Trong tuyên bố của mình, bà Leyen nêu rõ: "Chúng tôi đặc biệt quan ngại về tuyên bố của Iran rằng nước này sẽ không còn tôn trọng giới hạn (về hạt nhân) được quy định trong Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA)".
Bà Leyen cho biết, từ quan điểm châu Âu, việc Iran quay trở lại và tuân thủ JCPOA có ý nghĩa quan trọng, nhấn mạnh cần phải thuyết phục Tehran rằng điều này cũng là lợi ích của nước CH Hồi giáo.
Theo Chủ tịch EC, các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) sẽ tổ chức họp khẩn về vấn đề Iran vào ngày 10/1 tới.
Cùng ngày, các nhà ngoại giao châu Âu nhận định các nước châu Âu tham gia JCPOA có thể xúc tiến một quá trình giải quyết tranh chấp trong tuần này. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn tới khả năng khôi phục các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc (LHQ) nhằm vào Iran.
Xác nhận một cuộc họp khẩn của ngoại trưởng 28 nước thành viên EU sẽ diễn ra vào ngày 10/1, một nhà ngoại giao EU cho biết: "Chúng tôi phải sẵn sàng đáp trả trước những hành động vi phạm thỏa thuận hạt nhân của Iran".
Khi được hỏi liệu điều này có thể kích hoạt một cơ chế có khả năng dẫn tới việc tái áp đặt các biện pháp trừng phạt quốc tế nhằm vào Iran hay không, nhà ngoại giao này nói điều này có thể xảy ra, song vẫn chưa được quyết định.
Trong khi đó, một nhà ngoại giao khác cho rằng sự mập mờ trong những tuyên bố của Iran càng cho thấy sự cần thiết phải kích hoạt cơ chế trên bởi mục đích của nó là giải quyết những bất đồng và khác biệt.
Bất cứ nước nào tham gia thỏa thuận JCPOA cho rằng một nước khác không tuân thủ các cam kết có thể đưa vấn đề này ra Ủy ban Chung giám sát việc thực thi thỏa thuận hạt nhân Iran. Ủy ban này được 6 cường quốc thế giới (gồm Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc cùng với Đức), Iran và Liên minh châu Âu (EU) thành lập để giải quyết mọi khiếu nại về việc thực hiện JCPOA.
Theo quy định, các nước sẽ có khoảng 15 ngày để giải quyết các bất đồng và quá trình này có thể được gia hạn nếu có sự đồng thuận. Tuy nhiên, tiến trình này có thể dẫn tới một "bước lùi" - đó là khả năng tái áp đặt các biện pháp trừng phạt theo các nghị quyết trước đó của LHQ nếu Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ không đưa ra quyết định khác.
Các nhà ngoại giao cho rằng trừ phi Iran có những hành động vi phạm vượt qua ngưỡng không thể chấp nhận được, các nước châu Âu sẽ tập trung gia hạn tiến trình trên thay vì thúc đẩy tái áp đặt các biện pháp trừng phạt.
Trước đó, ngày 5/1, Iran tuyên bố nước này sẽ tiếp tục giảm bớt các cam kết đối với JCPOA, song vẫn tiếp tục hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Tuyên bố khẳng định Tehran sẽ không tuân thủ bất kỳ giới hạn nào được đặt ra trong thỏa thuận hạt nhân về số lượng máy ly tâm để làm giàu urani mà họ có thể sử dụng, điều này đồng nghĩa sẽ không có giới hạn đối với năng lực và cấp độ làm giàu urani hoặc quá trình nghiên cứu và phát triển hạt nhân của Iran. Từ nay, những vấn đề này sẽ phụ thuộc vào nhu cầu kỹ thuật của Iran.
Đây là bước đi mới nhất của Tehran trong việc rút lại các cam kết trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân ký với Nhóm P5+1 sau khi Mỹ tiến hành không kích vào sân bay quốc tế ở thủ đô Baghdad (Iraq), khiến Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Tướng Qassem Soleimani thiệt mạng. Vụ không kích "có địa chỉ" của Mỹ đã không chỉ khiến quan hệ giữa Mỹ với Iran và Iraq đặc biệt căng thẳng, mà còn khiến khu vực có nguy cơ rơi vào vòng xoáy bạo lực mới.