điệu cực đoan liên quan đến việc giải quyết vấn đề khủng hoảng nhập cư. Điều này sẽ giúp EU xây dựng các chính sách dài hạn hơn như tập trung vào việc tái định cư người nhập cư, tăng cường đầu tư vào việc quản lý khủng hoảng ở các quốc gia láng giềng.