Theo Hüseyin Özdemir, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Thế giới TRT, có trụ sở tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, hội nghị thượng đỉnh về hòa bình ở Ukraine, diễn ra từ ngày 15-16/6, nhằm mục đích tập hợp các nguyên thủ quốc gia và phát triển sự hiểu biết chung về con đường hướng tới một nền hòa bình công bằng và lâu dài ở Ukraine.
Tuy nhiên, sự vắng mặt của các quốc gia chủ chốt và những mục tiêu cơ bản của hội nghị khiến nhiều người nghi ngờ đạt được một kết quả có ý nghĩa. Thay vì thúc đẩy một nền tảng cho các cuộc đàm phán thực sự, hội nghị thượng đỉnh dường như chỉ củng cố sự hỗ trợ cho Ukraine trong trường hợp không có các quốc gia quan trọng có thể tạo điều kiện cho một nền hòa bình.
Chuyên gia Özdemir cho rằng, một số người còn lập luận rằng Ukraine, dường như đang cảm thấy “bị gạt sang một bên” khi sự chú ý của toàn cầu chuyển sang thảm kịch ở Gaza, đã thúc đẩy hội nghị thượng đỉnh này để củng cố vị thế của mình trong chương trình nghị sự quốc tế, thay vì đạt được hòa bình toàn diện.
Danh sách tham dự hội nghị về Ukraine ở Thuỵ Sĩ cho thấy có sự tham gia đáng kể của quốc tế, với khoảng 100 phái đoàn. Các quốc gia châu Âu chủ chốt như Anh, cũng như Pháp và các thành viên EU khác, đã cử các đại diện hàng đầu đến để thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Ukraine. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã không tham dự và Washington chỉ cử một phái đoàn cấp thấp hơn.
Ngược lại, Thủ tướng Hungary Viktor Orban, người có quan hệ chặt chẽ với Nga, cũng cử cấp ngoại trưởng tham dự trong bối cảnh sự chia rẽ nội bộ của EU về cuộc xung đột ở Ukraine. Ngoài ra, sự vắng mặt của các nhà lãnh đạo cấp cao từ Brazil và Ấn Độ, hai nước đóng vai trò quan trọng ở “Nam toàn cầu” (các quốc gia đang phát triển và mới nổi ngoài phương Tây), nhấn mạnh phản ứng toàn cầu bị chia rẽ đối với cuộc xung đột.
Hội nghị cũng diễn ra mà không có sự tham gia của Trung Quốc, một bên quan trọng và quan trọng hơn là không có Nga, một trong những bên chính trong cuộc xung đột. Sự vắng mặt của Trung Quốc càng nhấn mạnh những hạn chế của hội nghị, xét đến ảnh hưởng đáng kể về kinh tế, quân sự và chính trị của nước này đối với cuộc chiến cũng như các đề xuất hòa bình gần đây của nước này đối với Ukraine. Nếu không có những bên tham gia chủ chốt này, sự kiện có thể bị coi là một cuộc tập hợp các đồng minh quen thuộc củng cố sự ủng hộ cho Ukraine hơn là một nỗ lực hòa bình toàn diện thực sự.
Vai trò của EU trong hội nghị cũng đặt ra câu hỏi về mục tiêu thực sự của khối này. Vì hội nghị không có Nga, Brussels dường như ưu tiên thể hiện tình đoàn kết với Ukraine hơn là tìm kiếm giải pháp. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tận dụng hội nghị thượng đỉnh này để nêu bật sự phản đối toàn cầu đối với chiến dịch quân sự của Nga. Mặc dù được thiết kế để thúc đẩy tình đoàn kết và củng cố liên minh ủng hộ Ukraine, động thái này dường như không chuyển thành một lối thoát hiệu quả khỏi cuộc xung đột.
Đầu tháng này, một số nước thành viên EU tuyên bố rằng vũ khí họ cung cấp cho Ukraine có thể được sử dụng để tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga, một động thái dường như nhằm mục đích chuyển cuộc chiến theo hướng có lợi cho Ukraine. Tuy nhiên, tình hình trên thực tế dường như ngày càng không ủng hộ cho Ukraine. Sự trỗi dậy của các đảng cánh hữu trong các cuộc bầu cử ở EU, là một “đám mây đen bao trùm Ukraine”. Hơn nữa, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới và các mối đe dọa hạt nhân leo thang không phải là điềm báo tốt cho hòa bình. Mặc dù EU đặt mục tiêu đưa ra một thông điệp mạnh mẽ về sự đoàn kết tại hội nghị, nhưng vẫn chưa chắc chắn liệu sự thống nhất mong manh này có đứng vững trước thử thách của thời gian hay không.
Tại sao sự hiện diện của Nga lại quan trọng?
Việc Nga tham dự hội nghị là một bất lợi nghiêm trọng. Bất kỳ tiến trình hòa bình nào không có sự tham gia của tất cả các bên tham chiến đều khó có thể thành công. Sự tham gia của Nga là rất quan trọng để giải quyết các vấn đề cốt lõi của cuộc xung đột, chẳng hạn như tranh chấp lãnh thổ và các mối lo ngại về an ninh. Việc Nga không có mặt tại hội nghị đã loại bỏ khả năng đàm phán trực tiếp về những vấn đề quan trọng này.
Hội nghị cũng có nguy cơ làm căng thẳng leo thang hơn là giảm bớt căng thẳng. Bằng cách không mời Nga và huy động lực lượng ủng hộ Ukraine, hội nghị đã bị Moskva và một số khu vực coi là sự khiêu khích đơn thuần.
Tình trạng này gây ra một số vấn đề. Thứ nhất, nó có thể khiến lập trường của Nga trở nên cứng rắn hơn, làm giảm cơ hội đàm phán hòa bình trong tương lai. Một rủi ro khác là nó có thể cản trở triển vọng đạt được một thỏa thuận hòa bình toàn diện khi không có các nhà hòa giải nghiêm túc ủng hộ cách tiếp cận thực tế để giải quyết xung đột.
Nhìn về phía trước, nhà phân tích Özdemir nhấn mạnh cộng đồng quốc tế phải thừa nhận rằng hòa bình lâu dài ở Ukraine chỉ có thể đạt được thông qua các cuộc đàm phán có sự tham gia của tất cả các bên liên quan. Những nỗ lực trong tương lai nên ưu tiên ngoại giao toàn diện, lôi kéo cả Ukraine và Nga vào các cuộc đàm phán trực tiếp để giải quyết các mối quan tâm cốt lõi của họ. Chỉ bằng những nỗ lực toàn diện như vậy, cuộc xung đột tàn khốc này mới có thể chấm dứt và khôi phục nền hòa bình ở Ukraine.