Theo bình luận của tờ The National (UAE) ngày 8/11, sau mỗi cuộc chiến với Israel, Hamas dường như lại trở thành một thế lực nguy hiểm hơn: Hai bên đã xảy ra ít nhất 5 đợt xung đột vũ trang kể từ khi Israel rút khỏi Gaza vào năm 2006. Cho đến nay, Hamas vẫn nắm quyền kiểm soát vùng đất này và các thành viên nòng cốt của nhóm đều duy trì được khả năng chiến đấu.
Lần này, Israel đang truy lùng nhằm tiêu diệt Hamas với cường độ quyết liệt hơn. Các nhà quan sát nhận định, chiến dịch tấn công của Israel sau cuộc đột kích của Hamas ngày 7/10 có thể làm thay đổi nguyên trạng về lâu dài.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Muriel Asseburg, học giả cấp cao tại Viện Vấn đề An ninh và Quốc tế Đức (SWP) cho rằng: “Hamas có thể sẽ suy giảm năng lực quân sự sau cuộc chiến lần này, nhưng các thành viên cũng như những cơ sở của họ trong xã hội Palestine vẫn tồn tại”.
Bà Asseburg và Rene Wildangel, giảng viên tại Đại học Quốc tế Hellenic ở Hy Lạp, đã viết một bài phân tích về các kịch bản thời hậu chiến ở Gaza và cách các cường quốc bên ngoài có thể can dự trong những ngày tiếp theo.
Trong số các kịch bản được đề cập có việc Israel quay trở lại hiện diện quân sự trực tiếp ở Gaza, hoặc chiếm đóng tương tự như năm 1948 và 1967, nhưng sẽ khiến quân đội nước này đối mặt với các cuộc cuộc chiến chống nổi dậy.
Một kịch bản tiếp theo là có sự quản lý quốc tế, lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc được triển khai ở Gaza. Đây là điều mà Tiến sĩ Asseburg cho rằng khó xảy ra do có sự chia rẽ tại Hội đồng Bảo an.
Các nước Arab đã ủng hộ một kịch bản khác: khôi phục các cuộc đàm phán hòa bình toàn diện giữa người Palestine và Israel. Trong chuyến thăm Brussels đầu tuần này, Quốc vương Jordan Abdullah đã kêu gọi bắt đầu công việc ở “giai đoạn hậu chiến trên cơ sở giải pháp hai nhà nước”.
Bà Asseburg cho biết kịch bản này sẽ là lý tưởng nhất nhưng khó đạt được. Bà đề xuất một cách tiếp cận từng bước, tranh thủ sự giúp đỡ từ Qatar - quốc gia Arab có ảnh hưởng lớn nhất với Hamas và các cường quốc vùng Vịnh khác.
Cụ thể, tiến trình này sẽ bắt đầu với các thỏa thuận bền vững cho Gaza, sau đó là các vấn đề rộng hơn về Palestine - Israel. Tiến sĩ Asseburg cho biết, điều này sẽ bảo đảm an ninh cho cả người Israel và người Palestine ở Gaza, đồng thời ngăn chặn các luồng vũ khí buôn lậu qua Ai Cập tới tay Hamas.
Gaza, nơi có 2,3 triệu người sinh sống, là một trong những khu vực đông dân nhất thế giới. Khu vực này gần như bị Israel bao quanh, trong đó Ai Cập kiểm soát lối vào khu vực này thông qua cửa khẩu biên giới Rafah ở Bán đảo Sinai, mặc dù cần có sự chấp thuận của Israel với việc nhập cảnh từ Rafah.
Bà Asseburg nhận định rằng để hàng hóa và con người có thể di chuyển tự do dưới sự hỗ trợ tài chính của các nước Arab về cơ sở hạ tầng, thì sẽ giúp khôi phục lại trạng thái bình thường cho Gaza và giảm phụ thuộc viện trợ nhân đạo quốc tế.
Xung đột Israel - Hamas nổ ra khi vấn đề Palestine đang bị hạ xuống mức thấp trong ngoại giao quốc tế, khi Mỹ đang tìm cách làm trung gian cho một thỏa thuận thiết lập quan hệ giữa Israel và Saudi Arabia.
Tổng thống Mỹ gần đây nhất tìm cách giải quyết vấn đề Israel - Palestine là Donald Trump. Kế hoạch Trung Đông của ông Trump đã bị Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, người đang bị Hamas phản đối, coi là “vô ích”.
Ông Abbas phản đối kế hoạch của cựu Tổng thống Trump vì nó không tính tới chủ quyền của người Palestine và sẽ trao cho người Palestine ít lãnh thổ hơn những gì đã đàm phán với Israel trong Hiệp định Oslo năm 1993.
Tuy nhiên, hầu hết những người Arab ủng hộ ông Abbas đều không muốn Hamas là lực lượng đi đầu trong cuộc đấu tranh vì chính nghĩa của người Palestine. Hai quan chức Ai Cập cho biết, ông Abbas nói với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 5/11 rằng Chính quyền Palestine đã sẵn sàng tiếp quản Dải Gaza, nhưng chỉ khi Hamas đã bị loại bỏ hoàn toàn.
Nhưng một trong những quan chức Ai Cập cảnh báo rằng việc đánh bại hoàn toàn Hamas là “hầu như không thể”. Mặc dù vậy, ông cho biết những khác biệt trong chiến lược giữa ban lãnh đạo chính trị của Hamas và các chỉ huy quân sự của tổ chức này có thể giúp ông Abbas tạo dựng ảnh hưởng ở Gaza thời hậu chiến, đặc biệt nếu ông nhận được hỗ trợ tài chính của các nước Arab.
John Casson, từng là cố vấn đối ngoại của cựu Thủ tướng Anh David Cameron, cho rằng các cách tiếp cận chính sách toàn diện phải sẵn sàng ngay từ bây giờ. Ông Casson kết luận: “Chúng ta cần tạo ra một đối tác Palestine mới, đáng tin cậy, điều đó có nghĩa là một đề nghị quốc tế lớn dành cho người Palestine để tái thiết, tái hòa nhập nền kinh tế”.