Trong hơn hai năm kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, tất cả 5 quốc gia Trung Á thuộc Liên Xô cũ đã điều hướng mối quan hệ với Moskva và các cường quốc khác, để hưởng lợi từ các bên về kinh tế và chính trị.
Khu vực giàu tài nguyên với 75 triệu dân – bao gồm Kazakhstan, Uzbekistan, Tajikistan, Kyrgyzstan và Turkmenistan – nằm ở vị trí chiến lược giữa Nga, Trung Quốc, Iran và Afghanistan, và các nhà lãnh đạo của những nước này đã phải xác định hướng đi trong một khu vực đa dạng như vậy.
Bị cô lập và cản trở bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây, Nga nỗ lực duy trì ảnh hưởng trong khu vực mà họ coi là “vùng đệm” của mình, trong khi giới tinh hoa Trung Á tận dụng mọi cơ hội để nâng cao vị thế quốc tế và hưởng lợi kinh tế.
Alisher Ilkhamov, người đứng đầu Central Asia Due Diligence, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại London, nhận định: “Các quốc gia Trung Á, bao gồm cả Uzbekistan, đã phát triển một cách tiếp cận thực tế tối đa đối với cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine”.
Theo ông Ilkhamov, mục tiêu của họ là “thu được lợi nhuận tối đa từ tình hình do xung đột tạo ra, đồng thời không gây căng thẳng với những cường quốc chủ chốt trên toàn cầu”.
Ví dụ, các nhà lãnh đạo khu vực đã chọn không công nhận việc Nga sáp nhập bốn khu vực của Ukraine. Kết quả là có một loạt hoạt động ngoại giao và hiệp ước, các khoản vay và đầu tư khổng lồ từ các tác nhân toàn cầu khác.
Tháng 5 năm ngoái, cả 5 nhà lãnh đạo khu vực đều tham dự Hội nghị thượng đỉnh Trung Á lần đầu tiên tại Tây An của Trung Quốc. Bắc Kinh đã cung cấp cho họ các khoản vay và đầu tư trị giá hàng chục tỷ USD.
Bốn tháng sau, họ gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York.
Và có những khoản lợi nhuận khổng lồ được tạo ra từ việc tái xuất khẩu hàng hóa “công dụng kép” như máy bay không người lái, vi mạch, thiết bị điện tử và mọi thứ khác mà tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga có thể sử dụng.
Chuyên gia Ilkhamov nói: “Các biện pháp trừng phạt thứ cấp mà phương Tây áp đặt đối với một số công ty Trung Á thậm chí không có tác dụng. Chúng hoàn toàn không hiệu quả vì có hàng chục, thậm chí hàng trăm công ty tham gia xuất khẩu quá cảnh”.
Một doanh nhân ở Almaty, trung tâm tài chính của Kazakhstan, nói trong điều kiện giấu tên rằng, mặc dù các chính quyền khu vực cấm xuất khẩu các mặt hàng “có mục đích kép” sang Nga nhưng “có rất nhiều cách để vượt qua” lệnh cấm.
Việc tái xuất sang Nga máy giặt và tủ lạnh có chip, chất bán dẫn, máy tính, máy ảnh, điện thoại thông minh cùng với hàng may mặc, nước hoa và mỹ phẩm đắt tiền đã tăng vọt ở các nước Trung Á.
Một lợi ích khác là nhu cầu ngày càng tăng đối với hàng triệu người lao động di cư Trung Á với lượng kiều hối khổng lồ mà họ gửi về. Số lượng người di cư dự kiến sẽ tăng lên do sự nóng lên toàn cầu, làm cạn kiệt nguồn cung cấp nước ở khu vực khô cằn và dân số quá đông, trong Nga vẫn là “thỏi nam châm chính” của họ.
Temur Umarov, một nhà phân tích gốc Uzbekistan của Carnegie Politika, một tổ chức tư vấn ở Berlin, cho biết: Các nhà lãnh đạo Trung Á hiểu rằng mặc dù phương Tây tẩy chay Nga nhưng họ “không từ bỏ” các mối liên hệ chính trị với Nga.
Ngoài ra, trong 5 nước Trung Á, 4 quốc gia là Uzbekistan, Kyrgyzstan, Turkmenistan và Tajikistan đều không có chung đường biên giới với Nga, và đối với nhiều người dân của họ, cuộc xung đột ở Ukraine “đang xảy ra ở một nơi tương đối xa”.
Tóm lại, hơn ba thập kỷ sau khi Liên Xô sụp đổ, quyền lực mềm của Moskva vẫn còn mạnh mẽ ở Trung Á, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh, kinh tế và năng lượng.