Quyết định mạo hiểm
Theo CNN, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết chính ông ra lệnh không kích đoàn xe chở Thiếu tướng Soleimani – người mà ông cho là đang âm mưu tấn công người Mỹ, đồng thời cho rằng quyết định trên là một đòn răn đe chứ không phải gây hấn. Ông Trump phát biểu từ khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ngày 3/1, sau khi máy bay không người lái Mỹ không kích vào sân bay Baghdad ở Iraq và hạ sát ông Soleimani: “Chúng tôi đã hành động để ngăn chặn chiến tranh. Chúng tôi không hành động để bắt đầu chiến tranh”.
Chính quyền của Tổng thống Trump coi ông Soleimani là kẻ giết người và nói rằng lẽ ra các đời tổng thống trước đó phải xử lý ông này. Lầu Năm Góc cáo buộc ông Soleimani chịu trách nhiệm về cái chết của hàng trăm người Mỹ và đồng minh trong các cuộc tấn công những tháng gần đây, ví dụ như các cuộc tấn công vào căn cứ liên minh ở Iraq, trong đó có vụ không kích ngày 27/12/2019 khiến một người Mỹ và một người Iraq thiệt mạng. Ông Soleimani cũng bị Washington coi là thủ phạm kích động vụ người biểu tình Iraq tấn công Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad ngày 31/12/2019.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, chính sách "gây sức ép tối đa" của Mỹ đối với Iran trong suốt hơn 1 năm qua hầu như không đem lại hiệu quả, ngoài việc căng thẳng Washington-Tehran liên tục leo thang và đẩy khu vực Trung Đông nhiều lúc tới "bên miệng hố chiến tranh".
Vụ không kích nhằm vào khu vực sân bay Baghdad của Iraq để sát hại Tướng Soleimani cũng khiến quan hệ giữa Mỹ với Iraq bị sứt mẻ nghiêm trọng, mà đỉnh điểm là Quốc hội Iraq thông qua nghị quyết yêu cầu chấm dứt sự hiện diện của binh sĩ nước ngoài tại quốc gia Trung Đông này.
Ở một khía cạnh khác, chính sách "gây hấn" với Iran đã dẫn tới một kịch bản không mong muốn là Washington phải tăng cường lực lượng để bảo vệ công dân và các lợi ích của Mỹ ở Trung Đông. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Lầu Năm Góc đã phải cấp tốc tăng viện 3.000 binh sĩ tới Iraq.
Về khía cạnh kinh tế, những căng thẳng giữa Mỹ và Iran kéo theo những bất ổn ở Trung Đông sẽ gây ra tác động tiêu cực tới thị trường dầu mỏ thế giới và cụ thể là giá dầu. Thực tế, chỉ vài giờ sau vụ không kích của Mỹ nhằm vào Tướng Soleimani, giá dầu thô trên thị trường quốc tế tăng vọt, lên mức cao nhất trong 7 tháng qua. Các chuyên gia kinh tế cho rằng giá dầu có thể tăng lên tới 80 USD/thùng và thậm chí có thể vượt mức này nếu căng thẳng địa chính trị leo thang làm gián đoạn nguồn cung dầu thô ở Trung Đông. Không chỉ giá dầu, vàng cũng tăng phi mã và lập đỉnh của 9 năm trong phiên giao dịch ngày 6/1 vì tình hình căng thẳng ở Trung Đông.
Phản ứng cứng rắn của Iran
Sau cái chết của Thiếu tướng Soleimani, nhân vật quan trọng và đầy quyền lực ở Iran, người Iran đã có nhiều phản ứng cứng rắn. Hãng thông tấn chính thức của Iran IRNA đưa tin Quốc hội Iran ngày 7/1 đã tuyên bố Bộ Quốc phòng Mỹ là “tổ chức khủng bố”. Theo đó, toàn bộ thành viên của Bộ Quốc phòng Mỹ, các tổ chức và công ty liên kết cũng như những tướng lĩnh Mỹ lên kế hoạch và thực hiện vụ ám sát ông Soleimani đều bị liệt vào danh sách đen.
Trước đó, Iran đã gửi công hàm tới Liên hợp quốc, gọi vụ sát hại ông Soleimani là hành động khủng bố nhà nước và hành động tội phạm bất hợp pháp. Đại sứ Iran tại Liên hợp quốc Majid Takht Ravanchi gọi vụ tấn công là hành vi không khác gì khơi mào chiến tranh và khẳng định “sẽ có trả thù”. Ông nói: “Đáp trả hành động quân sự sẽ là một hành động quân sự. Ai làm? Khi nào? Ở đâu. Tương lai sẽ biết”. Đại sứ Iran cũng khẳng định chính Mỹ đã leo thang từ chiến tranh kinh tế hồi tháng 5/2018 khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran sang chiến tranh quân sự sau vụ ám sát.
Sau khi Mỹ sát hại ông Soleimani, Iran ngay lập tức tuyên bố ngừng thực hiện thêm nhiều cam kết trong thỏa thuận hạt nhân đa phương năm 2015. Cụ thể là Iran sẽ không tuân thủ bất kỳ giới hạn nào được đặt ra trong thỏa thuận hạt nhân về số lượng máy ly tâm để làm giàu urani mà họ có thể sử dụng. Điều này đồng nghĩa sẽ không có giới hạn đối với năng lực và cấp độ làm giàu urani hoặc quá trình nghiên cứu và phát triển hạt nhân của Iran. Từ nay, những vấn đề này sẽ phụ thuộc vào nhu cầu kỹ thuật của Iran.
Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei đã thề “trả thù khốc liệt”. Trong tuyên bố đăng trên trang web chính thức của ông Khamenei, ông nói: “Máu của ông ấy đã đổ dưới bàn tay của những kẻ suy đồi nhất loài người”.
Với Iran và các đồng minh, lời cảnh báo với Mỹ luôn rõ ràng và thống nhất: Hồi kết cho sự hiện diện của Mỹ trong khu vực đã bắt đầu. Hassan Nasrallah, thủ lĩnh nhóm Hồi giáo vũ trang Hezbollah ở Liban được Iran hậu thuẫn, nói: “Mục tiêu của chúng tôi rõ ràng. Phản ứng là đuổi lực lượng Mỹ ra khỏi toàn bộ khu vực của chúng ta”.
Theo CNN, chỉ riêng việc buộc Mỹ rời Iraq cũng sẽ là chiến thắng chiến lược lớn với Iran, có lẽ là đòn trả đũa tương xứng với cái chết của ông Soleimani. Sự hiện diện của Mỹ ở Syria cũng sẽ ngay lập tức bị lâm nguy khi Mỹ không có biên giới đường bộ với Iraq để viện quân sang.
Có thể Iran sẽ tấn công các mục tiêu mềm của Mỹ trên toàn cầu, ví dụ các nhà ngoại giao hay công dân Mỹ ngoài khu vực. Tấn công mạng cũng là điều mà Iran có thể thực hiện.
Theo các chuyên gia, tất cả hành động trả đũa của Iran sẽ diễn ra từ từ, chứ không nhanh chóng và đó mới là điều đáng lo ngại.
Khủng hoảng của Tổng thống Trump
Theo chuyên gia phân tích vấn đề toàn cầu Max Boot, Tổng thống Trump đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chính sách ngoại giao có lẽ là lớn nhất nhiệm kỳ tổng thống. Mặc dù luôn muốn rút Mỹ khỏi những cuộc chiến tranh bất tận nhưng chính ông Trump lại đang tự đẩy mình vào những cuộc chiến đó.
Sau vụ tấn công Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad và sát hại ông Soleimani, Mỹ và Iran đang đứng trên bờ vực chiến tranh mà không bên nào thực sự muốn. Tuy nhiên, Iran có thể cảm thấy cần phải phản ứng xứng đáng với cái chết của ông Soleimani. Hai bên có thể leo thang nguy hiểm, mở rộng cuộc xung đột ra mặt trận quân sự. Điều này có thể tạo ra bất lợi cho Tổng thống Trump trong năm bầu cử.
Chính quyền của ông Trump đang có nguy cơ mất kiểm soát cơn bão chính trị và phản ứng dây chuyền diễn ra nhanh chóng sau vụ sát hại ông Soleimani. Chiến lược Trung Đông của ông Trump đang bị soi xét kỹ lưỡng. Phe Dân chủ cho biết họ không được tham vấn trước và kêu gọi ông Trump giải mật thông tin tình báo dẫn tới vụ tấn công. Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff nói: “Đó là quyết định liều lĩnh làm gia tăng, chứ không làm giảm rủi ro cho người Mỹ trên toàn thế giới”.
Những sự kiện vừa qua dường như là không tránh khỏi, xét chính sách cứng rắn của ông Trump với Iran từ trước tới nay. Trên con đường gây sức ép tối đa với Iran, ông Trump đã không để lại một lối thoát ngoại giao thực tế cho bản thân.
Với sự kiện trên, chính giới Mỹ cho rằng ông Trump đang đặt nước Mỹ vào "tình thế nguy hiểm". Ít nhất, các công dân và lợi ích của Mỹ ở Trung Đông đang bị đe dọa trực tiếp trước những tuyên bố trả đũa của Iran hoặc các nhóm ủng hộ Tehran trong khu vực. Trong trường hợp này, việc kích động các căng thẳng quốc tế không chỉ làm vai trò và vị thế của Mỹ ở Trung Đông càng thêm sa sút, mà còn khiến Tổng thống Trump đánh mất sự ủng hộ ở trong nước, nhất là khi ông đang đối mặt phiên tòa luận tội chưa biết bao giờ sẽ diễn ra.