Các kết luận này khẳng định sự cần thiết của một phương pháp tiếp cận thống nhất và toàn diện trong quản lý môi trường trên khắp Liên minh châu Âu (EU), đồng thời cảnh báo về tần suất và mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng của hạn hán, sa mạc hóa và thoái hóa đất không chỉ trên toàn cầu mà còn ngay trong nội bộ châu Âu.
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Hội đồng EU đã yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) nhanh chóng đưa ra một kế hoạch hành động toàn diện trên toàn khối nhằm đối phó với DLDD, với mục tiêu tăng cường khả năng chống chịu hạn hán và đạt được Mục tiêu Trung hòa thoái hóa đất (LDN) vào năm 2030.
Hội đồng EU lưu ý mối liên hệ chặt chẽ giữa các vấn đề môi trường và khuyến nghị các quốc gia thành viên cùng toàn Liên minh cần đặc biệt chú trọng vào việc quản lý và phục hồi đất. Điều này bao gồm việc áp dụng các phương pháp quản lý đất tái sinh và tăng cường quản lý đất đai trong mọi hoạt động, đặc biệt là ở những dự án ngoài EU.
Việc hợp tác quốc tế và tham gia tích cực vào các nỗ lực chống sa mạc hóa, thoái hóa đất và hạn hán không chỉ giúp giải quyết những thách thức môi trường một cách hiệu quả mà còn đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững, bảo vệ đa dạng sinh học và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Để quản lý và phục hồi đất một cách hiệu quả, Hội đồng cho rằng cần có các chiến lược tài chính rõ ràng và nhất quán, khuyến khích đánh giá lại các nguồn vốn hiện có và tìm kiếm các nguồn tài trợ mới, đặc biệt từ khu vực tư nhân và các hình thức hợp tác công-tư. Các nguồn tài trợ này sẽ được sử dụng để thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm chống lại DLDD, đồng thời ưu tiên phục hồi hệ sinh thái thông qua các giải pháp thân thiện với môi trường và sử dụng hiệu quả tài nguyên tự nhiên.
Để đạt được mục tiêu trung hòa thoái hóa đất vào năm 2030, Hội đồng EU khẳng định tầm quan trọng của việc chuyển đổi ngành nông nghiệp và hệ thống thực phẩm theo hướng bền vững, xây dựng các hệ thống nông nghiệp có khả năng chịu hạn tốt hơn, đồng thời áp dụng các phương pháp canh tác thông minh về khí hậu. Hội đồng đề xuất quá trình chuyển đổi này nên dựa trên 13 nguyên tắc nông nghiệp sinh thái do các chuyên gia của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO) đề xuất, nhằm đảm bảo nông nghiệp không chỉ đáp ứng nhu cầu lương thực mà còn bảo vệ môi trường và duy trì đa dạng sinh học.
Hội đồng một lần nữa khẳng định quyết tâm của EU trong việc giải quyết toàn diện các vấn đề môi trường liên quan như sa mạc hóa, thoái hóa đất, hạn hán, biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, thiếu nước và ô nhiễm môi trường. Việc tổ chức liên tiếp các hội nghị quốc tế về đa dạng sinh học (CBD), biến đổi khí hậu (UNFCCC) và chống sa mạc hóa (UNCCD) mang đến cơ hội vàng để tăng cường hợp tác giữa các quốc gia, góp phần thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc và đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững đã đề ra.
Hành động khẩn cấp và hợp tác chặt chẽ là chìa khóa để EU đảm bảo một tương lai bền vững cho thế hệ mai sau, đối mặt với những thách thức toàn cầu đang ngày càng gia tăng.