Ngày 26/2, Quốc hội Hungary đã bỏ phiếu chấp thuận việc Thụy Điển gia nhập NATO, qua đó dỡ bỏ trở ngại cuối cùng đối với tư cách thành viên của Stockholm trong Liên minh Bắc Đại Tây Dương.
Theo báo Izvestia (Nga), Hungary, bằng cách liên tục trì hoãn việc xem xét tư cách thành viên NATO của Thụy Điển, đã thương lượng một cách hiệu quả với các thành viên NATO khác và thể hiện với công chúng trong nước rằng chính phủ luôn sẵn sàng đấu tranh vì lợi ích quốc gia. Hiện tại, các chuyên gia dự đoán rằng Budapest hiện đã đạt được mục tiêu của mình.
Nhà khoa học chính trị Nga Lydia Sidorova cho biết, về mặt kỹ thuật, Thụy Điển đã hội nhập sâu vào NATO. Theo bà, việc Thụy Điển chính thức gia nhập liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu giờ đây chỉ gây ra các nghĩa vụ tài chính và quy định mới đối với Stockholm.
"Thụy Điển có tiềm năng quân sự rất lớn; trong một thời gian dài, nước này đã tăng cường khả năng phòng thủ, bao gồm cả việc hợp tác với Phần Lan và Na Uy", chuyên gia Sidorova chỉ ra.
Về phần mình , Nikita Lipunov, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Quốc tế tại Moskva, cho biết: “Việc Thụy Điển gia nhập NATO là mối đe dọa đáng kể đối với an ninh của Nga vì điều đó sẽ giúp Mỹ tự do triển khai lực lượng tới biên giới Nga, với Biển Baltic về cơ bản trở thành một 'cái hồ' của NATO”.
Theo chuyên gia này, công nghệ liên lạc của Thụy Điển sẽ trở thành tài sản quý giá đối với NATO cũng như dữ liệu tình báo của khối này mà các tàu hải quân Thụy Điển thu thập trên khắp vùng Baltic. Tư cách thành viên NATO của nước này sẽ đơn giản hóa việc hội nhập quốc phòng của các nước Bắc Âu trong khuôn khổ Hợp tác Quốc phòng Bắc Âu (NORDEFCO), bao gồm Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy và Thụy Điển.
Tuy nhiên, bà Sidorova cho rằng lá phiếu của Thụy Điển trong quá trình ra quyết định tổng thể của NATO khó có thể có nhiều sức nặng. "Một cơ cấu thứ bậc đã xuất hiện trong liên minh. Thổ Nhĩ Kỳ nói rõ rằng Phần Lan và Thụy Điển là những thành viên thứ cấp, trong khi ban lãnh đạo NATO chưa sẵn sàng làm bất cứ điều gì để giải quyết tình trạng này. Ngoài ra, không thành viên nào kỳ vọng ở Thụy Điển và Phần Lan ngoài việc họ sẵn sàng cung cấp lãnh thổ của mình để triển khai một số hệ thống vũ khí", chuyên gia Sidorova nói thêm.
Trong khi đó, Giáo sư Vladimir Vinokurov tại Học viện Ngoại giao của Bộ Ngoại giao Nga, nhận định rằng Mỹ nói chung có "lợi ích" trong việc kết hợp tất cả các nước châu Âu vào NATO nhằm chống lại Nga như một mặt trận duy nhất. Tuy nhiên, điều này khó có thể xảy ra, vì Thụy Sĩ hoặc Serbia chẳng hạn sẽ khó sẵn sàng từ bỏ tính trung lập về quân sự của họ.