Chính trường Mỹ rối ren trước ngày ông Joe Biden nhậm chức

Đầu tiên là vụ người biểu tình xông vào tấn công Quốc hội Mỹ, hàng loạt quan chức từ chức. Tiếp đó là việc Hạ viện Mỹ thúc đẩy tiến trình luận tội, phế truất Tổng thống Donald Trump vì vai trò trong vụ xâm chiếm tòa nhà Quốc hội. Tất cả diễn ra trên nền đại dịch COVID-19 trầm trọng. Có thể thấy nước Mỹ đang rối ren, bị chia rẽ hơn bao giờ hết trước ngày ông Joe Biden nhậm chức 20/1.

Nguy cơ bị phế truất, luận tội

Chú thích ảnh
Tổng thống Trump phát biểu tại Alamo, bang Texas ngày 12/1. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Trump đang đối mặt nguy cơ bị luận tội và phế truất sau khi bị cáo buộc kích động người biểu tình xâm chiếm tòa nhà Quốc hội Mỹ ngày 6/1. Vụ tấn công tòa nhà Quốc hội Mỹ là vụ việc nghiêm trọng chưa từng thấy trong lịch sử Mỹ, xảy ra khi Quốc hội đang kiểm đếm phiếu đại cử tri để xác nhận chiến thắng cho ông Joe Biden. Sau vụ biểu tình, một loạt quan chức Nhà Trắng đã từ chức để phản đối, hàng chục người biểu tình bị buộc tội.

Hạ viện Mỹ đã thông qua Nghị quyết hối thúc Phó Tổng thống Mike Pence kích hoạt Tu chính án 25 của Hiến pháp Mỹ để lập tức phế truất Tổng thống đương nhiệm Donald Trump. Tại cuộc bỏ phiếu diễn ra vào tối muộn ngày 12/1 (trưa 13/1 theo giờ Việt Nam), Nghị quyết nói trên đã được thông qua với 220 phiếu thuận, 205 phiếu chống và 8 nghị sĩ không bỏ phiếu. ghị quyết kêu gọi Phó Tổng thống Mike Pence ngay lập tức sử dụng quyền lực theo Mục 4, Tu chính án số 25, triệu tập các thành viên Nội các Mỹ để bỏ phiếu về vấn đề: Tổng thống đương nhiệm Trump không đủ khả năng điều hành chính phủ. Dự thảo còn kêu gọi ông Pence đứng lên nhận trách nhiệm và quyền lực của tổng thống tạm quyền.

Chú thích ảnh
Cảnh sát ngăn người biểu tình cố xông vào tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington, DC ngày 6/1. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, ông Pence đã gửi thư tới Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, khẳng định ông không kích hoạt Tu chính án số 25, với lý do tiến trình hành động này không mang lại lợi ích quốc gia và không phù hợp với Hiến pháp Mỹ.

Phó Tổng thống Mỹ Pence nhấn mạnh Tu chính án 25 không phải là công cụ để trừng phạt, cho rằng không thể sử dụng tu chính án này “dựa trên bình luận hay cách hành xử mà ta không thích”. Ông Pence cho rằng phế truất Tổng thống Trump thông qua Tu chính án 25 sẽ tạo tiền lệ xấu, làm gia tăng chia rẽ và thổi bùng giận dữ vào thời điểm này.

Chú thích ảnh
Phó tổng thống Pence phát biểu tại phiên họp lưỡng viện Quốc hội ở Washington, Dc ngày 6/1. Ảnh: AFP/TTXVN

Khi ông Pence từ chối kích hoạt Tu chính án 25, Hạ viện sau đó sẽ nhanh chóng tiến hành thảo luận và thông qua nghị quyết luận tội Tổng thống Trump. Hạ viện sẽ thảo luận xem liệu ông Trump có phạm tội “kích động nổi loạn” hay không và trình nghị quyết đó lên Thượng viện phán xét.

Theo kênh CNN, nghị quyết luận tội có một điều khoản duy nhất, được trình khi Hạ viện họp sáng 11/1 (giờ Mỹ). Theo kế hoạch, Hạ viện thảo luận và bỏ phiếu về nghị quyết trong ngày 13/1 (giờ Mỹ). Nghị quyết chỉ ra rằng Tổng thống Trump liên tục nhắc đi nhắc lại các cáo buộc sai, rằng cuộc bầu cử đã bị gian lận và ông mới là người giành thắng. Nghị quyết cũng nhắc tới bài phát biểu của ông với đám đông ngày 6/1, trước khi những người bạo loạn xâm phạm tòa nhà Quốc hội. Nghị quyết đề cập cả việc ông Trump gọi điện cho Thư ký tiểu bang Georgia, thúc giục ông này “tìm” đủ phiếu để ông thắng cử ở Georgia. 

Về phần mình, ngày 12/1, Tổng thống Trump đã chỉ trích việc đảng Dân chủ xúc tiến luận tội ông tại Quốc hội, nhấn mạnh hành động này "hoàn toàn vô nghĩa". Phát biểu trước khi tới bang Texas, Tổng thống Trump gọi kế hoạch luận tội của phe Dân chủ tại Hạ viện là phần tiếp theo của "cuộc săn phù thủy lớn nhất trong lịch sử chính trị". 

Giám đốc Điều hành An toàn Công cộng và An ninh Quốc gia Mỹ, ông Derek Maltz, khẳng định không có lý do gì để Tổng thống Trump bị luận tội. Theo ông Maltz, đây không phải là lần đầu tiên đảng Dân chủ tìm cách luận tội  ông Trump. Từ khi giành đa số tại Hạ viện vào năm 2019, đảng Dân đã chủ bắt đầu cuộc điều tra luận tội đối với Tổng thống Trump và thông qua các điều khoản luận tội về tội lạm dụng quyền lực và cản trở Quốc hội vào ngày 18/12/2019. Tuy nhiên, cuộc luận tội vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ đảng Cộng hòa vì các cáo buộc thiếu minh bạch và không nhất quán. 

Thắt chặt an ninh cho ngày 20/1

Chú thích ảnh
Lực lượng Vệ binh quốc gia siết chặt an ninh tại Washington, Mỹ ngày 11/1. Ảnh: AFP/TTXVN

Tất cả những sự kiện dồn dập trên diễn ra khi thời điểm ông Biden nhậm chức tổng thống Mỹ thứ 46 chỉ còn tính bằng ngày.

Do có nhiều rủi ro an ninh xảy ra trong lễ nhậm chức của ông Biden nên Mỹ buộc phải thắt chặt kiểm soát. Nhà Trắng thông báo Tổng thống Trump đã cho phép ban bố tình trạng khẩn cấp đối với thủ đô Washington, có hiệu lực tới ngày 24/1. 

Chú thích ảnh
Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden phát biểu tại Wilmington, bang Delaware ngày 8/1. Ảnh: AFP/TTXVN

Quyền Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Chad Wolf tuyên bố kể từ ngày 13/1, Cơ quan Mật vụ nước này (USSS) sẽ bắt đầu triển khai các hoạt động bố trí lực lượng an ninh đặc biệt để bảo vệ lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Biden. Hoạt động này được triển khai sớm hơn gần một tuần so với kế hoạch ban đầu.

Lầu Năm Góc đã điều động 15.000 binh sĩ thuộc Lực lượng Vệ binh quốc gia để bảo đảm an ninh cho lễ nhậm chức. Theo Tướng Daniel Hokanson, chỉ huy Vệ binh quốc gia thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, đã có 6.200 vệ binh đang được triển khai tại thủ đô Washington và tổng cộng 10.000 vệ binh sẽ được huy động trong tuần tới. 

Chú thích ảnh
Treo cờ bên ngoài tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington, DC chuẩn bị cho lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden ngày 12/1. Ảnh: THX/TTXVN

Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã cảnh báo về các cuộc cuộc biểu tình bạo lực đang được lên kế hoạch ở thủ đô Washington và 50 thành phố thủ phủ của Mỹ trước lễ nhậm chức ngày 20/1.

Trong bối cảnh hình ảnh nước Mỹ xấu đi sau vụ biểu tình bạo lực tại Quốc hội và cuộc khủng hoảng COVID-19 ngày càng tồi tệ, ông Biden sẽ đối mặt với nhiệm vụ khó khăn sau ngày nhậm chức. Chủ đề lễ nhậm chức là “Nước Mỹ thống nhất” nhưng để thực hiện được nhiệm vụ thống nhất, đoàn kết nước Mỹ không phải là điều dễ dàng.

Trong khi khủng hoảng chồng khủng hoảng ập tới, nước Mỹ hơn bao giờ hết cần sự đoàn kết, nhất trí để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Dù vậy, tương lai của Mỹ dưới thời Tổng thống thứ 46 Biden đến nay vẫn là ẩn số. Trong thời gian tới, chính quyền Tổng thống Biden sẽ còn nhiều việc phải làm để xây dựng nước Mỹ “trở lại tốt đẹp hơn” như ông cam kết.

Ông sẽ phải triển khai mạnh mẽ nhiều chính sách để gắn kết nước Mỹ, ngăn chặn xu hướng chia rẽ ngày càng sâu sắc hiện nay, cũng như nhanh chóng đưa nước Mỹ thoát khỏi cuộc khủng hoảng y tế COVID-19.

Thùy Dương/Báo Tin tức (Tổng hợp)
Hạ viện Mỹ sắp thông qua nghị quyết phế truất Tổng thống Trump
Hạ viện Mỹ sắp thông qua nghị quyết phế truất Tổng thống Trump

Hạ viện Mỹ tối 12/1 (sáng 13/1 giờ Hà Nội) dự kiến bỏ phiếu thông qua dự thảo nghị quyết về phế truất Tổng thống Donald Trump, viện dẫn các quy định có trong Tu chính án số 25.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN