Theo tờ Politico, chiến dịch “gây sức ép tối đa” mà Tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện chống Iran đang phải hứng chịu không ít áp lực do chính chiến dịch gây ra.
Khi người biểu tình tìm cách xông vào khuôn viên Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Baghdag (Iraq) ngày 31/12/2019, các quan chức Iraq và Mỹ đã căng thẳng khi nói về tính cần thiết của các cuộc không kích mà Mỹ thực hiện ngày 29/12/2019. Trong khi đó, các nhà phê bình cho rằng tình trạng hỗn loạn ở Iraq là do chính quyền ông Trump tập trung làm sụp đổ chế độ Hồi giáo ở Iran.
Các cựu quan chức Mỹ và các nhà quan sát tình hình Iran nhận định: Chiến dịch gây sức ép tối đa đang phản tác dụng. Nó đã gây ảnh hưởng quá nặng nề tới các biện pháp trừng phạt kinh tế và răn đe quân sự, trong khi lại ảnh hưởng quá nhẹ tới các biện pháp ngoại giao nghiêm túc, không tập trung đúng mức vào các quốc gia kẹt ở giữa. Hơn nữa, bản thân ông Trump và nhiều phụ tá thường đưa ra thông điệp không thống nhất về điều họ muốn ở Iran, từ thay đổi chế độ cho tới thu hẹp đàm phán hạt nhân.
Ông Ilan Goldenberg, cựu quan chức Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ, nói: “Chiến dịch không có tác dụng vì chính quyền không biết tại sao lại áp dụng sức ép và muốn cái gì. Đó thậm chí không phải là chiến lược sức ép tối đa”.
Ngay cả một số nước ủng hộ chiến dịch “gây sức ép tối đa” cũng phản đối cách thực hiện của chính quyền Mỹ. Liban và Iraq đã chứng kiến nhiều cuộc biểu tình chống tham nhũng những tháng gần đây khi nhiều người biểu tình phản đối sự can thiệp của Iran. Tuy nhiên, Mỹ hầu như không làm gì ngoài hỗ trợ bằng lời. Một số thông tin từ Baghdad cho thấy các quan chức Iraq đã làm ngơ khi người biểu tình tấn công Đại sứ quán Mỹ.
Diễn biến tuần này là sự kiện quan trọng mang tính bước ngoặt đối với Mỹ ở Iraq – nơi Lầu Năm Góc duy trì khoảng 5.000 binh sĩ trong gần 17 năm qua sau khi Mỹ đưa quân vào Iraq và lật đổ nhà lãnh đạo Saddam Hussein.
Trong những tháng gần đây, dường như nỗ lực của Mỹ nhằm cô lập giới lãnh đạo Iran đang có chút hiệu quả trong khu vực. Tổng thống Trump cho rằng biểu tình ở Iraq và Liban, cũng như ở Iran, là bằng chứng cho thấy người dân khắp khu vực chán chế độ Iran.
Tuy nhiên, khi người biểu tình tấn công Đại sứ quán Mỹ, phía Mỹ lại cho rằng các thành phần liên kết với Iran đã gây ra cuộc tấn công. Phe Dân chủ và những người chỉ trích chính quyền của ông Trump cho rằng hỗn loạn ở Iraq là hậu quả tự nhiên của chiến dịch “gây sức ép tối đa” – một chiến dịch dường như không có mục tiêu rõ ràng, thực tế ngoài bản thân sức ép.
Một gói gồm 12 yêu sách với Iran mà Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa ra năm 2019 rộng tới mức các nhà phân tích cho rằng không khác gì kêu gọi thay đổi chế độ Iran và do đó việc Tehran không chấp nhận là điều dễ hiểu.
Thượng nghị sĩ Robert Menendez, thành viên cấp cao đảng Dân chủ tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, nhấn mạnh: “Kết quả chiến dịch gây sức ép tối đa tới nay là tạo ra nhiều hiểm họa cho thương mại quốc tế, nhiều cuộc tấn công bạo lực khắp Trung Đông và gây ra cái chết của một công dân Mỹ ở Iraq”.
Trong khi đó, các quan chức Mỹ cho rằng tình hình căng thẳng leo thang hiện nay không phải là do chiến dịch “gây sức ép tối đa”. Họ cho rằng nếu Mỹ không đáp trả vụ tấn công thì sẽ khiến phía Iran gây hấn hơn nữa. Quan chức Bộ Ngoại giao cấp cao Mỹ nói với phóng viên ngày 30/12/2019: “Tổng thống Trump đã chỉ đạo lực lượng vũ trang phản ứng để chính quyền Iran hiểu… Đây là kiểu của họ và chúng tôi tự tin về điều đó”.
Dù các quan chức tình báo Mỹ cáo buộc Iran gây hấn từ lâu nhưng Tổng thống Trump vẫn ngần ngại, tránh không kích các mục tiêu ở Iran, nói rằng ông muốn tránh chiến tranh tốn kém, đổ máu. Tuy nhiên, cùng với việc tăng cường trừng phạt Iran, ông chủ Nhà Trắng đã đưa thêm hàng nghìn binh sĩ Mỹ tới Trung Đông với hy vọng răn đe nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Ngày 31/12/2019, Tổng thống Trump đã lên Twitter cảnh báo Iran về vụ tấn công Đại sứ quán Mỹ ở Iraq: “Iran sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn về những mạng sống đã mất, về thiệt hại xảy ra tại mọi cơ sở của chúng tôi. Họ sẽ trả giá đắt. Đây không phải là cảnh báo mà là đe dọa”.
Mặt khác, Tổng thống Trump cũng liên tục nói muốn đàm phán với lãnh đạo Iran. Tuy nhiên, không có nhiều động lực trên mặt trận ngoại giao mà nhiều người cho rằng là lỗi của các phụ tá “diều hâu” của Tổng thống Trump.
Ông Goldenberg nhận định ngay cả khi Tổng thống Trump và phụ tá theo đuổi nỗ lực đưa Iran trở lại đàm phán thì Tehran có thể sẽ ngần ngại vì không có nhiều lý do để tin Mỹ sẽ tôn trọng thỏa thuận. Xét cho cùng, chính ông Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và áp đặt lại biện pháp trừng phạt. Ông Goldenberg nói: “Người ta không bắt đầu đàm phán ngoại giao bằng cách xé bỏ một thỏa thuận đã tồn tại và rồi hy vọng kẻ thù trở lại đàm phán một cách thiện chí”.
Dù tâm lý chống Iran có thể gia tăng ở Iraq nhưng cần nhớ rằng tâm lý chống Mỹ đã xuất hiện từ nhiều năm nay, đặc biệt là từ khi Mỹ đưa quân vào Iraq năm 2003.