Biếm họa cả thi thể trẻ em Trong số báo mới nhất, tạp chí đã đăng một bức biếm họa có hình ảnh cậu bé Aylan Kurdi nằm úp mặt trên bờ biển. Aylan là cậu bé người Syria đã chết đuối khi đang cùng gia đình vượt biển tới miền đất hứa châu Âu, thi thể dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ. Bức ảnh chụp thi thể Aylan đã gây chấn động toàn thế giới, thức tỉnh những lương tâm, trái tim dù là lạnh giá nhất. Bức ảnh đau lòng đã trở thành biểu tượng cho cuộc khủng hoảng di cư toàn cầu. Thế nhưng, cậu bé xấu số ấy ở thế giới bên kia cũng không được những người lớn ở thế giới bên này để cho yên nghỉ.
Người ta đã dùng bức ảnh biểu tượng đó để châm biếm về một sự kiện do người nhập cư vừa gây ra đêm giao thừa ở châu Âu: cướp bóc, quấy rối tình dục hơn 500 phụ nữ ở thành phố Cologne (Đức) và một số thành phố khác ở châu Âu
Một bên là cậu bé Aylan ba tuổi vô tội. Một bên là số ít những kẻ nhập cư xấu xí Trung Đông quây phụ nữ lại để quấy rối. Hai đối tượng không hề liên quan tới nhau lại được họa sĩ của Charlie Hebdo “cưỡng duyên”, ghép thành một bức biếm họa. Dưới tiêu đề “Người di cư”, phần trên bức tranh là câu hỏi: “Cậu bé Aylan lớn lên sẽ thành người thế nào?”, phần dưới là câu trả lời: “Một kẻ sờ soạng phụ nữ”. Phần nhấn của bức biếm họa là hình ảnh Aylan người lớn thè lưỡi, giơ tay rượt đuổi một phụ nữ.
Đây không phải là lần đầu tiên Charlie Hebdo lấy cái chết bi kịch của Aylan ra để biếm họa. Năm 2015, Charlie Hebdo đã đăng tranh vẽ Aylan nằm sấp trên bờ biển, đằng sau là một tấm biển quảng cáo của hãng McDonald có dòng chữ: “Khuyến mại: Mua một, tặng hai trẻ em”.
Một bức biếm họa khác vẽ hình một nhân vật giống chúa Jesus đang đi trên biển, cạnh ông là xác một cậu bé chết đuối với dòng chú thích: “Bằng chứng cho thấy người Thiên chúa giáo đi trên nước” và “Trẻ con Hồi giáo thì chết đuối”.
Sau hai bức tranh, luật sư Peter Herbert, Chủ tịch Hiệp hội Luật sư Da màu, đã đăng trên Twitter nói rằng đang xem xét đưa Charlie Hebdo ra Tòa án Hình sự Quốc tế vì “kích động tội ác thù hằn và khủng bố”.
Độc giả quay lưngNgay cả những “fan ruột” của tờ báo này cũng khó có thể cười hay thấy gì hài hước trong bức ảnh khắc họa cậu bé Aylan là kẻ tấn công tình dục khi trưởng thành. Người ta bắt đầu tự hỏi liệu Charlie Hebdo còn bao nhiêu người yêu quý sau bức tranh này. Trên Twiter, một số hashtag đã xuất hiện để phản đối bức vẽ phản cảm: #weareNOTcharlie (Chúng tôi không phải Charlie).
Có thể thấy sự tức giận của người xem tranh qua những bình luật gay gắt. Nhà báo Australia Ebony Bowden coi bức biếm họa là “phân biệt chủng tộc ghê tởm”. Nhà báo Iraq Mina al-Oraibi làm việc ở London nói bức tranh xúc phạm cậu bé Aylan tội nghiệp là điều không thể tha thứ.
Hoàng hậu Jordan, bà Rania, cho biết bà đã sốc khi nhìn thấy bức tranh. Bà đã ngay lập tức cùng họa sĩ biếm họa Jordan Osama Hajjaj vẽ tranh về cậu bé Aylan khi lớn lên sẽ là một thành viên có ích cho xã hội trong bộ trang phục một bác sĩ. Hoàng hậu Rania viết: “Aylan có thể sẽ trở thành một bác sĩ, một giáo viên, một ông bố đầy lòng yêu thương”.
Cũng có người bảo vệ Charlie Hebdo, nói rằng bức ảnh chỉ biếm họa quan điểm lúc nắng lúc mưa của người châu Âu về người di cư, tức là lúc thì nhỏ lệ thương xót, lúc thì căm ghét cay nghiệt. Nếu dụng ý của họa sĩ có đúng là như thế đi chăng nữa, thì việc dùng hình ảnh đau lòng của Aylan một cách tàn nhẫn vẫn là một điều khó có thể bào chữa. Cả họa sĩ - quyền tổng biên tập Laurent Sourisseu - lẫn Charlie Hebdo đều im lặng trước cơn sóng gió dư luận.
Có thể, khi họ chứng kiến giọt nước mắt đau đớn của người cha bé Aylan, ông Abdullah Kurdi, họ sẽ nghĩ lại trước khi đặt bút vẽ chăng? Ông Kurdi nói: “Khi tôi xem bức tranh, tôi đã khóc. Gia đình tôi vẫn còn sốc”. Bức tranh đối với ông Kurdi là vô nhân đạo và vô đạo đức, xấu xa không khác gì hành động của những tên khủng bố và tội phạm chiến tranh. Họ hàng của Aylan ở Canada cũng bày tỏ sự ghê tởm trước bức biếm họa.
Tranh biếm họa đã tồn tại hàng thế kỷ nay thông qua mang lại tiếng cười cho người xem bằng những hình ảnh, lời lẽ chế giễu, châm biếm, đả kích sâu cay. Thế nhưng, dường như Charlie Hebdo đã núp bóng biếm họa để làm tổn thương người khác. Tự do ngôn luận không có nghĩa là có quyền động chạm đến mọi thứ bất chấp đạo đức, cảm xúc, đặc biệt là khi đó chỉ là một cậu bé vô tội, bất hạnh.