Càng gần ngày bầu cử 3/11, các động thái của những ứng cử viên tham gia tranh cử tổng thống năm 2020 càng được dư luận Mỹ đặc biệt lưu ý. Quyết định của ông Bernie Sanders trong thời điểm hiện nay một mặt gây thất vọng cho các cử tri ủng hộ ông, song mặt khác lại tạo đà tập trung lá phiếu cử tri cho cựu Phó Tổng thống Joe Biden, đối thủ hiện dẫn trước song vẫn phải đợi đến hồi kết tại đại hội toàn quốc đảng Dân chủ mới có thể chính thức giành chiếc vé đề cử của đảng này.
Ông Sanders đã không thể tận dụng được lợi thế sau khi giành chiến thắng ở các cuộc bầu cử sơ bộ tại các bang New Hampshire và Nevada cũng như bám đuổi sít sao vị trí dẫn đầu ở Iowa. Trong các cuộc bầu cử sơ bộ mới đây, ông để mất một chuỗi các tiểu bang về tay đối thủ Biden khi cựu phó tổng thống Mỹ củng cố được sự ủng hộ của cử tri theo quan điểm ôn hòa của đảng Dân chủ.
Quyết định rút lui khỏi cuộc đua lần này đánh dấu nỗ lực bất thành thứ hai của ông Sanders trong việc giành đề cử của đảng Dân chủ - điều ông từng vấp phải trong cuộc đua năm 2016 với cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton.
Trong bài phát biểu của mình ngày 8/4, ông Sanders đã lý giải nguyên nhân từ bỏ cuộc đua. Theo đó, ông thừa nhận thực tế rằng khoảng cách khoảng 300 phiếu đại biểu so với cựu Phó Tổng thống Joe Biden là khó san lấp, nhấn mạnh rằng "con đường đi đến chiến thắng gần như là không thể".
Đối với Thượng nghị sĩ Sanders, đây thực sự là một quyết định khó khăn bởi hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, việc thừa nhận thất bại sẽ khiến cho đa số cử tri ủng hộ ông thất vọng sâu sắc khi ông không thể duy trì và tận dụng lợi thế ban đầu của mình so với ứng cử viên Biden. Thứ hai, việc thất bại thêm một lần nữa trong cuộc so kè với một nhân vật có ảnh hưởng lớn trong nội bộ đảng Dân chủ được xem như đóng lại cánh cửa ra tranh cử của ông, bởi gần như chắc chắn rằng ông Sanders, hiện đã 79 tuổi, sẽ không tiếp tục ra tranh cử sau 4 năm nữa. Có thể nói quyết định trên đã chính thức khép lại tham vọng trở thành ông chủ Nhà Trắng của chính trị gia kỳ cựu đảng Dân chủ này.
Trước khi rút lui khỏi cuộc đua, Thượng nghị sĩ Sanders đã khẳng định ông sẽ ủng hộ ứng cử viên cuối cùng của đảng Dân chủ tham gia cuộc tổng tuyển cử, nói rằng ưu tiên hàng đầu của ông là đánh bại Tổng thống Donald Trump vào tháng 11 tới. Mặc dù hai nhân vật chính trong cuộc chạy đua vừa qua của đảng Dân chủ bất đồng với nhau về một loạt vấn đề từ thương mại, an sinh xã hội đến các can thiệp quân sự nước ngoài, song trong cuộc tranh luận của đảng này vào tháng 3 vừa qua tại Washington D.C, ông Sanders từng cam kết sẽ ủng hộ cựu Phó Tổng thống Biden. Điều này một lần nữa được nhắc lại khi ông chính thức công bố quyết định rút khỏi cuộc đua tranh cử.
Ông chúc mừng đối thủ Biden và tuyên bố sẽ cộng tác với ông Biden để thúc đẩy những ý tưởng tiến bộ. Phát biểu này của Thượng nghị sĩ Sanders vào thời hiện nay có thể coi như một lời vận động các cử tri trung thành với ông, rằng ủng hộ ông cũng có nghĩa là ủng hộ cựu Phó Tổng thống Biden và kêu gọi các cử tri thừa nhận vai trò ứng cử viên tổng thống của ông Biden ngay từ thời điểm hiện nay, mặc dù nhiều cuộc bầu cử sơ bộ và đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ đã bị lùi lịch trình để tránh sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Đối với ông Biden, chiến thắng liên tiếp trong ba ngày bầu cử "Siêu thứ Ba" và sự rút lui của ứng cử viên Sanders càng mở rộng cánh cửa cho ông trở thành ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ để đối đầu với đương kim Tổng thống Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng sắp tới. Bên cạnh đó, sự rút lui cùng với tuyên bố ủng hộ của Thượng nghị sĩ Sanders là tiền đề để có thể thúc đẩy tạo ra một liên danh tranh cử giữa cựu Phó Tổng thống Biden và ông Sanders nhằm phục vụ cho mục tiêu ưu tiên hàng đầu của đảng Dân chủ là đánh bại Tổng thống Trump trong cuộc bầu cử sắp tới. Khả năng này càng được củng cố khi phản ứng sau quyết định của Thượng nghị sĩ Sanders, ông Biden đã kêu gọi các cử tri ủng hộ "cựu đối thủ" Sanders tham gia chiến dịch tranh cử của mình.
Ông Biden nhấn mạnh: "Tôi biết rằng tôi cần giành được những phiếu bầu của các bạn, và tôi biết điều này có thể tốn thời gian, song tôi muốn các bạn biết rằng tôi nhìn thấy, lắng nghe và hiểu tính cấp bách của thời điểm hiện nay. Tôi hy vọng các bạn tham gia cùng chúng tôi. Các bạn sẽ được hoan nghênh". Ứng cử viên Biden cũng lưu ý rằng các cử tri ủng hộ ông Sanders cần ưu tiên lợi ích quốc gia, đó là cần phải đánh bại Tổng thống Trump "hơn bất cứ điều gì khác".
Trong bối cảnh đó, dư luận sẽ hướng sự quan tâm tới những diễn biến tiếp theo trên chính trường Mỹ trước thềm bầu cử khi cuộc đua giờ đây chỉ còn 2 ứng cử viên đại diện cho hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Đáng chú ý là trong những kết quả thăm dò gần đây, ứng cử viên Joe Biden vẫn ở thế dẫn điểm so với Tổng thống Trump. Trong đó, cuộc thăm dò của hãng tin Washington Post và ABC News công bố ngày 7/4 cho thấy ông Biden dẫn trước Tổng thống Trump 10%, còn theo kết quả cuộc thăm dò dư luận do kênh truyền hình Fox News công bố ngày 29/3, ứng cử Joe Biden đang dẫn trước Tổng thống Mỹ Donald Trump 9 điểm.
Hiện ông Biden đang thúc đẩy mạnh mẽ chiến dịch tranh cử của mình khi công bố kế hoạch thúc đẩy phát triển kinh tế Mỹ, vốn đang chịu tác động tiêu cực do dịch COVID-19. Theo đó, kế hoạch này sẽ thúc đẩy hỗ trợ các doanh nghiệp cam kết đảm bảo việc làm cho người lao động, giải quyết nhanh chóng và hiệu quả việc cấp bảo hiểm thất nghiệp, gây sức ép với các ngân hàng để cấp khoản vay cho các doanh nghiệp nhỏ và buộc các công ty lớn phải hỗ trợ người đóng thuế nhằm chứng minh cam kết của họ trong việc hỗ trợ người lao động.
Trong khi đó, Tổng thống Trump cũng đăng tải một video về chiến dịch tái tranh cử của ông, nêu bật các biện pháp ứng phó của chính quyền đối với dịch COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra, đồng thời ca ngợi người dân Mỹ vì sự đoàn kết của họ nhằm đánh bại dịch bệnh. Theo kết quả các cuộc thăm dò, đa số cử tri ủng hộ cách ứng phó của chính quyền Tổng thống Trump với đại dịch, điều này cho thấy ông Trump vẫn tiếp tục ghi điểm đối với cử tri.
Như vậy, sau quyết định rút lui của ông Sanders, cuộc đua trong nội bộ đảng Dân chủ hầu như đã ngã ngũ với chiến thắng cuối cùng thuộc về ứng cử viên Biden, và mở đường để cuộc đua song mã giữa Tổng thống Trump và ông Joe Biden chuyển sang một giai đoạn bước ngoặt mới được định hình rõ ràng và chính thức, cũng như khốc liệt hơn về tính chất.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục phức tạp và chưa có dấu hiệu sẽ sớm kết thúc, cách thức và hiệu quả ứng phó với dịch bệnh này sẽ là một trong những chủ đề gai góc trong các cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên này thời gian tới. Cuộc khủng hoảng COVID-19 cũng sẽ khiến chính trường Mỹ tiếp tục dậy sóng và tiềm ẩn những diễn biến khó lường trước thềm bầu cử vào tháng 11 tới.