Theo Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO), hơn 95% số thực phẩm trên hành tinh của chúng ta phụ thuộc vào đất, và đất cũng là kho chứa carbon khổng lồ, giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, tầm quan trọng của nguồn tài nguyên thiết yếu này thường bị đánh giá thấp.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, đô thị hóa và canh tác không bền vững, đất đang ngày càng bị thoái hóa. Theo ước tính, 33% diện tích đất trên toàn cầu đã bị suy thoái, và nếu không có biện pháp kịp thời, con số này có thể lên đến 90% vào năm 2050. Sự suy thoái này không chỉ đe dọa an ninh lương thực mà còn làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt và xói mòn đất.
Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng toàn cầu về tầm quan trọng của đất và kêu gọi hành động mạnh mẽ, Ngày Đất Thế giới (5/12) năm nay tập trung vào tầm quan trọng cốt yếu của sức khỏe đất với chủ đề “Chăm sóc đất: Đo lường, Giám sát, Quản lý”. Việc hiểu rõ về tình trạng đất, thông qua các công cụ đo lường và giám sát hiện đại, không chỉ giúp nông dân và nhà quản lý đưa ra các quyết định chính xác trong việc sử dụng đất mà còn hỗ trợ các chiến lược bảo vệ đất hiệu quả.
Đánh giá chính xác tình trạng đất là bước đầu tiên và rất quan trọng trong quản lý đất đai bền vững. Các phương pháp đo lường hiện đại, như phân tích mẫu đất và công nghệ cảm biến từ xa, giúp các nhà khoa học và nông dân xác định được các vấn đề như độ pH, mức độ dinh dưỡng và hàm lượng carbon trong đất. Điều này không chỉ giúp hiểu rõ hơn về chất lượng đất mà còn giúp tìm ra những biện pháp cải thiện và phục hồi đất hiệu quả. Giám sát đất là một quá trình liên tục, giúp chúng ta nhận diện kịp thời những thay đổi về chất lượng đất và các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của đất.
Với sự hỗ trợ của công nghệ, việc theo dõi đất không chỉ giúp phát hiện các dấu hiệu suy thoái mà còn giúp cảnh báo sớm các nguy cơ xói mòn hoặc mất mát chất dinh dưỡng trong đất. Sau khi đo lường và giám sát, việc áp dụng các biện pháp quản lý đất bền vững là cần thiết để bảo vệ và phục hồi đất. Các phương pháp như canh tác tối thiểu, luân canh cây trồng, bổ sung vật chất hữu cơ và che phủ đất sẽ giúp bảo vệ đất khỏi xói mòn, cải thiện độ phì nhiêu và tăng khả năng giữ nước của đất. Đặc biệt, đất không chỉ là tài nguyên để sản xuất thực phẩm mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc chứa carbon, hỗ trợ đa dạng sinh học và lọc nước, từ đó giúp cải thiện môi trường sống.
Không phải ngẫu nhiên mà Hội nghị lần thứ 16 các bên tham gia Công ước LHQ về chống sa mạc hóa (COP16), diễn ra từ ngày 2 - 13/12 tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, có chủ đề “Đất đai của chúng ta. Tương lai của chúng ta”. Đây là hội nghị tập trung vào đất đai lớn nhất của (LHQ) cho đến nay. Theo các chuyên gia, đất đai suy thoái sẽ cản trở các nỗ lực hạn chế phát thải khí nhà kính và bảo vệ đa dạng sinh học. Ngành nông nghiệp hiện chiếm 23% tổng lượng khí nhà kính, 80% nạn phá rừng và 70% lượng nước ngọt sử dụng. Việc đầu tư khôi phục đất đai không chỉ là hành động bảo vệ môi trường, mà còn là một khoản đầu tư thông minh. Với dân số ngày càng tăng, nhu cầu về lương thực, nước sạch và tài nguyên thiên nhiên ngày càng lớn, nếu không có hành động quyết liệt để bảo vệ đất đai thì con người sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng như mất an ninh lương thực, di cư hàng loạt và xung đột.
Tiến sĩ Ahmed Hassan, chuyên gia về chính sách môi trường, cho rằng chủ đề của Ngày Đất Thế giới năm nay là lời kêu gọi hành động đối với các nhà hoạch định chính sách, nông dân và công dân. Ông nhấn mạnh: “Bằng cách áp dụng phương pháp tiếp cận khoa học đối với quản lý đất, chúng ta có thể đưa ra những quyết định sáng suốt có lợi cho cả nông nghiệp và môi trường”. Trong khi đó, Tiến sĩ Elena Patel, chuyên gia về nông nghiệp bền vững, nhận định: “Khi chúng ta chăm sóc đất đai, chúng ta không chỉ cải thiện năng suất cây trồng. Chúng ta đang đầu tư vào khả năng phục hồi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học và sinh kế nông thôn. Đó là một cách tiếp cận toàn diện đối với tính bền vững”.
Có thể thấy, đất khỏe mạnh là nền tảng để đạt được nhiều Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của LHQ. Từ xóa đói giảm nghèo đến hành động vì khí hậu, sức khỏe của đất củng cố khả năng tạo ra một thế giới bền vững và công bằng hơn. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu và sự phát triển không bền vững đang tạo ra nhiều thách thức đối với đất đai. Tin vui là các công nghệ tiên tiến đang giúp giải quyết vấn đề này. Đơn cử, công nghệ nông nghiệp chính xác sử dụng các cảm biến và dữ liệu lớn để tối ưu hóa việc sử dụng đất và nước, đồng thời giảm thiểu lượng phân bón và thuốc trừ sâu. Các công nghệ này cũng giúp cải thiện khả năng dự báo và quản lý các nguy cơ thiên tai như hạn hán và lũ lụt.
Ngoài ra, các sáng kiến như chương trình “Bác sĩ Đất toàn cầu” của FAO đang giúp đào tạo các chuyên gia về sức khỏe đất, hỗ trợ nông dân áp dụng các phương pháp canh tác bền vững và nâng cao năng suất cây trồng mà không gây hại cho đất. Chương trình này đã được triển khai ở nhiều quốc gia và có tiềm năng tạo ra những thay đổi tích cực trong việc bảo vệ và phục hồi đất đai, đồng thời giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của đất đối với sự phát triển bền vững.
Ngày Đất Thế giới 2024 không chỉ là dịp để nhấn mạnh tầm quan trọng của đất trong cuộc sống mà còn là lời kêu gọi hành động từ mỗi cá nhân, cộng đồng và chính phủ. Bảo vệ đất không chỉ là nhiệm vụ của các nhà khoa học hay nông dân, mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Việc tăng cường nhận thức về tầm quan trọng của đất, cũng như hành động bảo vệ đất thông qua các biện pháp canh tác bền vững, sẽ đóng góp vào sự phát triển bền vững của hành tinh.
Tương lai của Trái Đất và sự tồn tại của chúng ta gắn liền với sức khỏe của đất. Việc đo lường, giám sát và quản lý đất đai bền vững không chỉ là yêu cầu cấp bách mà còn là cơ hội để chúng ta xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Khi chúng ta phải đối mặt với những thách thức chưa từng có về môi trường, thông điệp của Ngày Đất Thế giới chưa bao giờ cấp thiết hơn thế: tương lai của chúng ta bắt nguồn từ đất bên dưới chúng ta. Và khi chăm sóc đất, chúng ta đang chăm sóc chính mình và tương lai của hành tinh.