Diễn biến mới
Tư lệnh Bộ chỉ huy Trung tâm của Mỹ (CENTCOM), Tướng Kenneth McKenzie, ngày 23/7 cho biết tàu chiến Mỹ có thể đã bắn hạ 2 máy bay không người lái của Iran tại vùng Vịnh hồi tuần trước, chứ không phải một. Người phát ngôn của CENTCOM, Trung tá Earl Brown, cũng khẳng định USS Boxer đã thực hiện "hành động phòng thủ" sau khi hai máy bay không người lái Iran có hành động gây hấn ở vùng biển quốc tế.
Iran hồi tháng trước tuyên bố đã bắn hạ một máy bay không người lái Global Hawk của Mỹ với cáo buộc xâm nhập không phận nước này, đồng thời bác bỏ thông tin của Tổng thống Donald Trump rằng tàu USS Boxer đã bắn hạ một thiết bị bay không người lái Iran.
Trong khi đó, Iran coi việc bắt giữ tàu chở dầu treo cờ của Anh ở Eo biển Hormuz là sự can thiệp hợp pháp. Tuyên bố trên được người phát ngôn Chính phủ Iran Ali Rabiei đưa ra tại cuộc họp báo ở Tehran sau khi nước này bắt giữ tàu chở dầu Stena Impero hôm 20/7.
Tehran nhấn mạnh biện pháp này nhằm đảm bảo an ninh trong khu vực. Ông cũng nhắn nhủ đến các quốc gia khác kêu gọi Iran trả tự do cho con tàu trên rằng: "Chúng tôi cũng đề nghị họ yêu cầu Anh làm điều tương tự", ám chỉ vụ nhà chức trách Anh bắt giữ tàu chở dầu của Iran tại Địa Trung Hải ngày 4/7 vừa qua.
Trước đó, Đại biện lâm thời Anh tại Liên hợp quốc Jonathan Allen ngày 22/7 tuyên bố việc Iran bắt giữ tàu chở dầu Stena Impero là hành động bất hợp pháp, đồng thời bác bỏ tường trình của Tehran về vụ việc này. Quan chức ngoại giao Anh khẳng định London không tìm cách đối đầu với Iran, nhưng không chấp nhận các hành vi đe dọa tàu thương mại hợp pháp đi qua hành lang chung chuyển được quốc tế thừa nhận.
Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt thậm chí đã kêu gọi thành lập một lực lượng hải quân do Liên minh châu Âu (EU) dẫn đầu nhằm đảm bảo việc di chuyển an toàn qua Eo biển Hormuz. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị Iran kịch liệt phản đối vì điều đó sẽ chỉ mang tới bất ổn cho khu vực.
Tổng thống Trump ít lựa chọn với Iran
Theo hãng tin AFP, trong bối cảnh hiện nay, chiến lược của Mỹ với Iran đang rối rắm và Washington dường như không còn nhiều lựa chọn để tránh leo thang căng thẳng.
Bà Suzanne Maloney, thành viên cấp cao Viện Brookings, nhận định: “Chính quyền của Tổng thống Trump đang đứng trước một lựa chọn quan trọng liên quan tới chính sách. Mỹ đã gây áp lực lớn với Iran và sẵn sàng giữ áp lực càng lâu càng tốt, tới khi nào còn thấy cần thiết và khi nào có thể tránh leo thang căng thẳng thành một xung đột quân sự”.
Trong khi đó, khi được hỏi Mỹ ngả về phương án đàm phán hay xung đột, Tổng thống Trump cho biết có thể đi theo lựa chọn chiến tranh hoặc ngoại giao. Ông nói: “Dù có theo cách nào thì tôi cũng tán thành”. Về phần minh, Iran đã công khai bác bỏ khả năng tham gia đàm phán khi còn bị Mỹ gây sức ép. Do đó, tới nay, cho dù cứng rắn nhưng Tổng thống Trump liên tục nhấn mạnh mong muốn tránh đưa Mỹ vào một cuộc phiêu lưu quân sự mới. Bản thân ông đã hủy tấn công Iran vào phút chót hồi tháng 6, sau vụ bắn hạ máy bay do thám Mỹ.
Tuy nhiên, theo bà Barbara Slavin thuộc Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington, tình hình hiện nay khiến Mỹ yếu thế và tạo ra một tình huống nguy hiểm. Bằng chứng là các sự cố tiếp tục xảy ra ở Vùng Vịnh, mới nhất là vụ bắn hạ máy bay không người lái và bắt giữ các tàu chở dầu. Do đó, tiềm ẩn nguy cơ hai bên sẽ tiến dần tới một cuộc xung đột không mong muốn.
Trong khi không thể đàm phán với Iran, Mỹ cũng chưa thể có lý do để giảm sức ép kinh tế với nước này. Nếu để Iran xuất khẩu một lượng dầu mỏ nào đó hoặc ít nhất là nới lỏng các biện pháp trừng phạt thì Washington đã có thể tháo ngòi khủng hoảng. Vậy nhưng, Mỹ lại bắn tín hiệu ngược lại khi áp đặt các biện pháp trừng phạt một tàu Trung Quốc bị cáo buộc mua dầu của Iran.
Tổ chức Ngăn chặn Khủng hoảng Quốc tế đã phản đối chiến lược gây sức ép tối đa này của Tổng thống Trump, cho rằng nó gây ra rủi ro tối đa mà lại mang lại kết quả tối thiểu.
Nhiều nhà quan sát tiếp tục thắc mắc về động cơ của Tổng thống Trump khi ông đồng ý để Thượng nghị sĩ Rand Paul, một người phản đối Mỹ can thiệp quân sự, gặp Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif. Phải chăng đây là con đường dẫn tới một thỏa thuận mới?
Theo bà Maloney, Tổng thống Trump có thể muốn đạt một thỏa thuận hạ nhiệt căng thẳng và ông cho rằng đạt thỏa thuận về một vấn đề mang tính kỹ thuật cao là dễ dàng. Tuy nhiên, nếu mục đích là đạt một thỏa thuận mới thì sẽ không thành công.
Tóm lại, khi Mỹ chưa thể đàm phán cũng không thể nào tăng sức ép kinh tế với Iran vì tăng đến mức cao nhất, nước này hầu như không còn lựa chọn nào ngoài việc tiếp tục trừng phạt các công ty nước ngoài giao thương với Tehran. Nếu mục đích là làm suy yếu Iran và phá hủy thỏa thuận hạt nhân, Mỹ sẽ không có một kết quả tốt đẹp mà thay vào đó sẽ đẩy Iran vào bước đường cùng, tiềm ẩn những nguy cơ khó lường.
Anh, Mỹ cần phối hợp
Trong khi Mỹ-Iran chưa thể hạ nhiệt căng thẳng, dư luận lại lo ngại quan hệ Anh và Iran sẽ nóng thêm khi cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson vừa trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ Anh và sẽ tiếp quản chức Thủ tướng Anh.
Khi ông Johnson đang thắng thế trong cuộc đua trở thành Thủ tướng Anh, Ngoại trưởng Iran Zarif đã gửi đi một thông điệp liên quan tới các tàu chở dầu bị bắt giữ: “Một điều rất quan trọng với ông Boris Johnson khi ông bước vào số 10 Phố Downing là hiểu rằng Iran không muốn tìm kiếm đối đầu, rằng Iran muốn quan hệ bình thường dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau”.
Iran cũng chính là một trong những nước đầu tiên gửi lời chúc mừng ngày 23/7 ngay sau khi ông Boris Johnson được bầu làm lãnh dạo Đảng Bảo thủ. Liệu điều này có báo hiệu một triển vọng tốt cho hai nước?
Theo tờ Guardian, ông Johnson sẽ lãnh đạo nước Anh với một cuộc khủng hoảng khẩn cấp ở Vùng Vịnh – nơi mà Anh bị lôi kéo vào xung đột giữa Iran và Mỹ. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để ông Johnson cùng Tổng thống Trump giảm căng thẳng với Iran.
Anh và Mỹ cần thận trọng và cân bằng khi phản ứng và xây dựng lại cách tiếp cận chung với Iran và an ninh Vùng Vịnh. Đồng thời, ông Johnson cần tìm kiếm cách phục hồi kênh ngoại giao nghiêm túc với Iran. Sẽ không có một thỏa thuận toàn diện mới nào thỏa mãn mọi yêu cầu của Mỹ, nhưng quá trình đàm phán mới với Iran có thể mở ra cánh cửa giải quyết nhưng vấn đề cụ thể hơn. Trái lại, nếu Anh hay Mỹ chỉ liên tục đe dọa Iran hoặc bóp nghẹt nền kinh tế nước này, kết quả sẽ không có lợi cho tất cả.
Cơ hội gần nhất sẽ là cuộc họp giữa các nhà ngoại giao của các nước còn lại tham gia ký thỏa thuận hạt nhân năm 2015 (Nhóm P4+1) và đại diện Iran vào ngày 28/7 ở Vienna (Áo). Iran hiện vẫn chưa nêu cụ thể những bước đi tiếp theo mà nước này có thể thực hiện, song nhiều lần nhấn mạnh các hành động của Tehran có thể được đảo ngược trong vòng vài giờ đồng hồ nếu các đối tác châu Âu thực hiện nghiêm túc các cam kết của mình.